Điều đáng nói, đó là trước khi chiến tranh nổ ra, Không quân Liên Xô (VVS) được xem là lực lượng đông đảo nhất thế giới, với số lượng máy bay chiến đấu lên đến gần 10.000 chiếc. Tuy nhiên, đa số trong đó là các máy bay đã lạc hậu, có cả các máy bay từ thời chiến tranh thế giới thứ nhất. Lực lượng máy bay tiêm kích của Liên Xô lúc đó chủ yếu là loại Polikarpov I-15 và I-16. Cho đến đầu năm 1941, đất nước Xô viết mới chỉ sản xuất được một số ít ỏi các máy bay tiêm kích hiện đại: LaGG-3, MiG-3, Yak-1. Những chiếc máy bay này đã cùng các phi công Hồng quân dũng cảm ngăn chặn không quân phát xít Đức trong những ngày đầu gian khó của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Các nhà thiết kế máy bay chiến đấu Xô viết
LaGG-3 - Quan tài đảm bảo được tô vẽ
Đó là biệt danh mà các phi công Xô viết đặt cho chiếc máy bay này. Tiền tố LaGG trong tên máy bay LaGG-3 là viết tắt tên của ba tổng công trình sư tham gia thiết kế (Lavochkin, Gorbunov và Gudkov), nhưng được các phi công Nga chơi chữ, gọi là Lakirovannyy Garantirovannyy Grob - Quan tài đảm bảo được tô vẽ. Đó là do máy bay sử dụng nhiều kết cấu bằng gỗ để làm giảm trọng lượng, nên chất lượng cũng có phần sụt giảm. Dù sao, trong hoàn cảnh vô cùng nguy nan của Liên Xô, những chiếc máy bay LaGG-3 là rất quý giá. Nó khắc phục được điểm yếu của LaGG-1, và phát huy được những điểm mạnh của bậc “tiền bối”.
Máy bay tiêm kích LaGG-3
Tiêm kích một người lái LaGG-3 dài 8,81m, sải cánh 9,81m, diện tích cánh 17,62m2, khối lượng cất cánh tối đa 3.280 kg. LaGG-3 được trang bị động cơ M-105P công suất 1.100 mã lực, cho tốc độ tối đa 549 m/s, và ở sát mặt biển là 474 m/s, bán kính chiến đấu 700 km.
Hỏa lực của LaGG-3 cũng khá mạnh, gồm 1 pháo 20mm ShVAK và 2 trọng liên 12,7mm UBS hoặc 2 đại liên 7,62mm ShKAS. Tổng cộng đã có đến 6.258 chiếc LaGG-3 được chế tạo trong giai đoạn 1941-1944, và máy bay đã được cải tiến liên tục trong chiến tranh.
MiG-3 – Tiêm kích yểu mệnh
MiG-3 là mẫu tiêm kích độ cao lớn do hai tổng công trình lừng danh Mikoyan và Gurevic thiết kế. So với mẫu MiG-1 trước đó, MiG-3 được bổ sung thêm hàng loạt cải tiến, như: Đưa động cơ lên phía trước 10cm để tăng sự ổn định, bổ sung bộ tản nhiệt nước OP-310 và thùng dầu phụ để tăng lượng nhiên liệu mang theo, bọc giáp dày 8-9mm vào sau ghế của phi công, cải tiến giá súng, tăng cơ số đạn.
Máy bay tiêm kích một người lái MiG-3 dài 8,25m, sải cánh 10,2m, diện tích cánh 17,44m2, khối lượng cất cánh tối đa 3.300 kg. MiG-3 được trang bị động cơ AM-35A công suất 1.350 mã lực, cho tốc độ tối đa 622 m/s ở độ cao 7.800m (cao nhất trong số các máy bay tiêm kích Xô viết lúc bấy giờ), và 472 m/s ở sát mặt biển. Trần bay của MiG-3 là 11.500m, bán kính chiến đấu 630 km. MiG-3 không mang pháo hàng không, mà chỉ có một trọng liên 12,7mm UBS và hai đại liên 7,62mm ShKAS. Máy bay có thể mang theo hai bom 100 kg hoặc 6 quả rocket RS-82 cỡ 82mm.
Máy bay tiêm kích MiG-3
Ngày 20-12-1940, MiG-3 bắt đầu đi vào sản xuất. Trước khi chiến dịch Barbarossa diễn ra, đã có 201 chiếc MiG-3 trong biên chế không quân Xô viết. Nhưng trớ trêu thay, chỉ có 4 phi công được huấn luyện lái máy bay này.
Vận rủi vẫn không buông tha MiG-3. Những trận không chiến giữa Liên Xô và Đức chủ yếu diễn ra ở độ cao 4.000m - khiến ưu thế ở độ cao lớn của MiG-3 không phát huy được. Thêm vào đó, MiG-3 yêu cầu phi công điều khiển phải có trình độ cao, mà những điều kiện thời chiến không cho phép. Chiếc máy bay buộc phải làm “trái nghề”, trở thành máy bay cường kích, nhưng rất kém hiệu quả.
Ngày 23-12-1941, trong một cuộc họp với các tổng công trình sư máy bay chiến đấu Mikoyan, Petlyakov, Ilyushin, lãnh tụ Stalin đã nổi nóng do sự chậm trễ của các nhà máy trong việc chuyển đổi sản xuất từ động cơ AM-35A và máy bay tiêm kích MiG-3 sang động cơ AM-38F và máy bay cường kích IL-2. Ông nói rằng: “Hồng quân cần máy bay IL-2 cũng nhiều như cần nước và bánh mì. Szenkman chỉ sản xuất được một IL-2 mỗi ngày, trong khi Tretyakov sản xuất từ một đến hai chiếc MiG-3. Đây là một sự xúc phạm đến đất nước và Hồng quân. Tôi cảnh cáo các đồng chí lần cuối cùng!”.
Vậy là sau một năm sản xuất, MiG-3 đã dừng lại ở con số 3.272 chiếc. Đây là loại máy bay không gặp thời, do những điều kiện khó khăn của chiến tranh đã buộc việc sản xuất phải ngừng lại.
Yak-1 – mở đầu cho thành công của Yakovlev
Trước chiến tranh thế giới thứ hai, Yakovlev và viện thiết kế của ông thường được biết đến với các mẫu máy bay thể thao và máy bay ném bom hạng nhẹ. Song chiếc Yak-1 đã thay đổi điều đó.
Máy bay tiêm kích Yak-1
Máy bay tiêm kích một người lái Yak-1 dài 8,48m, sải cánh 10m, diện tích cánh 17,15m2, khối lượng cất cánh tối đa 3.858 kg. Yak-1 được trang bị động cơ M-105P công suất 1.100m, giống như LaGG-3. Tốc độ tối đa của Yak-1 ở độ cao 4.950m là 577 m/s, ở sát mặt biển là 480 m/s, trần bay 10.000m, bán kính chiến đấu 700 km. Vũ khí của Yak-1 là pháo 20mm ShVAK và hai đại liên 7,62mm ShKAS. Nhìn chung, Yak-1 là mẫu tiêm kích có sự ổn định cao và rất linh hoạt.
Trước khi chiến tranh Xô - Đức bùng nổ, có khoảng 425 chiếc Yak-1 đã được sản xuất, tuy nhiên nhiều chiếc trong số chúng chưa kịp chuyển đến các đơn vị không quân. Trong quá trình sản xuất, Yak-1 liên tục được cải tiến, trang bị động cơ M-105PF công suất 1.210 mã lực cho trần bay lên đến 12.500m. Hai năm sau khi chiến tranh bùng nổ, ngày 23-6-1943, nhà máy số 292 - nơi sản xuất chủ yếu các máy bay Yak-1 đã bị không quân địch oanh tạc và bị thiêu rụi. Tuy nhiên, chỉ sáu ngày sau, tức ngày 29-6-1943, các kĩ sư và công nhân Xô viết đã tiếp tục việc sản xuất. Cho đến tháng 7-1944, việc sản xuất Yak-1 kết thúc ở mức 8.721 chiếc. Sau thiết kế đầu tiên Yak-1 thành công vang dội, viện thiết kế Yakolev cũng chế tạo nhiều máy bay tiêm kích hiệu quả cho Hồng quân.