Bước ngoặt nguy hiểm của tác chiến điện tử trong Chiến tranh VN

Phi Yến |

Với sự ra đời của tên lửa chống radar, tác chiến điện tử đã mang nội dung hủy diệt thực sự chứ không còn là một hoạt động phi sát thương như vẫn thường được nghĩ.

Bước ngoặt của tác chiến điện tử trong Chiến tranh Việt Nam

Không phải đến chiến tranh Iraq, Nam Tư hay Lybia, Mỹ mới sử dụng các thủ đoạn chế áp điện tử để đối phó với hệ thống phòng không của đối phương.

Ngay từ chiến tranh phá hoại tiến hành ở miền Bắc Việt Nam, Không quân Mỹ đã ồ ạt sử dụng các vũ khí công nghệ cao để tấn công, hòng khuất phục lưới lửa phòng không nhân dân Việt Nam.

Trong đó, đáng kể nhất phải nói đến việc tham chiến của tên lửa chống radar AGM-45 Shrike, một trong những vũ khí hiểm độc tạo ra bước ngoặt của hoạt động tác chiến điện tử.

Tên lửa chống radar AGM-45 Shrike
Tên lửa chống radar AGM-45 Shrike

AGM-45 Shrike là loại tên lửa tự dẫn chống radar thế hệ đầu của Mỹ trang bị cho Không quân và Hải quân từ năm 1964.

Tên lửa có chiều dài 3,5 m; trọng lượng 177 kg; mang đầu nổ phá mảnh nặng 67,5 kg, bán kính sát thương 15 m, tốc độ Mach 1,5; tầm phóng 30 km, đầu tự dẫn radar thụ động làm việc ở dải tần rộng 2.600 - 3.500 MHz.

Đây là loại vũ khí rất nguy hiểm đối với các đài radar và tên lửa đang mở máy vì nó sẽ bay theo cánh sóng đến tận nguồn phát xạ với tốc độ rất nhanh, tín hiệu phản xạ rất nhỏ trên màn hiện sóng, gây khó khăn lớn cho việc phát hiện và đối phó với chúng.

Tên lửa chống radar Shrike tiêu diệt một đài radar trong thử nghiệm

Tên lửa Shrike tiêu diệt một đài radar trong thử nghiệm

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, tác chiến điện tử đã có những bước phát triển mới. Đặc biệt trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam do quân đội Mỹ thực hiện đã chứng kiến những thay đổi bước ngoặt của hoạt động này.

Trong cuộc chiến, lần đầu tiên tác chiến điện tử được coi là thành phần không thể thiếu trong cả lực lượng tấn công cũng như phòng thủ.

Các loại máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng, gây nhiễu từ xa (ngoài đội hình) như EB-66 đến gây nhiễu trong đội hình như EA-6 và cuối cùng là từng máy bay đều được trang bị phương tiện tác chiến điện tử.

Đặc biệt, với sự xuất hiện của các phương tiện tác chiến điện tử mới như bẫy tia hồng ngoại và nhất là tên lửa chống radar, tác chiến điện tử đã lần đầu tiên mang nội dung hủy diệt thực sự.

Máy bay F-4E Phantom II mang tên lửa chống radar dưới cánh
Máy bay F-4E Phantom II mang tên lửa chống radar dưới cánh

Tác chiến điện tử là cha đẻ của chiến thuật SEAD

Việc chuyển đổi bản chất từ phi sát thương sang sát thương của tác chiến điện tử còn khai sinh ra một chiến thuật tác chiến hiện đại, đó là SEAD (Suppression of Enemy Air Defenses - Chế áp phòng không đối phương).

SEAD là chiến thuật nhằm vô hiệu hóa khả năng tác chiến của lực lượng phòng không đối phương, tạo thuận lợi cho các máy bay tấn công mặt đất rảnh tay làm nhiệm vụ mà không cần lo ngại đến hỏa lực phòng không.

Vào năm 1965, khi Mỹ gia tăng các hoạt động leo thang đánh phá miền Bắc, số lượng máy bay Mỹ bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không mặt đất ngày càng trở nên nhiều hơn.

Để giảm tần suất máy bay bị bắn hạ, Tướng Kenneth Dempster đã đề xuất sử dụng chiến thuật săn lùng và bắn hạ các trạm radar cảnh giới của đối phương nhằm bịt “con mắt” theo dõi trên không này.

Những trạm radar trinh sát đó thường được sử dụng để cảnh giới phát hiện máy bay, dẫn đường cho tên lửa và pháo phòng không bắn hạ các máy bay Mỹ.

Nhiệm vụ này được quân đội Mỹ đặt mật danh là Wild Weasel (Chồn hoang) và sự ra đời của các phi vụ Chồn hoang đã kéo theo sự phát triển của tên lửa chống bức xạ AGM-45 Shrike.

Tên lửa chống radar Shrike được bắn đi từ máy bay F-4E Phantom II
Tên lửa chống radar Shrike được bắn đi từ máy bay F-4E Phantom II

Tên lửa Shrike được Mỹ đưa vào sử dụng ở Việt Nam từ năm 1965 và có tất cả 12 biến thể. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại 1965 - 1973, Không quân và Hải quân Mỹ đã sử dụng tới 5.000 quả.

Máy bay Mỹ thường phóng Shrike ở cự ly 20 - 30 km rồi bay ra tránh hỏa lực mặt đất, để tên lửa bám theo cánh sóng radar bay đến trận địa tên lửa của ta.

Trong thời gian đầu, tên lửa Shrike đã gây ra cho bộ đội phòng không Việt Nam những tổn thất khá nặng nề. Tuy nhiên sau đó chúng ta đã tìm ra nhược điểm của Shrike và đề ra được biện pháp đối phó hiệu quả.

Tác chiến điện tử (Electronic Warrfare - EW) là thuật ngữ để chỉ các hoạt động nhằm hạn chế, làm mất hiệu lực hoặc đánh lừa các phương tiện vô tuyến điện tử của đối phương, bảo đảm cho phương tiện điện tử của quân nhà hoạt động có hiệu quả.

Nội dung của tác chiến điện tử bao gồm các hoạt động trinh sát, gây nhiễu sóng radar, thông tin liên lạc, đạo hàng, dẫn vũ khí và các hệ thống quan trắc điện tử.

Tác chiến điện tử có thể phân ra 3 thành phần bổ sung cho nhau gồm: Hỗ trợ điện tử (ESM - Electronic Support Measure), Đối phó điện tử (ECM - Electronic Counter Measure) và Chống đối phó điện tử (ECCM - Electronic Counter - Counter Measure).

Đón xem phần 2: Bộ đội Việt Nam đã vô hiệu hóa tên lửa Shrike như thế nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại