Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, loại tên lửa đất đối không được nhắc tới nhiều nhất là SA-2 của Phòng không Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ở miền Nam, Quân đội Mỹ cũng đưa tới hệ thống tên lửa phòng không hiện đại.
Bệ phóng tên lửa MIM-23 Hawk tại căn cứ Chu Lai (Đà Nẵng, Việt Nam).
Tháng 2/1965, Lính thủy Đánh bộ Mỹ lần đầu triển khai tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung MIM-23 Hawk ở miền Nam Việt Nam.
Tổ hợp tên lửa đất đối không tầm trung MIM-23 Hawk do Công ty Raytheon phát triển đầu những năm 1950, bắn thử lần đầu năm 1956. Đầu những năm 1960, MIM-23 chính thức đưa vào phục vụ trong Quân đội Mỹ.
Có thể nói, khi đưa sang Việt Nam, MIM-23 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hàng đầu thế giới, tương đương với tổ hợp S-125 Pechora của Nga.
Tổ hợp MIM-23 thường được trang bị 4 đài radar bắt mục tiêu - dẫn đường tên lửa, 6 bệ phóng (3 đạn tên lửa/bệ) và một số thành phần hỗ trợ khác.
Bốn loại radar gồm: đài radar bắt mục tiêu tầm cao AN/MQP-35, đài radar bắt mục tiêu bay thấp AN/MPQ-34, đài radar chiếu dọi mục tiêu năng lượng cao AN/MPQ-33/39 (dùng để theo dõi mục tiêu, dẫn đường tên lửa) và đài radar xác định cự ly AN/MPQ-37.
Tổ hợp MIM-23 trang bị đạn tên lửa MIM-23A dài 5,08m, đường kính thân 0,37m, sải cánh 1,21m, lắp đầu đạn nổ mảnh nặng 54kg và trọng lượng phóng 584kg.
Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 2-25km, độ cao bay tối đa 11.000m, tốc độ hành trình Mach 2,4. MIM-23A lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động – công nghệ hiện đại vào thời điểm đó.
Nguyên lý cơ bản khi tấn công mục tiêu, hệ thống radar mặt đất của tổ hợp sẽ phát sóng đến mục tiêu, các sóng phản xạ từ mục tiêu trở lại sẽ được radar đạn tên lửa bắt được. Sau đó, các tín hiệu sẽ chuyển thành lệnh để điều khiển tên lửa bám bắt và dẫn nó tới mục tiêu.
Tổ hợp MIM-23 được Mỹ triển khai tới Việt Nam nhằm bảo vệ các căn cứ Chu Lai (Đà Nẵng) và Tân Sơn Nhất (Sài Gòn). Mục tiêu chủ yếu của người Mỹ có lẽ để đối phó với máy bay chiến đấu MiG của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, quân Mỹ đã lo xa khi hầu hết các máy bay chiến đấu Không quân Nhân dân Việt Nam không đủ khả năng vươn tới các căn cứ này. Trong suốt thời gian triển khai tại Việt Nam, MIM-23 để “làm cảnh” nhiều hơn là hoạt động chiến đấu.