Theo các báo cáo mới nhất, Nga đang dần mất vị trí quan trọng trong các chương trình hiện đại hóa lực lượng vận tải quân sự của quân đội Ấn Độ. Phía Ấn Độ trong vài năm gần đây dường như không mấy mặn mà với các sản phẩm máy bay vận tải quân sự do Nga chế tạo. “Chỗ trống vũ khí Nga để lại” nhanh chóng được quân đội quốc gia Nam Á này lấp đầy bằng 10 máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-17 Globemaster III mua từ Mỹ. Chúng đảm nhiệm đúng vị trí của các đơn vị IL-76 trong biên chế không quân Ấn Độ, nơi mà các nhà sản xuất Nga phải mất 10 năm mới có được.
Người Mỹ đến sau, nhưng không chậm
Tờ The Calcutta Telegraph của Ấn Độ mới đây đăng tải nhận định, thời đại thống trị của các máy bay vận tải quân sự Nga trong biên chế không quân nước này đang dần chấm dứt, khi Ấn Độ chọn máy bay vận tải C-17 Globemaster III do hãng Boeing chế tạo.
“Chúng tôi rất vui mừng khi đạt được thỏa thuận với hãng Boeing trong lĩnh vực này. Máy bay C-17 sẽ giúp không quân Ấn Độ có thêm sức mạnh trong các nhiệm vụ quân sự, cũng như nhân đạo”, Trợ lý tác chiến Tư lệnh Không quân Ấn Độ cho biết, khi làm việc với đại diện Boeing.
Ông này bày tỏ tin tưởng vào độ tin cậy của C-17 khi “gã khổng lồ trên không này” đã có những màn trình diễn ấn tượng duy trì cầu hàng không quân sự giữa Mỹ-Iraq, Afghanistan và nhiều quốc gia khác.
Nhiều chuyên gia nhận định C-17 trong tương lai sẽ là xương sống của lực lượng vận tải quân sự chiến lược của Ấn Độ và sẽ dần thay thế IL-76 do Nga chế tạo.
Theo kế hoạch, trong năm 2013, không quân Ấn Độ sẽ nhận 4 máy bay C-17 và trong năm 2014 là 5 máy bay cùng loại. Toàn bộ chúng sẽ được đóng tại căn cứ không quân Hindon, nằm ở phía Đông thủ đô New Delhi.
Mất thị phần vì thua sút công nghệ và vận động chính trị
Châu Á – Thái Bình Dương hiện là thị trường xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga. Theo báo cáo của Rosoboronexport , trong năm 2012, khu vực này chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Để so sánh, trong cùng năm, khu vực Cận Đông chiếm 23%, Mỹ La tinh – 18%, các quốc gia SNG – 12%, châu Phi và khu vực cận Sahara là 1%.
Các khách hàng truyền thống của Nga trong năm 2012 là Ấn Độ, Trung Quốc, Venezuela… Cùng với đó, trong năm 2012, Nga cũng phần nào thành công mở rộng thị phần cung cấp vũ khí cho Indonesia, Malaysia và Brazil.
Tuy nhiên, 2 năm qua cũng đánh dấu sự sụt giảm của thị phần vũ khí Nga tại Ấn Độ khi để mất các hợp đồng vũ khí trị giá tới 13 tỷ USD. Cụ thể, Mig-35 đã thất bại trong gói thầu tìm mua 126 chiến đấu cơ đa nhiệm hạng trung MMRCA vào tay Rafale của Pháp với giá trị hợp đồng ước tính tới 17 tỷ USD (khoảng 50% giá trị gói thầu sẽ được tái đầu tư lại vào thị trường Ấn Độ); Mi-28NE Night Hunter thua cuộc trong cuộc đua trị giá 1,4 tỷ USD với AH-64D Apache; trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26T2 bị Chinook CH-47F đánh bại (hợp đồng trị giá 1 tỷ USD) và máy bay tiếp liệu trên không IL-78MKI- 90 không thể vượt qua đối thủ đến từ châu Âu A330MRTT trong hợp đồng trị giá 1 tỷ USD.
Trước các thất bại liên tục của Nga tại thị trường Ấn Độ, giới chuyên môn đánh giá, Nga đã thua Phương Tây, Mỹ ở Ấn Độ về cả tính năng vũ khí lẫn “nghệ thuật vận động hành lang” bằng chính trị.
Không bao giờ bỏ hết trứng vào một giỏ
Vũ khí và chính trị luôn có quan hệ mật thiết với nhau. Khi bạn phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung vũ khí, thì chắc chắn sẽ bị chi phối phần nào về quan điểm chính trị, cũng như các sản phẩm vũ khí thế kế tiếp của quốc gia xuất khẩu. Tính huống của Nga tại Ấn Độ chính là hoàn cảnh này. Từ trước tới nay, đa phần vũ khí của quân đội Ấn Độ đều có nguồn gốc từ Nga và quốc gia Nam Á này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo khả năng an toàn chiến lược nếu xảy ra xung đột.
Mặt khác, quan điểm của Ấn Độ hiện nay ngoài việc được cung cấp công nghệ vũ khí hiện đại, thì cần được chuyển giao và nhu cầu này ngày càng lớn. Trong khi đó, Nga không thể đáp ứng được hết yêu cầu kỹ-chiến thuật ngày càng cao của Ấn Độ.
“Quá trình phát triển của một dự án mũi nhọn chậm tiến độ và sự tăng giá không kiểm soát của một loại vũ khí cung cấp cho Ấn Độ đã làm họ mất niềm tin với vũ khí Nga”, một lãnh đạo Trung tâm phân tích Chiến lược công nghệ Nga, Ruslan Aliyev cho biết. Theo ông này, việc thực hiện các hợp đồng cung cấp tàu sân bay INS Vikramaditya, tàu ngầm nguyên tử Nerpa.. chậm trễ đã buộc Ấn Độ phải xem xét lại chương trình mua sắm vũ khí với Nga.
Cùng với đó, xét theo hướng thực dụng, Ấn Độ còn muốn sử dụng các hợp đồng vũ khí lớn như con bài đối với các nước lớn, đặc biệt trong bối cảnh sức ép từ Trung Quốc ngày càng tăng. Đây cũng là một trong những lý do, Ấn Độ đang mua rất nhiều vũ khí Mỹ, Israel và Phương Tây.