Bản lĩnh phi công tiêm kích bom Su-22 Việt Nam

Những máy bay Su 22M4 sơn màu xanh cô ban thanh thoát như chim én, nhanh nhẹn như chim cắt như những diễn viên xiếc nhào lộn trên không với tốc độ vượt âm thanh…

Phi đội máy bay tiêm kích bom Su-22 của Trung đoàn không quân 937 đóng tại sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), nơi mà cách đây 38 năm, phi đội Quyết Thắng đã cất cánh dội bom vào sân bay Tân Sơn Nhất làm kẻ thù choáng váng, để phần nào hé lộ niềm tự hào về không quân Việt Nam.

Cảm nhận từ những đợt tập luyện

Đến sân bay Thành Sơn, căn cứ của trung đoàn không quân tiêm kích bom Su 22M4, đúng vào dịp đơn vị đang chuẩn bị diễn tập. Từ tờ mờ sáng đã có thể cảm nhận được không khí khẩn trương của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn, đặc biệt là các phi công, thợ máy trước khi bay…Càng cận ngày bay, cường độ làm việc càng khẩn trương. Máy bay được kéo ra từ hangar tập kết tại bãi, kiểm tra máy móc, thiết bị, nạp dầu…

Đại tá phi công Nguyễn Ngọc Hiển, trung đoàn trưởng Trung đoàn 937 kể: Nhiệm vụ chính của đơn vị là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo và thềm lục địa từ vĩ tuyến 13 trở vào, trong đó ưu tiên đặc biệt là bảo vệ khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực Nhà dàn DK thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tổ chức huấn luyện bay cho phi công là một phần trong sứ mệnh đào tạo phi công tiêm kích bom có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Khi mặt trời vừa ló rạng khỏi ngọn núi phía xa, chiếc Su 22M4 đầu tiên xuất kích. Đây là chuyến bay khí tượng, một hình thức bay “trinh sát”. Người chỉ huy huấn luyện trực tiếp bay để nắm rõ điều kiện thời tiết, từ đó đề ra phương án bay thích hợp.

Từ đài quan sát có thể nhìn thấy chiếc Su 22M4 chạy đà với tốc độ cực nhanh rồi bay vút lên không trung như một mũi tên. Tiếng gầm xé rách bầu trời buổi sớm. Chẳng mấy chốc, chiếc Su 22M4 hòa vào bầu trời ban mai, để lại một vệt khói trắng dài.

Đại úy phi công Trần Hoài Vinh (trái) cùng đồng đội sau một chuyến bay
Đại úy phi công Trần Hoài Vinh (trái) cùng đồng đội sau một chuyến bay.

Trong mỗi đợt huấn luyện, phi công thực hiện bay những khoa mục khác nhau, như nhào lộn giản đơn, phức tạp, bay đường dài thấp không, chặn kích trên không… Những máy bay Su 22M4 sơn màu xanh cô ban thanh thoát như chim én, nhanh nhẹn như chim cắt như những diễn viên xiếc nhào lộn trên không với tốc độ vượt âm thanh…

Gặp đại úy phi công Trần Hoài Vinh ngay tại sân bay khi anh vừa hoàn thành bài bay biên đội hai chiếc bổ nhào công kích mặt đất trở về. Đây là khoa mục ném bom mục tiêu mặt đất, mặt biển mà phi công Su 22M4 nào cũng phải trải qua và được huấn luyện thuần thục. Anh cho hay đang chờ để thực hiện bài bay kế tiếp.

"Các phi công cho biết, nổ lốp khi hạ cánh xử lý đã khó, khi cất cánh liên tục còn khó hơn nhiều lần"

Trong một đợt huấn luyện bay, mỗi phi công phải thực hiện từ một tới nhiều bài bay khác nhau. Đại úy Vinh sinh năm 1984, là một phi công trẻ có bản lĩnh và trình độ bay tốt nên được lãnh đạo tín nhiệm đề bạt chức vụ Phó phi đội trưởng. Những chiếc máy bay Su 22M4 liên tục xuất kích trong đội hình bay đơn hoặc biên đội 2 chiếc. Thi thoảng lại có những chiếc U-Su 22 sơn xanh, vàng, cô ban hai chỗ ngồi dành cho huấn luyện xuất kích.

Sau đợt huấn luyện, thượng tá phi công Hoàng Văn Chiến, chính ủy trung đoàn, cho biết, những chuyến huấn luyện sẽ rất có ích cho phi công hoàn thành nhiệm vụ khi bay sử dụng vũ khí, bắn đạn thật, các chuyến bay trinh sát, tuần tiễu…

Trung đoàn thường xuyên tham gia các đợt diễn tập bắn đạn thật, ném bom phối hợp với các đơn vị, quân binh chủng, quân khu, quân đoàn, các vùng hải quân và đều đạt hiệu suất cao.

Anh chia sẻ, quan điểm của chỉ huy trung đoàn trong những đợt diễn tập “bắn ném” là thận trọng, chắc chắn, an toàn, tiết kiệm nhưng hiệu quả. Hiệu quả ở đây không chỉ là tiết kiệm tiền của nhân dân mà còn là tài sản và tính mạng phi công.

Bản lĩnh phi công tiêm kích bom

Trong phòng giao ban bay, tôi thấy treo rất nhiều bảng chỉ dẫn xử lý bất trắc, chủ yếu là các sự cố lúc đang bay. Chẳng hạn phi công phải làm gì khi đang bay động cơ (Su 22 là loại máy bay một động cơ) đột ngột không hoạt động? Hoặc khi hạ cánh mà càng máy bay không thả hoặc dù bay giảm tốc không bung ra thì phải làm thế nào?

Những kiến thức này thuộc loại kinh điển và mọi phi công đều thuộc lòng. Tuy nhiên có những sự cố thì chỉ có kinh nghiệm mới giúp phi công bảo toàn máy bay, tính mạng của mình và đồng đội. Đây là những sự cố xảy ra trong thực tế và thường bất ngờ, đòi hỏi sự khéo léo, mưu trí, bình tĩnh và bản lĩnh của người phi công.

Tôi ngồi chăm chú lắng nghe anh em phi công kể về một người chỉ huy phi đội cũ của họ đã xử lý trường hợp bất trắc hi hữu. Đó là vụ máy bay nổ lốp trong quá trình cất cánh liên tục, khi máy bay đang tăng tốc mà đường băng còn lại rất ngắn.

Chuyện xảy ra vào ngày 29/5/2007 trong một chuyến bay huấn luyện phi công trẻ bay chuyển loại từ máy bay phản lực cánh bằng L-39 lên Su 22, trung tá phi công Phạm Trường Sơn, phi đội trưởng kèm trung úy phi công trẻ Đỗ Chí Dũng.

Các phi công cho biết, nổ lốp khi hạ cánh xử lý đã khó, khi cất cánh liên tục còn khó hơn nhiều lần. Bằng kinh nghiệm dày dặn hơn 20 năm bay Su 22 anh đã bình tĩnh xử lý thành công, cứu được máy bay và đảm bảo an toàn chuyến bay, xây dựng niềm tin lớn cho đội ngũ phi công, nhất là phi công trẻ. Người chỉ huy phi đội hồi đó nay là Phó sư đoàn trưởng, tham mưu trưởng Sư đoàn không quân 370, đại tá Phạm Trường Sơn.

Tôi đã có lần gặp anh trong chuyến bay công tác ra quần đảo Trường Sa. Cảm nhận ở anh là một cán bộ chỉ huy trẻ, quyết đoán nhưng dễ gần và có không ít tài lẻ.

Đoàn công tác chúng tôi và nhiều quân dân trên đảo Trường Sa đã được nghe anh hát những ca khúc về quê hương xứ sở với giọng ca ngọt ngào, sâu lắng ngay giữa biển trời mênh mông nơi đảo tiền tiêu xa tít tắp của Tổ quốc.

Dịp đó anh tâm sự rằng, hơn 20 năm bay trên biển xa để bảo vệ chủ quyền biển đảo, giờ mới có dịp đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng này. Anh cảm nhận đảo đẹp vô cùng mà khí phách hiên ngang.

Chuyến bay huấn luyện thành công. Tôi may mắn là người được chứng kiến, gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn từ chỉ huy là phi công tới các thợ máy là cán bộ chiến sĩ phục vụ mặt đất.

Rời sân bay Thành Sơn, cảm nhận của tôi về những người lính không quân trung đoàn 937 với sự cảm phục. Họ không chỉ là những người lính sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần, mà còn là những người tiếp nối truyền thống không quân có nhiều sáng tạo đậm chất Việt Nam trong cách bay, cách đánh mà không tìm thấy đâu trong giáo trình.

Nhờ vậy mà với những phương tiện vũ khí có phần thua sút so với đối phương nhưng họ vẫn làm nên những điều kỳ diệu. Sau chuyến đi, tôi vẫn tin thế hệ phi công ngày nay vẫn thế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại