Thời kỳ chiến tranh lạnh
Năm 1960. Điệp viên “Miurat” gửi về 2 tài liệu đóng dấu “Tuyệt mật” (Top Secret. Cosmic. NATO. Ngay tên gọi đã nói lên tầm quan trọng của các tài liệu này: “Kế hoạch của Tư lệnh tối cao Lực lượng vũ trang NATO tại Châu Âu về việc tiến hành các đòn tấn công hạt nhân” và “Kế hoạch phòng thủ khẩn cấp của Bộ tư lệnh chiến dịch- chiến thuật tại chiến trường Trung Âu”.
Vào tháng 2 năm 1961 cũng điệp viên “Miurat” này đã gửi về Trung tâm “Kế hoạch chiến tranh hạt nhân đối với Chiến trường Nam Âu” và nhiều tài liệu quan trọng khác, - vào tháng 10 năm 1962, một tuần trước cuộc khủng hoảng Caribe, Trung tâm đã nhận được 2 tập “Danh mục các mục tiêu cần tấn công hạt nhân trên lãnh thổ Liên Xô và các nước Hiệp ước Varsava”.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cần đặc biệt nhân mạnh vai trò của Tổng cục tình báo đối với các quyết định của Lãnh đạo Liên Xô trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Caribe. Đại tá tình báo trong tổ điệp báo bất hợp pháp (Xô Viết) tại Washinton G. Bolshakov dưới bình phong là một phóng viên đã thu thập được các thông tin cực kỳ quan trọng, thiết lập được mối quan hệ cá nhân với em trai Tổng thống Mỹ là Robert Kennedy và thông qua ông này đã tổ chức một kênh liên lạc không chính thức giữa Tổng thống Mỹ và giới lãnh đạo Matxcova.
Khả năng sử dụng kênh liên lạc theo tuyến Khrushov- Bolshakov- Kennedy đã được xem xét tại cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng Công sản Liên Xô và tại cuộc họp này Bộ chính tri đã quyết định: “Chấp thuận đề nghị của Bộ ngoại giao Liên Xô và Bộ quốc phòng Liên Xô về cuộc gặp giữa đồng chí Bolshakov với em trai Tổng thống Mỹ”.
Căn cứ vào quyết định này cả Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng Liên Xô đã soạn thảo các chỉ thị cần thiết và được Trung ương Đảng CS Liên Xô thông qua gửi Tổ điệp báo của Tổng cục tại Washinton để chuyển cho Bolshakov và bản phô tô gửi cho Đại sứ Liên Xô tại Mỹ M. Menshikov.
Một báo cáo của Tổng cục tình báo (Ảnh chụp không nét nên không đọc được). Trong tháng 8, tháng 9 năm 1962 Bolshakov đã gặp Robert Kennedy tới hơn 40 lần. Vào đầu tháng 9 năm 1963 Bolshokov được triệu về Matxcova và báo cáo trực tiếp với Khrushov về tình hình trong giới lãnh đạo Mỹ và báo cáo chi tiết về các cuộc gặp với anh em nhà Kennedy. Khrushov đã giao Bolshakov trực tiếp chuyển bức thư riêng của ông cho tổng thống Mỹ và thông báo với G. Kennedy là Liên Xô sẽ không bố trí các vũ khí tấn công tại Cuba.
Ngay sau khi quay trở lại Washinton, Bolshakov đã thực hiện nhiệm vụ Khrushov giao. Tất cả những điều đó đã đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Caribe và ngăn chặn được việc chuyển từ chiến tranh lạnh sang một cuộc chiến tranh thế giới mới (rất có thể là chiến tranh hạt nhân hủy diệt). Vào năm 2000, Tổng thống Nga đã truy tặng đại tá G. Bolshakov Huân chương hữu nghị vì đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ tổ quốc giao.
Cuộc khủng hoảng Caribe kết thúc, nhưng tình trạng đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ, giữa hai hệ thống chính trị, giữa hai tổ chức quân sự NATO và Hiệp ước Varszawa vẫn rất căng thẳng cho đến khi Liên Xô và Hiệp ước Varszawa tan rã. Mỹ và NATO vẫn tiếp tục lên các kế hoạch nhằm tiêu diệt Liên Xô, và như vậy hoạt động của Cơ quan tình báo quân sự cũng không một phút giây ngưng nghỉ.
Một cơ quan tình báo độc nhất vô nhị
Khi nói về hoạt động của cơ quan tình báo quân sự không thể không nhắc tới những công việc mà họ đã làm ở Apganistan ngay sau khi Liên Xô đưa quân vào nước này.
Tổng cục trưởng GRU lúc đó là đại tướng Petr Ivanshutin đã có những đánh giá sau đây: “GRU đã xây dựng được tại Apganistan một mạng lưới tình báo mà thế giới chưa từng biết đến”. Các chiến dịch tác chiến của Quân đội Xô Viết ở Apganistan đã nhận được sự trợ giúp hết sức tích cực và hiệu quả các cơ quan tình báo chiến lược và chiến dịch, các phân đội và đơn vị đặc nhiệm (của GRU), trinh sát vũ trụ, đường không và trinh sát vô tuyến điện tử. Chính sự hỗ trợ đó đã tạo điều kiện cho quân đội giải quyết các nhiệm vụ tác chiến với tổn thất tối thiểu.
Một trong những chiến tích đáng ghi nhận của GRU tại Apganistan là chiến dịch chung do KGB và GRU tiến hành – tấn công dinh tổng thống Apganistan Khaiula Amin. Trước khi ra quyết định loại bó ông này, phía Liên Xô đã thấy rõ là Amin đang tiến hành chính sách nhằm chống lại các lợi ích của Liên Xô ở Apganistan.
Lợi dụng yêu cầu của Amin về việc cử tới Kabul một tiêu đoàn bộ binh cơ giới để bảo vệ Dinh tổng thống, theo đề nghị của IU. Andropov và N. Ogarkov Bộ chính trị Trung ương Đảng CS Liên Xô đã quyết định “cử tới Kabul một đơn vị của GRU được huấn luyện đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ này với quân số khoảng 500 người mặc đồng phục, không được để lộ là thuộc Lực lượng vũ trang Liên Xô”. Đội quân này được những người đã từng tham chiến ở Apganistan gọi là “Tiểu đoàn Hồi giáo”.
Kế hoạch đánh chiếm Dinh tổng thống Kh.Amin được đại tá GRU Vasili Kolesnhik soạn thảo. Cố vấn quân sự trưởng và đại diện KGB tại Apganistan đồng ý bằng miệng nhưng không ký vào bản kế hoạch. Đại tá GRU V. Kolesnhik, phó chỉ huy phụ trách các nhóm đặc nhiệm của KGB “Grom” và “Zenhit” – là thiếu tướng KGB Iuri Drozdov chịu trách nhiệm chỉ huy chiến dịch.
Khi đó có tất cả 2.500 sỹ quan và binh lính Apganistan được huấn luyện đặc biệt và trung thành tuyệt đối với Kh. Amin bảo vệ Dinh tổng thống. Cuộc tiến công chiếm dinh Tổng thống kéo dài 43 phút. 1700 lính và sỹ quan đầu hàng bảo vệ Kh.Amin.
Kết thúc chiến dịch, “tiểu đoàn Hồi giáo” có 5 người thiệt mạng, 35 người bị thương. Trong các nhóm đặc nhiệm của KGB “Grom” (25 người) và “Zenhit” (30 người) có 5 người thiệt mạng và 17 người bị thương. Riêng đại tá Vasili Kolesnhik sau chiến dịch này được phong tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô. Hơn 300 sỹ quan và binh lính của tiểu đoàn “Hồi giáo” này được tặng thưởng huân huy chương các loại. Đây là chiến dịch chung đầu tiên của KGB và GRU, cũng là chiến dịch đầu tiên của đặc nhiệm KGB ở nước ngoài.
Một thử thách khốc liệt khác đối với tình báo quân sự là cuộc xung đột vũ trang ở ngoại Kapkaz tháng 8 năm 2008. Tình báo quân sự đã thông tin trước cho lãnh đạo Nga về tình hình Gruzia và việc chế độ Saakashvili sẵn sàng có các hành động khiêu khích đối với Nam Oxetia và Abkhazia. Căn cứ vào các báo cáo và tin tức của GRU, giới lãnh đạo Nga đã quyết định tiến hành chiến dịch quân sự “áp đặt hòa bình” đối với Gruzia.
Cần một vị thế mới
Các sự kiện những năm gần đây cho thấy Mỹ và NATO vẫn không từ bỏ các toan tính giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực bằng vũ lực.
Những minh chứng cho điều đó là các hành động của Mỹ và các đồng minh ở Nam Tư, Irắc, Libi và bây giờ là Xiri, là việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ chống tên lửa dọc biên giới Nga. Trong các văn kiện bí mật của Mỹ thì nước Nga, cũng như trước đây vẫn được coi là đối thủ chủ yếu của Mỹ. Trong điều kiện như vậy vai trò của Tình báo quân sự trong việc đảm bảo các lợi ích quốc gia của Nga sẽ ngày càng tăng lên.
Hiện nay, một số tướng lĩnh và các chuyên gia quân sự Nga đang đề nghị nâng cao vị thế của GRU bằng cách chuyển sang trực thuộc Bộ Quốc phòng với tư cách là bộ phận tình báo đối ngoại cấu thành quan trọng nhất. Luận chứng cho đề nghị trên là kinh nghiệm hoạt động của tình báo quân sự vào năm 1942, khi Bộ trưởng quốc phòng Xtalin ký sắc lệnh về việc tái tổ chức GRU, trong sắc lệnh có đoạn:
“Nhằm lập lại trật tự và nâng cao hiệu quả công tác của tình báo quân sự, tôi ra lệnh tách GRU khỏi Bộ tổng tham mưu và chuyển sang trực thuộc Dân ủy quốc phòng”. Kinh nghiệm 3 năm hoạt động sau đó của GRU đã khẳng định tính đúng đắn của của sắc lệnh trên.
Kinh nghiệm của các đối thủ tiềm năng của Nga cũng cho thấy sự cần thiết phải nâng cao vị thế của GRU. Ví dụ như Mỹ, do nhận thức được những nguy cơ toàn cầu và khu vực đối với an ninh quốc gia đã quyết định nâng cao vai trò của Tình báo quân sự bằng cách thành lập Cục các chiến dịch đặc biệt trực thuộc Cục tình báo Bộ Quốc phòng do một thứ trưởng Bộ quốc phòng phụ trách tình báo trực tiếp kiểm soát.
Giới chức Mỹ cho rằng việc tối ưu hóa Cục tình báo Bộ quốc phòng sẽ là làm hoàn thiện và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của tình báo quân đội, giảm sự phụ thuộc của Bộ Quóc phòng vào CIA trong việc thu thập nhận các thông tin cần thiết liên quan đến các vấn đề quân sự. Có thể, những kiến nghị trên của các tướng lĩnh và các chuyên gia đã được giới lãnh đạo Nga chấp nhận.
Ngày 18 tháng 4 năm 2013, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga đã tuyên bố là Nga sẽ thành lập Lực lượng các chiến dịch đặc biệt, lực lượng này không chỉ hoạt động trên lãnh thổ Nga mà còn cả ở nước ngoài.
Hiện chưa rõ, lực lượng này có trực thuộc GRU hay không nhưng chắc chắn một điều là trong lực lượng này sẽ có một thành phần là các đội đặc nhiệm của GRU- vốn được coi là lực lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới hiện nay.