Theo trang mạng Strategy Page, trong vòng 2 năm qua, Mỹ đã trì hoãn việc phê duyệt đề nghị mua 36 (sau cùng lên tới 73) tiêm kích F-15E từ phía Qatar (trị giá gần 4 tỷ USD) và đề nghị mua 28 tiêm kích F-18E từ phía Kuwait (trị giá gần 3 tỷ USD).
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thỏa thuận và nhận được sự ủng hộ trong Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà Tổng thống Mỹ lại từ chối phê duyệt (nói cách khác là không chấp thuận) các thỏa thuận này và thậm chí từ chối giải thích lý do.
Kuwait đã có một quá trình dài sử dụng phiên bản cũ F-18A và nước này muốn trang bị phiên bản mới để tăng cường khả năng phòng thủ trước quốc gia láng giềng “ngày càng hung hăng” là Iran.
Trong khi đó, Qatar vẫn muốn trang bị các tiêm kích F-15E. Israel và Ả Rập Saudi vốn là 2 khách hàng lớn của mẫu máy bay này nhưng gần đây đã mua 24 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp.
Lý do khiến quốc gia nhỏ bé như Qatar (dân số 2,2 triệu người) mua tới hơn 73 chiếc F-15E vẫn còn là điều bí ẩn.
Các quốc gia Trung Đông vận hành số lượng lớn tiêm kích F-15E. Chỉ riêng Ả Rập Saudi đã có 153 tiêm kích-bom F-15SA, trong đó 84 chiếc mới được đặt hàng trong năm 2012 và 69 chiếc nâng cấp từ phiên bản F-15S.
F-15SA là phiên bản đặc biệt của F-15, tương tự như phiên bản 2 chỗ ngồi F-15E nhưng có sự khác biệt với phiên bản 1 chỗ ngồi F-15C mà Saudi sử dụng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Israel phản đối việc bán cho Saudi công nghệ tiêm kích bom tiên tiến như vậy nhưng Mỹ đã dàn xếp ổn thỏa thông qua các cuộc thảo luận bí mật.
Tiêm kích F-18E Super Hornet
Hôm 22/1, tờ Defense News cho biết 2 thượng nghị sĩ quyền lực tại Mỹ đã bắt đầu chất vấn nhiều câu hỏi về lý do khiến thương vụ máy bay chiến đấu giữa Mỹ với Qatar và Kuwait bị trì hoãn suốt 2 năm.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã đặt dấu hỏi về sự trì hoãn này.
Nó diễn ra đúng vào thời điểm các quốc gia Sunni đồng minh đang tìm kiếm một sự đảm bảo từ phía Washington, trong khi đó, mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran (đối thủ chính của họ trong khu vực) lại đang có dấu hiệu cải thiện.
Theo ông McCain, chính quyền Tổng thống Obama đã theo đuổi mối quan hệ mới với Iran bởi cho rằng điều đó sẽ giúp giảm bớt những căng thẳng sắc tộc trong khu vực nhưng trên thực tế, nó chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.
Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết, ông hy vọng Nhà Trắng sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định trong 1-2 tháng tới, sau đó tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Đề nghị rà soát những yêu cầu này được đưa ra khi Washington đang tăng cường bán vũ khí để xoa dịu các đồng minh cũ của mình, trong bối cảnh quan hệ với Tehran đang ấm lên.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác cùng vịnh vào tháng 5/2015, Cơ quan hợp tác an ninh–quốc phòng Mỹ đã công bố hơn 20 tỷ USD doanh thu bán các loại bom, máy bay, tàu chiến và nhiều thiết bị quân sự khác cho các đồng minh Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù là nguồn lợi lớn đối với các nhà thầu quốc phòng Mỹ trong bối cảnh ngân sách của Lầu Năm Góc đang bị thu hẹp nhưng các giao dịch này lại bị chỉ trích bởi có thể châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm mới tại Trung Đông.