Báo Nga: VN nằm trong danh sách được phép mua tên lửa BrahMos

Thắng Nam |

Hãng thông tấn Sputnik vừa đưa tin, Việt Nam đã nằm trong danh sách 15 nước được phép mua tên lửa hành trình BrahMos do Hội đồng Giám sát Nga - Ấn thông qua.

BrahMos thành “ngôi sao” tại IMDS-2015

Nhà báo Alexander Khrolenko của Hãng thông tấn Nga MIA Rossyia Segodnya cho biết, gian trưng bày của liên doanh BrahMos Aerospace giữa Nga - Ấn Độ là trọng tâm thu hút sự chú ý của các chuyên gia và khách dự Triển lãm Hải quân Quốc tế (IMDS-2015) tại St. Petersburg.

Trong đó, tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos (ghép từ tên hai con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga) đã trở thành “ngôi sao sáng” tại cuộc triển lãm này. BrahMos được đánh giá "không có đối thủ cạnh tranh" bởi các tính năng kỹ chiến thuật ưu việt của nó.

Tên lửa BrahMos Block I phiên bản chống hạm phóng từ tàu nổi, biến thể tấn công mặt đất BrahMos Block II và phiên bản BrahMos Block I A phóng từ Su-30MKI

Tên lửa BrahMos Block I phiên bản chống hạm phóng từ tàu nổi, biến thể tấn công mặt đất BrahMos Block II và phiên bản BrahMos Block IA phóng từ Su-30MKI

Ông Khrolenko cho biết, liên doanh BrahMos Aerospace giữa Nga và Ấn Độ được thành lập năm 1998.

Trong đó, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) nắm 50,5% cổ phần doanh nghiệp, 49,5% cổ phần còn lại thuộc về Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia của Nga.

BrahMos Aerospace đặt trụ sở chính tại Ấn Độ nhưng tổ chức hoạt động sản xuất ở cả hai nước, cùng hợp tác với hàng chục doanh nghiệp con tại Ấn Độ và Nga. Trong liên doanh này, Nga là nhà chế tạo chính của các thành phần tên lửa, Ấn Độ đảm nhiệm thiết kế tổ hợp.

Từ khi ra đời, BrahMos đã chứng minh uy lực và mức độ đáng tin cậy của loại tên lửa số 1 trên thế giới. Hàng chục vụ thử nghiệm thành công diễn ra trong các điều kiện, với các phương tiện mang phóng khác nhau đã xác nhận chất lượng cao của sản phẩm.

Ông Alexander Maksichev, đồng giám đốc điều hành của công ty cho biết:

Hiện nay việc cung cấp các hệ thống BrahMos đang đáp ứng nhu cầu trang bị trong Quân đội Ấn Độ và đã có mặt trên hơn một chục tàu của hải quân nước này. Trong số đó có 3 tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar đóng tại Kaliningrad, Liên bang Nga.

Quyết định trang bị tên lửa BrahMos cho tất cả các chiến hạm tấn công chủ lực của Hải quân Ấn Độ đã được thông qua. Vì vậy, các xí nghiệp của liên doanh có triển vọng hoạt động tốt, các tên lửa tiếp tục được cải tiến, trở nên “thông minh” và chính xác hơn.

Bên cạnh đó, BrahMos Aerospace sẵn sàng xuất khẩu sản phẩm sang các nước thứ ba trong thời gian tới.

Tên lửa hành trình BrahMos Block I đã ra đời các phiên bản cho mọi phương tiện mang trên mặt đất, dưới biển, trên máy bay chiến đấu và trên mặt nước.

Ông Alexander Khrolenko cho biết, ngoài yếu tố điều khiển đơn giản, sản phẩm của liên doanh Nga - Ấn Độ còn sở hữu những tính năng rất ấn tượng.

Việt Nam nằm trong danh sách 15 nước được mua BrahMos

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos có phạm vi phát hiện và phá hủy mục tiêu lên đến 300 km, tốc độ tối đa Mach 3 (tương đương 3.675 km/h), độ cao bay ở chặng cuối dưới 10 mét khiến đối phương không kịp đưa ra phản ứng thích hợp.

Nhờ thiết kế tối ưu, tên lửa có tiết diện phản xạ radar nhỏ, cùng với độ cao bay thấp và tốc độ cực nhanh khiến nó có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa. Cùng với sức hủy diệt khủng khiếp nhờ động năng lớn, BrahMos trở thành loại tên lửa “vô đối” trên thế giới.

Theo tính toán của giới chuyên gia, một loạt phóng với 9 tên lửa hành trình BrahMos đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn 3 tàu khu trục hoặc tuần dương hạng nặng sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của đối phương.

Các cuộc thử nghiệm thông thường cho thấy, 1 tên lửa BrahMos có khả năng phá hủy 1 tàu mục tiêu.

Phiên bản BrahMos-M phát triển riêng cho máy bay chiến đấu Su-30MKI
Phiên bản BrahMos-M phát triển riêng cho máy bay chiến đấu Su-30MKI

Hiện các chuyên gia đang tập trung nỗ lực hoàn thiện phương án tên lửa hành trình phóng từ máy bay.

Phiên bản BrahMos-A đã được tích hợp với tiêm kích Su-30MKI, nhưng do trọng lượng quá nặng nên nó chỉ có thể gắn 1 tên lửa dài 8,5 m, trọng lượng phóng gần 2,5 tấn, còn MiG-29K thì không thể mang nổi 1 quả. Do đó, phiên bản “mini” BrahMos-M đã ra đời.

Biến thể BrahMos-M xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 4/2014. Nó có trọng lượng khoảng 1,5 tấn, chiều dài ước chừng 6 m, đường kính thân đoạn lớn nhất khoảng 0,5 m.

Tên lửa có thể đạt tốc độ gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh, mang đầu đạn hạt nhân hay thông thường nặng 200 - 300 kg, tầm bắn tối đa 290 km.

Brahmos-M được thiết kế để trang bị cho máy bay chiến đấu Su-30MKI (cũng có thể cho các phiên bản Su-30MK và Su-30SM) cùng với MiG-29. Tiêm kích hạng nặng dòng Su có thể mang được 3 quả BrahMos-M, trong khi MiG-29K sẽ mang được 2 quả.

Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt khách hàng tiềm năng từ các nước thế giới thứ ba đang quan tâm đến "đứa con đẻ" của Nga và Ấn Độ. Được biết Indonesia, Malaysia, Venezuela và Việt Nam đã từng đề xuất nguyện vọng mua tên lửa hành trình siêu âm BrahMos.

Đây là các nước đã sở hữu những tiêm kích dòng Su-30MK của Nga, có thể mang tên lửa BrahMos giống phiên bản Su-30MKI của Ấn Độ.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã nằm trong danh sách 15 nước được phép mua tên lửa BrahMos do Hội đồng Giám sát Nga - Ấn Độ thông qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại