Xưa nay, người cầm quân bất kể ở cấp nào, quốc gia nào đều chú tâm đến việc rất hệ trọng trong tác chiến, đó là tìm mọi cách "cắt và diệt" không cho các lực lượng của đối phương phối hợp được với nhau.
Để làm điều đó, không có gì khác hơn là phải dày công dụng mưu kế, tạo thế, điều binh tiến đánh, phân tán lực lượng đối phương, cô lập chúng, nhằm phá thế trận liên kết, từ đó lần lượt tiêu diệt từng cánh quân, từng hướng, “mũi”…
“4 cắt”
Cắt bộ binh với bộ binh
Nói về chia cắt bộ binh cấp chiến dịch, phải nói đến tháng 3 năm 1975, Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên đã thực hiện cắt bộ binh với bộ binh rất thành công.
Để Sư đoàn 22 Việt Nam Cộng hòa (VNCH) từ duyên hải miền Trung không thể chi viện cho Sư đoàn 23 trên cao nguyên (KonTum - Playcu), ngày 03/03, Trung đoàn 95 và Sư đoàn 3 Quân giải phóng (QGP) đã mở một loạt trận đánh cắt lộ 19 trên khu vực An Khê.
Ngay sau đó hai ngày, Trung đoàn 25 QGP cắt lộ 21 đoạn Khánh Dương, cắt đường Nha Trang lên chi viện Buôn Mê Thuột. Hai ngày tiếp theo, Sư đoàn 320 QGP chiếm Thuần Mẫn, cắt đứt huyết lộ cuối cùng là đường 14.
Thật hay, cũng hai ngày sau, ngày 09/03, Sư đoàn 10 QGP tấn công cụm Đức Lập, Nam Tây Nguyên bị hở sườn nghiêm trọng. Động thái “bóc vỏ” này cũng nhằm cắt bộ binh với bộ binh trước trận đánh lớn. Nghệ thuật “cắt lực lượng” đã tuần tự diễn ra ngoạn mục.
Đến lúc này đối phương nhận ra nguy kịch thì đã muộn.
Chỉ trong chưa đầy 10 ngày, QGP đã cắt 4 khối bộ binh của Quân Khu II (VNCH) làm 4 “mảnh”, tạo cơ hội cho trận then chốt thứ nhất, điểm huyệt Buôn Mê Thuột, lực lượng đối phương hầu như trói tay lực lượng tại đây.
Biệt động Thành dẫn đường cho Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.
Cơ động binh lực ứng cứu bằng đường bộ? Chịu! Trông vào đường không thì…
Cắt bộ binh với không quân
Tác chiến hiện đại, hành động phối hợp ứng cứu dùng vũ khí trang bị, hỏa lực mạnh với bộ binh cũng là điều tất yếu xảy ra.
Việc BCH Mặt trận Tây Nguyên sử dụng các loại súng, pháo phòng không cắt bộ binh với không quân là một động thái rất trúng, rất hiệu quả cũng trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Tài liệu của tướng Cao Văn Viên trong bài “ Những ngày cuối của VNCH” cho thấy không quân VNCH năm 1975 còn tới 2.075 máy bay các loại, đứng thứ tư trên thế giới về số lượng.
Riêng tại Quân khu II, từ các căn cứ không quân, có hàng trăm máy bay khả dụng như UH-1A vũ trang, A-37 và cả F-5 ở Quân khu III tiếp ứng. Trong tất cả các trận ở Tây Nguyên đầu 1975 không quân VNCH đều tham gia tác chiến số lượng lớn.
Nhưng lúc này, lực lượng phòng không QGP rất mạnh với nhiều trung đoàn phòng không thực chiến, đã cắt bộ binh với không quân xuất sắc. Đường bộ đứt, đường không đứt, quân VNCH không ứng cứu được cho nhau.
Nhớ lại Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, các tướng lĩnh Pháp đều thừa nhận, Trung đoàn 367 cao xạ và các khẩu đội của các đại đoàn Việt Minh cũng đã làm được việc khóa vùng trời “lòng chảo” bằng cách đánh sân bay Mường Thanh, khóa tiếp vùng trời trung tuyến.
Ở hậu phương bộ đội địa phương đánh sân bay Gia Lâm, Bạch Mai, khiến việc chi viện hỏa lực cho tập đoàn cứ điểm và tiếp tế binh lực cho các cứ điểm bị đứt. Đó cũng là điển hình việc cắt “trời với đất”.
Cắt bộ binh với pháo binh
Bộ binh luôn phải dựa vào hỏa lực pháo binh trong tác chiến. Cắt bộ binh với pháo là ưu tiên rất cao của người cầm quân. Trong tiến công, nhờ hỏa lực đạn pháo trùm lên trận địa dữ dội, mà bộ binh có cơ hội chiếm được căn cứ.
Một trong những trận điển hình, cuối tháng 3 năm 1972, sau mệnh lệnh "Bão táp I, khai hỏa!”, 247 khẩu pháo các loại của bộ đội pháo QGP đã đồng loạt bắn vào 19 căn cứ trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở Gio Linh, Cam Lộ bắc Quảng Trị.
Ngay từ loạt đạn đầu, pháo ta bắn trúng hầu hết các trận địa pháo, các sở chỉ huy địch ở điểm cao 241, Mai Lộc, Miếu Bái Sơn, Quán Ngang, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu…
Sau cuộc bắn phá dồn dập của pháo binh QGP kéo dài 36 tiếng đồng hồ với gần 8.000 viên đạn pháo các loại, hầu như hỏa lực pháo binh rất mạnh của Mỹ - VNCH trên 8 trận địa bị “khóa”.
QGP gồm bộ binh, xe tăng xuất phát tiến công, đột phá trên các hướng, kết hợp với mũi thọc sâu bao vây ở phía đông và mũi chia cắt chiến dịch ở phía Nam.
Bộ đội ta trong Chiến dịch Quảng Trị 1972.
Sau 5 ngày chiến đấu, đến 04/04/1972, QGP phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, diệt 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn trên đường số 9.
Đồng thời QGP đã bức hàng Trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2 và Lữ đoàn 147 quân VNCH, giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh, Cam Lộ. Thủ pháp cắt pháo binh với bộ binh đã phát huy hiệu quả rất cao.
Cắt bộ binh với xe tăng
Bộ binh còn phải dựa vào sức đột kích và hỏa lực của xe tăng trong tác chiến. Có như vậy mới tạo thế đột phá, thọc sâu hiệu quả.
Trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào đầu năm 1971, QGP đã dũng mãnh cắt lực lượng xe tăng Mỹ - VNCH, kết hợp cắt máy bay trực thăng vũ trang với bộ binh rất hiệu quả, khiến cho các điểm cao bị chia cắt, cô lập.
Xe tăng địch bị diệt ở Quảng Trị năm 1972. Ảnh: AP.
Tiếp theo QGP đã tổ chức nhiều cụm phục kích, diệt thêm nhiều xe tăng VNCH, cắt bộ binh địch với xe tăng hiệu quả, cơ hội cho các đơn vị bộ binh, xe tăng QGP lần lượt phản kích, làm chủ chiến trường trên suốt tuyến đường 9 từ Sepon trở về biên giới Lào-Việt.
Tuy vậy, một bài học không thành công, phải nói đến trận An Lộc, Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 tại Miền Đông Nam Bộ.
Ngày 11/05/1972, cuộc tiến công đợt hai vào thị xã An Lộc bắt đầu. Lực lượng QGP đã gặp khó khăn, thương vong cao, vì lực lượng VNCH cố thủ tại thị xã An Lộc chia cắt được các xe tăng QGP ngay trong thị xã, với bộ binh QGP.
Trong hồi ký của Thượng tướng Hoàng Cầm nói rõ: “Hoả lực không quân kết hợp chặt chẽ với hoả lực chống tăng (VNCH) đã chia cắt đội hình tiến công, phá huỷ nhiều xe tăng của ta ở ngay cửa mở…".
Vì thế sức đột kích của các đơn vị nhanh chóng giảm sút, bị chững lại, mất thế chủ động, khiến cho chủ đích dứt điểm An Lộc không thực hiện được.
1 diệt là gì?
Cùng với chủ định chia cắt được đối phương (“4 cắt” nêu trên đây), người cầm quân nào cũng không thể không coi trọng việc tìm mọi cách diệt Sở chỉ huy đầu não và sinh lực đối phương, trong đó có Sở chỉ huy (SCH) truyền tin.
Đây là động thái ví như “Đánh rắn dập đầu”, mà không “đánh rắn giữa khúc”, cũng như đánh tiêu hao sinh lực địch.
Quân giải phóng chiếm Bộ chỉ huy Quân đội VNCH (30-4-1975).
Làm được việc này tất yếu khiến chỉ huy rối loạn, các lực lượng không hỗ trợ được cho nhau, các cứ điểm bị chia cắt, căng mỏng, tình thế chiến trường chuyển hóa nhanh, kết thúc sớm trận đánh, tốn ít xương máu.
Thông thường SCH của đối phương chiếm giữ tại các vị trí có lợi trong phòng thủ, tấn công. Nơi có công sự cấu trúc kiên cố, nơi có lực lượng bảo vệ cứng, nhiều lớp, do đó muốn diệt sớm SCH phải nắm chắc đối phương, có giải pháp sử dụng binh lực đúng, trúng.
Ngày nay, tác chiến hiện đại coi trọng cách đánh thọc sâu, thông qua hình thức tiến công vượt điểm, “phẫu thuật ngọai khoa”.
Dựa vào vũ khí công nghệ cao, tính cơ động tốt, vũ khí chính xác, các bên tham chiến luôn tính toán sao cho bất ngờ “diệt vào thẳng SCH đầu não” kết thúc nhanh chiến tranh.
Các khái niệm tác chiến liên quân, phi tiếp xúc, tác chiến mạng cũng hướng vào SCH là mục tiêu ưu tiên trước nhất.
Có thể kết luận, phương châm “4 cắt, một diệt” luôn đúng luôn được coi trọng với mọi trận đánh, mọi chiến dịch và cả tầm chiến lược.
Nó là bài học kinh điển cho bất cứ quốc gia nào. Tuân thủ phương châm này, phải có mưu cao, thế hiểm, tạo chủ động chiến trường, buộc đối phương rơi vào thế lúng túng, bị động, dẫn đến thất bại.