Vì sao nhiều quân đội không tự chế tạo máy bay chiến đấu?

Hải Vy |

Theo nhà phân tích Dave Majumdar, phát triển máy bay chiến đấu nội địa là một nhiệm vụ bất khả thi đối với nhiều quốc gia.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), Majumdar đã lý giải nhận định của mình như sau:

Trở ngại khi phụ thuộc công nghệ nước ngoài

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã một lần nữa từ chối đề nghị của Hàn Quốc, đó là chuyển giao 4 công nghệ quan trọng cho dự án máy bay chiến đấu nội địa KF-X mà quốc gia châu Á này đang phát triển.

Sự khước từ của Mỹ đã nêu bật một vấn đề cơ bản trong lĩnh vực phát triển chiến đấu cơ nội địa: Phần lớn quốc gia không có những công nghệ cần thiết để tự phát triển mẫu máy bay của riêng mình.

Các công nghệ mà Hàn Quốc muốn có bao gồm công nghệ chế tạo radar quét mạng pha điện tử chủ động, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, hệ thống tìm kiếm – theo dõi bằng hồng ngoại và hệ thống ngắm mục tiêu quang – điện tử.


Mô hình chiến đấu cơ KF-X của Hàn Quốc

Mô hình chiến đấu cơ KF-X của Hàn Quốc

Mỹ cũng từ chối giúp Hàn Quốc một loại thiết bị hợp nhất cảm biến có khả năng liên kết tất cả những hệ thống này để tạo nên một bức tranh toàn cảnh các tham số cho phi công.

Đó đều là những công nghệ quan trọng cần có để phát triển máy bay chiến đấu hiện đại. Song, Washington chỉ sẵn lòng chuyển giao 21 công nghệ thiết yếu cho dự án KF-X và từ chối chuyển giao những tinh hoa công nghệ Mỹ cho Hàn Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác.

Trên thực tế, phần lớn công nghệ sử dụng trong dự án KF-X đều là từ Mỹ, trong đó có động cơ phản lực đốt sau General Electric F414.

Tuy nhiên, phụ thuộc vào Mỹ có thể là một trở ngại lớn cho nhiều quốc gia, nhất là nếu họ muốn tích hợp thêm công nghệ khác từ các bên thứ 3 hoặc xuất khẩu sản phẩm của mình.

Washington có quyền phủ quyết bất cứ giao dịch xuất khẩu nào liên quan đến sản phẩm đang sử dụng công nghệ của họ và Mỹ đã không ít lần làm như vậy.

Ngay cả 2 đồng minh thân cận của Mỹ là Israel và Hàn Quốc cũng đã không ít lần nếm trải điều này.

Nhưng cũng không riêng gì Mỹ, nhìn chung, sử dụng bất kỳ công nghệ nước ngoài nào cũng đồng nghĩa với việc bên thứ 3 có quyền phủ quyết các giao dịch và điều chỉnh liên quan.

Có thể lấy ví dụ trường hợp của hãng Saab (Thụy Điển), Anh đã phủ quyết thương vụ cung cấp các tiêm kích JAS-39 Gripen của Saab cho Argentina, do mẫu máy bay chiến đấu này sử dụng công nghệ của Anh.

Ngoài ra, do Thụy Điển cũng sử dụng khá nhiều công nghệ Mỹ trên JAS-39 nên về nguyên tắc, Mỹ cũng có quyền phủ quyết các thương vụ xuất khẩu của họ.


Anh đã ngăn cản Thuỵ Điển bán máy bay Gripen cho Argentina do không muốn kẻ thù của mình sở hữu máy bay chiến đấu hiện đại này.

Anh đã ngăn cản Thuỵ Điển bán máy bay Gripen cho Argentina do không muốn kẻ thù của mình sở hữu máy bay chiến đấu hiện đại này.

Nhìn chung, Mỹ thường khắt khe hơn nhiều trong vấn đề chuyển giao công nghệ so với Pháp, Anh, một số nước châu Âu khác và Nga. Song họ thường cung cấp những công nghệ tốt hơn, cùng các thỏa thuận toàn diện hơn về vũ khí và quan hệ đối tác chiến lược.

Tất nhiên, cái giá của điều đó sẽ là quyền quyết định tối thượng. Hơn nữa, với vị thế của Mỹ hiện nay, họ cũng dễ dàng “muốn gì được nấy”.

Nếu một quốc gia lựa chọn phát triển máy bay chiến đấu nội địa với sự giúp đỡ của Nga, Pháp hoặc các nước châu Âu khác, họ cần hiểu rằng những quốc gia đó, cũng như Mỹ, sẽ không chia sẻ tinh hoa công nghệ của mình.

Mặc dù Pháp, Nga và các nước châu Âu khác phần nào tỏ ra “hào phóng” hơn trong vấn đề chuyển giao công nghệ song trên thực tế, họ phải làm thế để cạnh tranh với Mỹ.

Nhưng ngay cả khi như vậy, như trong trường hợp của Dassault (Pháp), hãng này cũng sẽ không dễ dàng chuyển giao những công nghệ quan trọng cho Ấn Độ hay bất cứ quốc gia nào khác.

Thách thức khi tự phát triển máy bay chiến đấu

Thay vì phụ thuộc công nghệ nước ngoài, một lựa chọn khác là nỗ lực tự phát triển máy bay chiến đấu từ con số không.

Tuy nhiên, rất ít quốc gia trên thế giới, ngoài Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc có khả năng tự lực phát triển hoàn chỉnh một mẫu máy bay chiến đấu nội địa từ đầu.

Việc phát triển các hệ thống phụ một cách độc lập từ đầu, đặc biệt là động cơ, sẽ rất tốn kém. Chương trình máy bay chiến đấu Rafale của Pháp là một ví dụ điển hình trong trường hợp này.

Chương trình phát triển máy bay chiến đấu mới có thể khiến ngay cả các quốc gia mạnh nhất trên thế giới gặp vô số khó khăn, ngoại trừ Trung Quốc, do nước này ăn cắp phần lớn công nghệ từ Nga và nhiều quốc gia khác.


Khó có quốc gia nào tự lực phát triển máy bay chiến đấu từ đầu được như Nga, Mỹ.

Khó có quốc gia nào tự lực phát triển máy bay chiến đấu từ đầu được như Nga, Mỹ.

Ngay cả nếu một quốc gia sẵn sàng chấp nhận mức chi phí khủng khiếp, phần lớn các hệ thống phụ nội địa của họ rốt cuộc đều trở nên vô cùng đắt đỏ trong khi lại có chất lượng thua kém các thiết bị nhập khẩu.

Người Ấn Độ đã nếm trải điều này với chương trình tiêm kích Tejas, họ đã phải thay thế hầu như toàn bộ hệ thống phụ nội địa bằng các thiết bị nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sẽ rất dại dột nếu một quốc gia không có sẵn ngành công nghiệp chế tạo máy bay lại đi đầu tư phát triển chiến đấu cơ nội địa. Nó có thể không xứng đáng với mức giá đắt đỏ và khó thu hồi vốn đầu tư.

Cuối cùng, thay vì là nhu cầu thiết yếu phục vụ quân sự, phát triển máy bay chiến đấu nội địa trở thành một dự án phù phiếm đối với phần đông các quốc gia.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.

Thăm nơi chế tạo máy bay ném bom Su-34 của Nga

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại