Chiến hạm 3,5 tỷ USD của Mỹ chưa chào đời đã đối diện "án tử"

Vy Lam |

Lầu Năm Góc đang cân nhắc khả năng dừng đóng hoàn toàn chiến hạm trị giá 3,5 tỷ USD thi công tại nhà máy đóng tàu Bath Iron Works (BIW), dù con tàu đã hoàn tất được gần một nửa.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang đắn đo liệu có nên tiếp tục hoàn thiện nốt chiếc tàu khu trục thứ 3 (cũng là chiếc cuối cùng) lớp Zumwalt mang tên USS Lyndon B. Johnson dù con tàu này đã hoàn tất được hơn 40%.

Theo tờ Bloomberg News, vấn đề này sẽ được Văn phòng đánh giá chi phí của Lầu Năm Góc “xem xét lại trong vài tuần tới”.

Hai quan chức nắm rõ tình hình cho biết khả năng dừng đóng tàu phát sinh trong quá trình lập kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa 2017.

Các tàu khu trục thế hệ mới lớp Zumwalt được thiết kế với khả năng tàng hình và nhiều vượt trội về hệ thống vũ khí.

Tuy nhiên, từ đơn đặt hàng 32 chiếc ban đầu, Hải quân Mỹ đã giảm dần số lượng tàu Zumwalt dự định đóng xuống còn 7 chiếc và tới nay chỉ còn 3 chiếc.

Điều này phản ảnh mức chi phí gia tăng và những thay đổi trong nhu cầu của Hải quân Mỹ đối với lực lượng tác chiến tương lai.

Các quan chức tại Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ cho biết, chi phí dành cho cả 3 tàu Zumwalt đã tăng 37% kể từ năm 2009, lên mức 12,3 tỷ USD.

Chi phí đóng chiếc tàu thứ 3 (định danh là DDG-002) ước tính vào khoảng 3,5 tỷ USD.


DDG-1000, chiếc tàu khu trục đầu tiên lớp Zumwalt

DDG-1000, chiếc tàu khu trục đầu tiên lớp Zumwalt

Một câu hỏi đang được đặt ra là: Hải quân Mỹ sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu dừng đóng một con tàu đã hoàn thiện tới 41%?

Trong khi đó, chương trình này đang nhận được sự ủng hộ của một số nhân vật quyền lực trong Quốc hội Mỹ, trong đó có 2 Thượng nghị sĩ tiểu bang Maine.

Một người là Thượng nghị sĩ Angus King – thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và người còn lại là Thượng nghị sĩ Susan Collins – thành viên Tiểu ban Ngân sách Thượng viện Mỹ.

Phản ứng trước thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ có thể dừng đóng tàu USS Lyndon B. Johnson, 2 Thượng nghị sĩ này cho biết:

“Đây sẽ là sai lầm về chính sách và tài chính khiến hạm đội của Hải quân Mỹ suy yếu, làm suy giảm ngành công nghiệp chế tạo mà an ninh của nước Mỹ đang phải phụ thuộc vào.

Hủy đóng tàu và các lệ phí hợp đồng khác sẽ không giúp tiết kiệm tiền trong giai đoạn hiện nay”.

Theo họ, quá trình phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến như vậy luôn gặp phải những thách thức.


Với những tính năng vượt trội, tàu khu trục lớp Zumwalt được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh cho Hải quân Mỹ.

Với những tính năng vượt trội, tàu khu trục lớp Zumwalt được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh cho Hải quân Mỹ.

“Vừa mới tuần trước, Thư ký Hải quân Mỹ Ray Mabus còn tuyên bố Hải quân sẽ trang bị cả 3 tàu bởi những khả năng mà chúng có thể mang lại cho hạm đội. Chúng tôi tin những gì ông ấy nói” – Thượng nghị sĩ King và Collins cho hay.

Hai vị Thượng nghị sĩ đề cập tới tuyên bố của ông Mabus trong bài viết đăng trên tờ Politico hôm 7/9. Trong đó, ông Mabus khẳng định Hải quân Mỹ cam kết đóng đủ 3 tàu khu trục lớp Zumwalt.

Theo ông Mabus, nếu Hải quân Mỹ không định trang bị cả 3 tàu thì quyết định này đã phải được đưa ra từ một thời gian dài trước đây.

“Còn bây giờ, chi phí hủy bỏ đã đắt ngang chi phí đóng, bởi những điều khoản quy định trong hợp đồng, chi phí mua vật liệu, chuẩn bị cơ sở hạ tầng…” – Ông Mabus nói.

Bên cạnh đó, có một số quan điểm cho rằng chiếc đầu tiên trong lớp tàu mới bao giờ cũng là chiếc đắt nhất và chi phí sẽ giảm dần nếu số lượng tàu được đóng tăng lên.

Vì vậy, dừng đóng chiếc tàu thứ 3 này sẽ là vứt bỏ đi con tàu tiết kiệm chi phí nhất.

Thêm nữa, quyết định hủy đóng tàu USS Lyndon B. Johnson còn đe dọa tới công ăn việc làm của hàng nghìn công nhân tại nhà máy đóng tàu BIW.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại