“Cái bẫy” của Trung Quốc khi dụ 2 nước Liên Xô cũ mua HQ-9

Thiên Minh - Quốc Việt |

Theo Kanwa, trên danh nghĩa, TQ sẵn lòng bán hệ thống phòng không HQ-9 cho Uzbekistan và Turkmenistan để được giảm giá khí đốt. Tuy nhiên, Bắc Kinh còn có một toan tính khác.

Theo tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (trụ sở tại Canada), Trung Quốc đang có kế hoạch bán tên lửa đất đối không HQ-9 cho 2 nước láng giềng Trung Á là Uzbekistan và Turkmenistan để được giảm giá mua khí đốt.

Trước đó, trang mạng tiếng Nga bmpd đưa tin, một thành viên của Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) tiết lộ rằng, hợp đồng cung cấp HQ-9 đã được Trung Quốc ký kết với 2 quốc gia này từ năm 2013.

Theo nguồn tin, mặc dù số lượng hệ thống trong hợp đồng khá khiêm tốn nhưng đây là lần đầu tiên HQ-9 được xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, theo những thông tin từ Kanwa thì có vẻ thương vụ này chưa được xúc tiến.

HQ-9_ground-to-air_medium-to-long_range_air_defense_missile_system_China_Chinese_army_defense_industry_002.jpg

Trung Quốc không chỉ muốn bán HQ-9 cho Uzbekistan và Turkmenistan để được giảm giá mua khí đốt. Ảnh: China Defense Mashup

Kanwa cho biết, trong quá khứ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan là những khu vực sản xuất chủ lực các hệ thống vũ khí cho Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ví dụ, Kazakhstan chuyên sản xuất ngư lôi, tên lửa và các hệ thống vũ khí hải quân khác. Ngoài ra, Kazakhstan còn đảm trách sản xuất các vũ khí hạt nhân cho Moscow.

Trong khi đó, Uzbekistan là nước duy nhất trong khu vực có khả năng thiết kế và sản xuất máy bay quân sự.

Theo Kanwa, sau khi Liên Xô sụp đổ, 5 quốc gia mới bắt đầu bán những hệ thống vũ khí trên ra thị trường nước ngoài và Trung Quốc là một trong những khách hàng của họ.

Năm 1997, Trung Quốc được cho là đã mua 40 ngư lôi VA-111 Shkval từ Kazakhstan.

Tập đoàn chế tạo máy bay Chkalov Tashkent của Uzbekistan còn giúp Trung Quốc mua 34 máy bay vận tải Il-76MD và 4 máy bay tiếp dầu Il-78MK từ Nga vào năm 2005.

Trung Quốc dừng mua các hệ thống vũ khí từ những quốc gia Trung Á này sau khi phát hiện ra chất lượng các sản phẩm của họ giảm sút do thiếu nguồn lực.

Ngược lại, sau khi mất khả năng tự phát triển các hệ thống vũ khí, tất cả 5 nước Liên Xô cũ bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc.

Kanwa cho hay, nguồn khí đốt tự nhiên từ Uzbekistan và Turkmenistan rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Vì vậy, Bắc Kinh sẵn lòng bán các hệ thống vũ khí tiên tiến, như FD-2000, phiên bản xuất khẩu của tên lửa HQ-9, cho các nước này để có được những thỏa thuận có lợi hơn.

Tuy nhiên, Kanwa nhận định, đây cũng là một “cái bẫy” của Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh thuyết phục được cả Uzbekistan và Turkmenistan mua hệ thống FD-2000, những nước này sau đó sẽ phải mua các hệ thống radar, máy bay cảnh báo sớm và thậm chí là máy bay chiến đấu của Trung Quốc để phối hợp với hệ thống phòng không.

Máy bay không người lái Wing Loong

Máy bay không người lái Wing Loong

Kanwa cho biết, Trung Quốc đã bán ít nhất 1 máy bay không người (UAV) lái Wing Loong-1A cho Uzbekistan.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang tìm cách bán Wing Loong và máy bay chiến đấu FC-1/JF-17 cho Turkmenistan và Azerbaijan.

Theo Kanwa, một vài vũ khí trong số này sẽ được bán dưới sự hỗ trợ của Pakistan hoặc một bên thứ 3. Chẳng hạn, Azerbaijan từng mua hệ thống pháo phản lực phóng loạt WS-1 qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại