Thỏa thuận ngầm
Trước đó, phi đoàn này được Mỹ và Đài Loan giữ bí mật theo một thỏa thuận không chính thức, trong đó Mỹ cam kết không bán máy bay chiến đấu mới cho Đài Loan, đổi lại, Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực với hòn đảo này.
Thông tin về phi đoàn F-16 gần đây bị lộ ra sau một vụ tai nạn trong quá trình huấn luyện, khiến một phi công Đài Loan thiệt mạng và các bên không còn cách nào để che giấu điều đó.
Theo Defense News, vụ tai nạn hôm 21/1 năm nay xảy ra với một chiếc F-16 đóng tại căn cứ không quân Luke, Arizona.
Đây là một trong những lần ít ỏi chính phủ Washington thừa nhận sự tồn tại của chương trình huấn luyện máy bay chiến đấu Đài Loan trong lục địa Mỹ.
Kao Ting-cheng, viên phi công Đài Loan thiệt mạng trong vụ tai nạn. Ảnh: azcentral.com
Phi đoàn máy bay chiến đấu chiến thuật số 21, “The Gamblers” đã huấn luyện tại căn cứ Luke từ năm 1997, gồm 14 chiếc F-16A/B Block 20.
Thỏa thuận huấn luyện này nằm trong khuôn khổ chương trình cung cấp thiết bị quân sự cho nước ngoài (Foreign Military Sales – FMS) do Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc quản lý.
Đài Loan đã mua 150 chiếc F-16 vào đầu những năm 1990 theo chương trình Hòa bình Phoenix. Những chiếc F-16 này được phân bổ vào 2 không đoàn, 455 (đóng tại căn cứ không quân Chiayi) và 401 (tại căn cứ Hualien).
2 chiếc F-16 của Đài Loan trong phi đoàn máy bay chiến đấu chiến thuật số 21. Ảnh: Wiki
Các chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan đang trong quá trình nâng cấp giữa vòng đời. Vào tháng 10/2012, Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng trị giá 1,85 tỷ USD từ chính phủ Mỹ để đại tu 144 chiếc F-16 còn lại của Đài Loan.
Sau đó, vào tháng 12/2014, Lockheed Martin tiếp tục nhận được hợp đồng trị giá 308 triệu USD từ chính phủ Mỹ để nâng cấp các máy bay chiến đấu F-16 Đài Loan với radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA).
Đây là radar APG-83 Scalable Agile Beam do tập đoàn Northrop Grumman phát triển.
Một chiếc F-16 cất cánh từ căn cứ không quân Chiayi, Đài Loan. Ảnh: Wiki
Mặc dù Đài Loan muốn mua tiêm kích tàng hình F-35 để thay thế phi đoàn máy bay chiến đấu già cỗi gồm tiêm kích Mirage-2000, F-5 và các máy bay tiêm kích phòng thủ nội địa (IDF) nhưng Mỹ có vẻ do dự cung cấp cho hòn đảo này các máy bay tàng hình tiên tiến.
Trong hơn 10 năm qua, Mỹ theo chủ trương không “chọc giận” Trung Quốc, bằng cách không cung cấp cho Đài Loan phiên bản F-16C/D Block 50/52 mà thay vào đó, thuyết phục Không quân Đài Loan nâng cấp phi đoàn F-16 hiện thời.
Trung Quốc biết sự tồn tại của phi đoàn F-16 Đài Loan tại Arizona.
Phản ứng của Bắc Kinh trước việc Mỹ cung cấp F-16 cho Đài Loan đã dẫn đến một “thỏa thuận” bí mật giữa các bên.
Theo thỏa thuận này, nếu không bên nào công khai sự tồn tại của phi đoàn F-16 Đài Loan tại Arizona, Trung Quốc sẽ làm ra vẻ nước này không có điều gì phải phàn nàn cả.
Bắc Kinh cũng không làm to chuyện một số công ty Mỹ giúp Đài Loan nâng cấp các máy bay chiến đấu F-16.
Trung Quốc lo AV-8B hơn cả F-16?
Defense News cho biết, Đài Loan còn có nhu cầu trang bị máy bay cất cánh ngắn/cất-hạ cánh thẳng đứng (V/STOL).
Phiên bản F-35B có thể đáp ứng nhu cầu này, tuy nhiên, việc cung cấp chiến đấu cơ mới cho Đài Loan sẽ một lần nữa vượt qua “lằn ranh đỏ” mà Trung Quốc đã vạch ra khi Đài Loan tìm cách mua phiên bản F-16C/D mới.
Một số nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho biết, hiện tại Washington đang tìm cách thuyết phục Đài Loan rằng nhu cầu máy bay V/STOL của họ có thể được đáp ứng bằng cách “chuyển giao nóng” các máy bay dưới âm AV-8 mà Thủy quân Lục chiến Mỹ đang sử dụng.
Một lựa chọn khác là nâng cấp chúng với động cơ và thiết bị điện tử hàng không mới trước khi chuyển giao.
Máy bay AV-8B Harrier trên tàu đổ bộ USS Kearsarge (lớp Wasp). Ảnh: Defense News
Theo Strategy Page, có vẻ Trung Quốc cũng sẽ không hoạnh họe gì nếu Mỹ bán cho Đài Loan vài chục chiếc AV-8 Harrier.
Trên thực tế, giao dịch này không vi phạm cam kết của Nhà Trắng trước đó là không cung cấp máy bay chiến đấu mới cho Đài Loan.
Nếu Bắc Kinh có kêu ca thì đó là bởi chúng có thể được sử dụng để tấn công bất cứ lực lượng đổ bộ nào của Trung Quốc tìm cách đổ bộ xuống Đài Loan.
AV-8 được xem là máy bay hỗ trợ tác chiến không-đối-đất, mặc dù nó có thể mang tên lửa không-đối-không.
Trung Quốc hiện triển khai tới 1.400 tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng san phẳng các căn cứ không quân của Đài Loan trong vài giờ đầu tiên nếu có chiến tranh nổ ra, khiến các máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thông thường như F-16 và Mirage tê liệt.
Tuy nhiên, theo Defense News, AV-8 cho phép Không quân Đài Loan có thể giấu máy bay bên trong khu vực núi có địa hình gồ ghề. Nó còn là mẫu máy bay hoàn hảo để tấn công những chiếc tàu đổ bộ chở theo quân binh của Trung Quốc di chuyển qua eo biển Đài Loan.