Tính năng ưu việt của tên lửa đạn đạo LORA
Theo Military Today, LORA (LOng RAnge attack - Tấn công tầm xa) là một loại tên lửa đạn đạo chiến thuật do Israel sản xuất. LORA được tiết lộ vào năm 2003 tại triển lãm Eurosatory, chính thức xuất hiện trước công chúng tại Triển lãm Hàng không quốc tế Paris Air Show 2007.
LORA thuộc dòng tên lửa bán đạn đạo, có quỹ đạo được lập trình với khả năng tự điều chỉnh trong quá trình bay nhằm tránh bị phát hiện từ xa và gây khó khăn hơn cho đối phương trong việc đánh chặn.
Đây không phải là khái niệm thiết kế mới, ý tưởng này đã được áp dụng trên tên lửa OTR-21 Tochka của Liên Xô, MGM-140 ATACMS của Mỹ và DF-21D của Trung Quốc.
Tên lửa được dẫn đến mục tiêu nhờ sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GPS, có thể tấn công trực tiếp đối tượng được trắc thủ lựa chọn thông hệ thống quang truyền hình khi bước vào giai đoạn cuối. Nhờ tính năng này, bán kính lệch mục tiêu (CEP) của tên lửa chỉ khoảng 10 m.
LORA được bắn từ ống phóng kiêm ống bảo quản hình hộp với 4 tên lửa lắp trên xe tải KAMAZ-6350 của Nga hoặc Lynx MBRL, thời hạn bảo quản tên lửa là 7 năm mà không cần bảo trì; hoặc có thể khởi động từ ống phóng thẳng đứng trên tàu chiến để tấn công các mục tiêu đất liền.
Tên lửa có chiều dài 4,7 - 5,2 m, đường kính 0,62 m, trọng lượng phóng 1.600 - 1.800 kg, mang theo đầu đạn nặng 440 - 600 kg. Đầu đạn có thể là loại HE để tấn công các mục tiêu kiên cố hay đầu đạn mẹ chứa đạn con chống tăng.
LORA có tầm bắn 250 - 300 km tùy thuộc vào trọng lượng đầu đạn. Tên lửa được trang bị động cơ nhiên liệu rắn một giai đoạn. Nhà sản xuất tuyên bố thời gian sẵn sàng chiến đấu chỉ khoảng 10 phút. Quá trình tái nạp tên lửa khá dễ dàng nhờ một chiếc xe chuyên dụng.
Theo một số nguồn tin, LORA đã được đưa vào biên chế quân đội Israel từ năm 2007 nhưng có nguồn khác lại cho rằng chương trình LORA đã bị chấm dứt vào năm 2008.
Trong khi đó, lại có thông tin cho biết Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm đến loại tên lửa này nhưng yêu cầu nâng tầm bắn lên 500 km. Ngoài ra, nhà sản xuất Israel Aerospace Industries cũng đang tiến hành các hoạt động tiếp thị LORA ra thị trường thế giới.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật LORA khai hỏa trong một đợt thử nghiệm. Ảnh: Militaty-today
Lựa chọn phù hợp với Việt Nam?
Xét về đặc tính kỹ - chiến thuật, LORA là một tên lửa đạn đạo chiến thuật hiện đại, tầm bắn xa, độ chính xác cao, khả năng cơ động tốt, phương tiện mang phóng khá đa dạng.
Tầm bắn của tên lửa là 300 km nên có thể xuất khẩu rộng rãi mà không vi phạm Hiệp ước MTCR (cấm phổ biến công nghệ và xuất khẩu tên lửa có tầm bắn trên 300 km, đầu đạn trên 500 kg).
Bên cạnh đó, những năm gần đây hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Israel diễn biến theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp.
Việt Nam đã nhập khẩu rất nhiều vũ khí hiện đại từ quốc gia này như radar trinh sát EL/M-2288ER, UAV trinh sát Orbiter 2... và đặc biệt là dây chuyền sản xuất súng trường tiến công Galil ACE.
Theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 21/10, Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã xác nhận việc Việt Nam đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến SPYDER từ Israel.
Có thể thấy rằng Israel đã bán cho Việt Nam tất cả các loại vũ khí mà chúng ta có nhu cầu. Do đó khả năng Việt Nam đặt mua tên lửa đạn đạo chiến thuật LORA là hoàn toàn khả thi.
Hiện nay vai trò của tên lửa đạn đạo chiến thuật đang ngày càng trở nên quan trọng, nó là thứ vũ khí mang tính răn đe rất hiệu quả. Nếu được đưa vào trang bị, tên lửa LORA sẽ góp phần nâng cao đáng kể sức mạnh tác chiến cho Quân đội Việt Nam.