Hiệu quả từ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Hơn 1 năm trước, vào ngày 09/6/2014, trước yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tại Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 72/QH13 (NQ 72) về sử dụng 16.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, giảm chi ngân sách TW năm 2013 để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, mua sắm trang bị cho Cảnh sát biển (CSB) và Kiểm ngư nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền cho các lực lượng chức năng trên biển trong tình hình mới.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua NQ 72, ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1263/QĐ-TTg về việc phân bổ ngân sách 16.000 tỷ đồng theo NQ 72.
Cùng ngày, Bộ trưởng BQP đã ban hành Chỉ thị số 87/CT-BQP về việc triển khai chương trình đóng tàu cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực thi pháp luật trên biển.
Trong đó, Bộ trưởng giao BTL Cảnh sát biển làm chủ đầu tư các dự án: đóng mới 02 tàu cỡ lớn 2400 tấn (theo mẫu tàu DN-2000), 04 tàu tuần tra (theo mẫu tàu TT-400), 01 tàu vận tải đa năng, tiếp dầu trên biển và mua sắm trang bị bổ sung với tổng số vốn 4.725 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ trưởng BQP và các đại biểu bấm nút hạ thủy tàu đa năng lớp DN-2000 số hiệu CSB 8005 tại Tổng Công ty Sông Thu.
Các nghị quyết, chỉ thị được ban hành liên tiếp trong thời gian ngắn là minh chứng rõ nét về sự quyết liệt và quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, BQP để cho ra đời những con tàu hiện đại trang bị cho các lực lượng chức năng trên biển.
Từ những ngày đầu triển khai, dự án đóng tàu cho CSB theo NQ 72 luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và BQP mà trực tiếp là đồng chí Thứ trưởng BQP -Thượng tướng Nguyễn Thành Cung.
Các nhà máy đóng tàu được lựa chọn đều là những nhà máy lớn, có đủ năng lực, kinh nghiệm đóng các tàu cùng chủng loại.
Song, bên cạnh những thuận lợi đã phát sinh nhiều khó khăn như: yêu cầu thời gian hoàn thành dự án gấp gáp (trong năm 2015); Đối với 2 tàu DN-2000 và 4 tàu TT- 400 tuy được đóng theo thiết kế đã có nhưng thực tiễn đòi hỏi phải điều chỉnh để khắc phục những hạn chế, nhược điểm chưa phù hợp; Còn tàu vận tải đa năng, tiếp dầu trên biển thiết kế hoàn toàn mới, đóng lần đầu tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Đăng kiểm Lioyd (Anh) với yêu cầu công nghệ cao; vật tư, thiết bị phục vụ đóng tàu hầu hết phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu…
Những khó khăn, thử thách này đòi hỏi sự chung tay, góp sức, huy động trí tuệ tập thể của hàng ngàn con người.
Hai tàu TT400 chiếc số 6 và số 7 (CSB 4036 và CSB 4037) vừa được Công ty đóng tàu Hồng Hà bàn giao cho LL CSB ngày 22/01/2016.
Xác định dự án đóng mới 7 tàu CSB theo NQ 72 là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL CSB đã chỉ đạo sát sao, đôn đốc các cơ quan chức năng thuộc quyền, phối hợp cơ quan chức năng của BQP giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đồng thời thường xuyên báo cáo BQP xin ý kiến chỉ đạo; tăng cường cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn tốt theo dõi, giám sát trực tiếp tại nhà máy. Cái khó nhất trong thực hiện dự án, bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu về thiết kế, chất lượng là phải đảm bảo về tiến độ theo đúng yêu cầu của dự án.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: BTL CSB với vai trò là chủ đầu tư sau khi ký tổng thầu với các nhà máy đã chủ động làm việc với Tập đoàn Damen để điều chỉnh, thống nhất thiết kế; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan BQP, nêu cao trách nhiệm của chủ đầu tư để vừa cùng với các đối tác thúc đẩy tiến độ, vừa đảm bảo chấp hành đúng các quy định của Nhà nước, quy chế quản lý đóng tàu quân sự và yêu cầu mà NQ 72 của Quốc hội đã đặt ra.
Quyết tâm cao từ Trung ương, BQP, chủ đầu tư đã lan tỏa đến từng nhà máy, từng kỹ sư, từng người thợ. Tại các nhà máy, hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công nghệ đã ra đời và nhanh chóng được đưa vào ứng dụng trong thực tế sản xuất.
Được giao đóng mới cùng lúc 5 tàu CSB, Công ty đóng tàu Hồng Hà đã đổi mới quy trình tổ chức điều hành sản xuất, áp dụng công nghệ đóng tàu theo mô-đun, giao rõ trách nhiệm, tiến độ tới từng bộ phận, đảm bảo con người và máy móc làm việc liên tục.
Ở Tổng công ty Sông Thu, Đại tá Hà Sơn Hải - Tổng giám đốc cho biết: “Chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi công nghệ, đầu tư máy móc nhằm tăng năng suất lao động. Tàu DN-2000 chiếc số 5 được đóng mới theo công nghệ file cắt.
Chi tiết tàu được phóng dạng và cắt tự động trên máy cắt nhiệt CNC. Việc đầu tư hệ thống sàn nâng tàu hiện đại giúp di chuyển, lắp ráp và hạ thủy tàu an toàn đã góp phần rút ngắn 40 - 50% thời gian”.
Thủ trưởng BQP và các cơ quan chức năng kiểm tra tiến độ đóng tàu cho Cảnh sát biển tại Tổng Công ty Sông Thu.
Còn ở Nhà máy Z189, đội ngũ kỹ sư đã quyết định chia DN- 2000 thành 3 tổng đoạn tiến hành song song, đồng thời có sáng kiến thực hiện các lỗ công nghệ ở mạn tàu để đưa thiết bị nhập khẩu về sau vào block thuận tiện mà vẫn đảm bảo quy trình giám sát đăng kiểm và rút ngắn được một nửa thời gian so với trước đây…
Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, hàng ngàn con người, từ người chỉ huy cao nhất đến mỗi người thợ đều cùng vào cuộc quyết liệt.
Nhờ thế mà các đơn vị được giao đóng mới 7 con tàu cho CSB đã làm được một việc tưởng chừng như không thể, đó là rút ngắn thời gian đóng tàu từ gần 3 năm như trước đây xuống còn 14 tháng, vượt 200-300% tiến độ.
Đơn cử như tàu TT-400 chiếc số 6 và số 7, tính từ ngày khởi công đến khi chạy thử thành công chỉ mất 1 năm, trong khi các tàu TT-400 đã đóng trước đây phải mất hơn 2 năm; các tàu DN-2000 số 3, số 4 kể từ ngày khởi công đến khi hạ thủy chỉ mất một nửa thời gian so với tàu DN-2000 số 1, số 2; thời gian đóng mới tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển H 222 cũng rút ngắn tương đương 1/3 so với kế hoạch.
Ông Ton Roefs – Giám đốc Dự án của Damen tại Nhà máy Z189 bày tỏ: “Nhiều sáng kiến và sự nỗ lực của người lao động Việt Nam đã khiến chúng tôi bất ngờ, nể phục. Bởi để đóng mới các con tàu này với chất lượng tương đương ở nước ngoài, nhanh nhất cũng phải mất đến 18 tháng”.
Có thể nói, tính đến nay, Dự án đóng mới 7 tàu CSB theo NQ 72 đã cơ bản hoàn thành, đạt được những kết quả mang tính đột phá về công nghệ đóng và tiến độ đóng. Đặc biệt, Dự án cũng ghi dấu ấn đột phá về cải cách thủ tục hành chính.
Trước đây, có những khâu, những việc phải xử lý mất nhiều ngày, thì nay, công văn được giải quyết nhanh gọn trong vài ngày với tinh thần trách nhiệm rất cao và sự phối hợp chặt chẽ của Cục Kế hoạch Đầu tư, Cục Tài chính, Văn phòng Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Thời gian được rút ngắn tối thiểu những vẫn đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng Luật Đầu tư công và đủ thủ tục quy định.
Tăng cường sức mạnh cho Lực lượng Cảnh sát biển
Bước sang năm mới 2016, thêm 7 con tàu hiện đại sẽ chính thức được biên chế vào đội tàu Cảnh sát biển để tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu trong Lễ hạ thủy tàu DN-2000 mang số hiệu CSB 8005 tại Tổng Công ty Sông Thu, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Những kết quả đạt được kể trên đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, khẩn trương của Bộ Quốc phòng, các cơ quan hữu quan, BTL Cảnh sát biển và các nhà máy.
Với sự tập trung cao độ trong lãnh đạo, chỉ đạo; quản lý toàn diện, kiểm tra khắt khe, giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc, các đồng chí đã bảo đảm được tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, giảm giá thành, giảm thiểu các vướng mắc phát sinh và rủi ro đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ giao cho Quân đội.
Việc 7 con tàu được hoàn thiện, đưa vào hoạt động sẽ có ý nghĩa rất lớn, góp phần củng cố thêm niềm tin cho toàn quân và toàn dân ta trong nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, an toàn biển, đảo”.
Để khai thác hiệu quả những con tàu mới này, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu LL CSB phải không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, luyện tập, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị hiện đại trên tàu và nhanh chóng làm chủ những con tàu hiện đại.
Đặc biệt, toàn lực lượng phải xác định rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải quán triệt, thấm nhuần quan điểm, chủ trương, đường lối, đối sách của Đảng và Nhà nước để xử lý linh hoạt các tình huống xảy ra trên biển; cùng với nhân dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia trên biển; giữ vai trò nòng cốt, trực tiếp và tăng cường phối hợp các lực lượng liên quan quản lý giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển đảo theo đúng luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế; thực hiện tốt các nhiệm vụ khác như: phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán ma túy trên biển, tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn…
Nhận thức sâu sắc sự tin tưởng, quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân; vinh dự tự hào với truyền thống “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành thắng lợi Dự án xây dựng LL CSB Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo; trở thành một trong những lực lượng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và có tính chuyên nghiệp cao, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.