Trong một bản tin đăng tải hồi tháng trước, Nhân dân nhật báo đã “tung hô” chiến đấu cơ tàng hình J-31 có thể sánh ngang hàng với F-35 Lightning II của Mỹ, sẽ “trở thành thế hệ máy bay kế tiếp trên tàu sân bay Trung Quốc” và như một tiêu chuẩn vàng trong kho vũ khí không quân của Bắc Kinh.
Nhưng giờ đây, có vẻ như Trung Quốc đã bớt khoe mẽ và lại quay sang rao bán loại máy bay này cho các lực lượng không quân hạng hai như Brazil, Pakistan và một số nước Trung Đông khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia hàng không, dựa vào những thông tin ít ỏi được công bố công khai thì J-31 dường như chẳng hơn gì một bản sao giá rẻ những máy bay chiến đấu của Mỹ.
“J-31 là một dạng bản sao của F-22, chiến đấu cơ đa nhiệm tiên tiến nhất của Mỹ”, David Cenciotti, cựu phi công Không quân Italia kiêm quản trị trang mạng theaviationist.com nhận xét.
Cenciotti chỉ rõ: “Phần mũi, hai đuôi sau, các cánh hình thang cùng với kiểu thiết kế tàng hình đặc trưng đều giống nhau”.
Nhưng Cenciotti cho biết, J-31 dường như không có khả năng thay đổi vector lực đẩy, yếu tố cho phép các dòng máy bay chiến đấu cơ động cao hơn.
Cenciotti bày tỏ nghi ngờ J-31 đã được phát triển dựa trên các máy bay chiến đấu của Mỹ, và không chỉ bắt chước chiến đấu cơ tàng hình F-117 bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh Nam Tư năm 1999.
“Nếu xét tới tất cả các cuộc tấn công mạng nhằm vào các dự án tàng hình của Lockheed Martin trong những năm qua, người ta có thể tin rằng tin tặc Trung Quốc có thể đã chạm được tay vào một số bản vẽ kỹ thuật của F-22 Raptor hay F-35”, Cenciotti nhận xét.
Còn theo cựu quân nhân, Nghị sĩ Cộng hòa bang Illinois Adam Kinzinger thì không một khả năng tình báo hay hành động sao chép công nghệ nào có thể bắt chước được sức mạnh không quân Mỹ.
“Mỹ luôn luôn sản xuất và vận hành các cỗ máy không quân hàng đầu thế giới”, Kinzinger cho biết trên hãng tin FoxNews.com. “Dù các tuyên bố của Trung Quốc về khả năng của J- 31 khiến nhiều người phải tròn xoe mắt, thì ít nhất, riêng tôi vẫn hoài nghi cho đến khi tôi tận mắt nhìn thấy các bằng chứng”.
Stephen Biddle, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington kiêm chuyên cao cấp về chính sách quốc phòng tại của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ thậm chí còn chỉ rõ: “Rất có thể công nghệ này ban đầu không được Trung Quốc phát triển cho mục đích xuất khẩu mà để sử dụng. Nhưng thật không may, nó đã không hoạt động tốt”.
James Hardy, biên tập viên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tuần báo Jane Defence cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng việc thiếu những thông cần thiết về J-31 và trên thực tế nó sẽ được đem đi xuất khẩu có thể khiến máy bay này rất khó tiêu thụ trên thị trường quốc tế.
“Một điểm quan trọng là nếu Quân đội Trung Quốc không trang bị nó, vậy thì thử nghĩ xem: Nếu J-31 còn chưa đủ tốt để họ dùng, tại sao chúng ta phải mua nó?”.