Hiện tại, các tiêm kích Su-27/30 của Không quân Nhân dân Việt Nam đang chủ yếu sử dụng tên lửa R-73 cho không chiến trong tầm nhìn và R-77/RVV-AE cho không chiến ngoài tầm nhìn.
Tên lửa không đối không R-73
Tên lửa không đối không R-73
R-73 là tên lửa không đối không tầm ngắn được phát triển từ nguyên mẫu R-60 và chính thức đưa vào trang bị trong Không quân Liên Xô từ năm 1984, cho đến nay nó vẫn là tên lửa không chiến tầm ngắn tốt nhất của Nga.
Sức mạnh của R-73 nằm ở đầu dò hồng ngoại thụ động có vai trò hỗ trợ khóa mục tiêu trước khi phóng, việc điều hướng tới vị trí dự đoán được lập trình bởi thuật toán đặc biệt. Sau khi phóng, tên lửa sẽ đuổi theo mục tiêu mà không cần sự tác động của phi công.
Tên lửa R-73 có tầm bắn 30 km, vận tốc Mach 2,5, mang theo đầu đạn nặng 7,4 kg, đơn giá 300.000 USD/quả.
Tên lửa không đối không R-77/RVV-AE
Tên lửa không đối không R-77/RVV-AE
R-77 là tên lửa không đối không tầm trung trang bị đầu dò radar chủ động được bắt đầu phát triển từ năm 1982. Tuy nhiên công việc nghiên cứu đã bị kéo dài và phải tới năm 1994 nó mới được chấp nhận đưa vào biên chế Không quân Nga.
Trong pha đầu sau khi phóng, R-77 bay theo quán tính với dữ liệu về mục tiêu được cập nhật từ radar của máy bay mẹ (như vị trí thay đổi hay G-load của mục tiêu). Đến pha cuối, tên lửa sẽ chuyển sang dùng radar chủ động của chính nó.
Khi tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách ngắn, R-77 sẽ kích hoạt chế độ “chủ động”, radar của tên lửa sẽ lưu giữ thông tin mục tiêu đã được tính toán để sử dụng phòng trường hợp mục tiêu thoát khỏi “khóa chết”.
Nếu đầu dò bị gây nhiễu, R-77 lại chuyển sang chế độ thụ động và lần tìm theo nguồn phát nhiễu để tiêu diệt.
Phiên bản xuất khẩu của R-77 là RVV-AE có tầm bắn 80 km, vận tốc Mach 4, mang theo đầu đạn nặng 22,5 kg, đơn giá 600.000 USD/quả.
Tên lửa không đối không Python-5
Tên lửa không đối không Python-5
Python-5 là phiên bản mới nhất của họ tên lửa không đối không tầm ngắn Python do công ty Rafael của Israel nghiên cứu chế tạo, chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 2006 trong cuộc chiến tranh với Lebanon.
Điểm độc đáo của Python-5 nằm ở chế độ "Lock on after launch - Khóa mục tiêu sau khi phóng" thông qua camera hồng ngoại kết hợp với cảm biến quang điện tích hợp vào đầu dò, đây là cấu hình chưa từng có ở các loại tên lửa không đối không khác.
Tên lửa Python-5 có tầm bắn 20 km, vận tốc Mach 4, mang theo đầu đạn nặng 11 kg, đơn giá 500.000 USD/quả.
Tên lửa không đối không Derby
Tên lửa không đối không Derby
Trong khi đó Derby (hay còn được gọi là Alto) là loại tên lửa không đối không tầm trung được thiết kế để không chiến ngoài tầm nhìn, về cơ bản thì Derby chính là tên lửa Python-4 mở rộng với đầu dò radar chủ động, cơ chế làm việc của đầu dò trên Derby tương tự như R-77.
Tên lửa Derby có tầm bắn 50 km, vận tốc Mach 4, mang theo đầu đạn nặng 23 kg, đơn giá 1,2 triệu USD/quả.
Đánh giá chung
Tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ mang tên lửa không đối không R-73 và RVV-AE
Các tên lửa không đối không của Israel được đánh giá hoàn toàn có thể sửa đổi phần mềm để tích hợp lên máy bay chiến đấu do Nga sản xuất.
Hiện tại, mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Israel đang phát triển tích cực nên rất nhiều khả năng trong tương lai các tiêm kích Su-27/30 của Không quân Việt Nam sẽ có thêm vũ khí không chiến là tên lửa do Israel sản xuất.
Nếu so sánh riêng từng loại thì về không chiến trong tầm nhìn, máy bay trang bị Python-5 sẽ có lợi thế hơn hẳn R-73, do đây là loại tên lửa áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến nhất hiện nay. Thậm chí nó có thể giúp cho máy bay thế hệ cũ như Su-22 chiến đấu ngang ngửa Su-27/30.
Bên cạnh đó, Python-5 có tốc độ cao hơn R-73 tới 1,6 lần cũng khiến cho khả năng lẩn tránh của tiêm kích đối phương khó khăn hơn. Nhược điểm duy nhất của Python-5 trước R-73 chỉ là tầm bắn ngắn hơn.
Ngược lại, mặc dù đơn giá cao gấp đôi nhưng tên lửa Derby lại chưa cho thấy có điểm nào vượt trội so với RVV-AE trong khi tầm bắn lại ngắn hơn hẳn. Có lẽ loại tên lửa này chỉ thích hợp để trang bị cho hệ thống tên lửa đất đối không SPYDER mà thôi.
Nhưng có một điều cực kỳ quan trong, không thể không nhắc tới đó là phía Israel luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ để các nước đối tác tiến hành sản xuất các loại tên lửa trên.
Do vậy không loại trừ khả năng trong tương lai, hai loại tên lửa không đối không này sẽ là chủ lực mới của Không quân Nhân dân Việt Nam.