Dự án cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không Pechora S-125 và tăng hạn sử dụng đạn tên lửa phòng không Pechora được triển khai thực hiện từ năm 2008 với mục tiêu: Tăng khả năng bám bắt mục tiêu, giảm thời gian triển khai khí tài, đặc biệt là khả năng chống nhiễu phức tạp.
Đạn tên lửa V-600 của tổ hợp phòng không S-125-2TM rời bệ phóng
Đến nay, lực lượng kỹ thuật của quân chủng Phòng không - Không quân đã huấn luyện chuyển giao công nghệ, tự thực hiện cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM đến mức tự giám định kỹ thuật, xác định khuyết tật và sửa chữa khôi phục tăng hạn sử dụng đạn tên lửa phòng không.
Kết quả bắn tại thực địa đảm bảo thời gian tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu, đảm bảo an toàn về người và vũ khí trang bị. Việc này cũng cho phép duy trì lực lượng tên lửa phòng không phù hợp với quy hoạch sử dụng trang bị và tổ chức biên chế của quân chủng theo yêu cầu nhiệm vụ tác chiến phòng không hiện đại.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chúc mừng các cán bộ, chiến sĩ đạt kết quả tốt trong đợt bắn thử
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đánh giá cao kết quả của đợt bắn thử nghiệm đồng thời nhấn mạnh: “Quân chủng Phòng không - Không quân và ban chỉ đạo dự án cần chú ý nghiên cứu, dự báo tình hình tác chiến trong điều kiện mới, không để bị động bất ngờ, làm chủ các loại vũ khí trang bị hiện đại đồng thời nâng cao độ tin cậy của khí tài đảm bảo hiệu quả tác chiến và tính kinh tế. Từ kết quả cải tiến này làm nền tảng hiện đại hóa một số loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện có trong biên chế của quân chủng Phòng không - Không quân, đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng không hiện đại phù hợp với nghệ thuật quân sự và cách đánh của lực lượng phòng không Việt Nam".
S-125 Neva/Pechora (SA-3 Goa) là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô được thiết kế bởi Isayve OKB và đưa vào trang bị từ năm 1963. Mặc dù đã khá cũ nhưng hiện nay hệ thống S-125 Pechora vẫn giữ vai trò xương sống của lực lượng phòng không Việt Nam.
Nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu cũng như tính năng kỹ chiến thuật của S-125, Việt Nam đã hợp tác với công ty Tetraedr của Belarus để nâng cấp S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM (Pechora-2TM).
Gói nâng cấp này chủ yếu tập trung vào cải tiến radar điều khiển hỏa lực, trang bị an-ten, bổ sung phầm mềm lái tự động và bộ vi xử lý mới. Radar nâng cấp cho phép cung cấp kênh dẫn hướng cho 2 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc.
Sau khi nâng cấp, cự ly phát hiện mục tiêu của S-125-2TM tăng lên 100 km (so với 80 km trước khi nâng cấp), độ cao tối đa phát hiện mục tiêu đạt 25 km (so với 18 km trước khi nâng cấp).
Tên lửa của S-125-2TM có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với vận tốc 900 m/s ở cự ly 35 km (trước khi nâng cấp chỉ tiêu diệt được mục tiêu bay với vận tốc 700 m/s, cự ly 25 km).
Khả năng kháng nhiễu của hệ thống đạt 2.700 W/MHz (vượt trội rất lớn so với trước khi nâng cấp là 24 W/MHz), thời gian triển khai chiến đấu chỉ mất 20 phút.
Tỷ lệ tiêu diệt các mục tiêu bay của hệ thống S-125-2TM như sau:
- Với máy bay chiến đấu: từ 85 - 96 % (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 45 - 87%)
- Với trực thăng: từ 40 - 80% (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 17 - 67%)
- Với tên lửa hành trình: từ 30 - 85% (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 4 - 48%).
Việc nâng cấp hệ thống S-125 lên chuẩn S-125-2TM giúp cho lực lượng phòng không Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hiện đại với chi phí bỏ ra rất thấp so với việc mua mới các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hơn.
Bắn nghiệm thu tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM do Việt Nam tự cải tiến
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA