Những kỳ tích ít biết của phi công tiêm kích Việt Nam

Trải qua hai cuộc chiến tranh, lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam đã chứng tỏ được những khả năng phi thường, biến cái không thể thành có thể.

Được thành lập ngày 30-5-1963, so với thế giới, Không quân tiêm kích Việt Nam được xếp vào hàng "sinh sau đẻ muộn", không được đánh giá cao, thậm chí bị đối phương coi thường. Viên tướng J.Paul, chỉ huy tàu sân bay USS Constellation của Mỹ đã ngạo mạn nhận định: “Một dúm máy bay Mig-17 out of date (hết đát)... Vài chục phi công non yếu… Cuộc chiến với không quân tiêm kích Việt Nam chỉ là trò chơi của các phi công Mỹ”. Nhưng thực tế lại chứng minh ngược lại.

Những chiếc Mig "cổ lỗ" đã thoắt ẩn thoắt hiện trong mây rồi bất ngờ ra đòn tấn công như tia chớp khiến những tiêm kích đời mới của Mỹ "rụng như sung". Tổng kết sau chiến tranh, trang mạng ACIG.org của người Mỹ phải cay đắng thừa nhận, các phi công Mỹ chỉ bắn rơi được 103 máy bay Mig, trong khi đó có tới 340 máy bay các loại của Mỹ bị Mig hạ gục, tỉ lệ 1- 3,3. Đây là một kì tích của Không quân nhân dân Việt Nam trong việc biến "những chiếc Mig hết đát" thành "sát thủ bầu trời".

Tiêm kích bom F-5 của trung đoàn 935 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (Ảnh: TL)

Biến "những chiếc F-5 bị bỏ rơi" thành "anh hùng tấn công mặt đất"

Bị tan rã quá nhanh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên đường rút chạy Không lực Việt Nam Cộng hòa đã không kịp mang theo hoặc phá hủy một số lượng lớn máy bay. Chỉ riêng tại sân bay Biên Hòa đã có tới 40 chiếc F-5 các đời bị "bỏ rơi".

F-5 là loại máy bay tiêm kích siêu âm hạng nhẹ do hãng Northrop thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ tiêm kích hàng không. Thế nhưng ngay từ khi ra đời vào những năm 1960 nó đã gặp phải sự ghẻ lạnh. Không quân Mỹ chỉ dùng một số ít F-5E để… đóng giả Mig-17 làm "quân xanh" cho phi công tập bắn, còn lại thì đẩy cho quân đội các nước đồng minh, trong đó có Việt Nam cộng hòa. Nhưng Không lực Việt Nam Cộng hòa cũng không sủng ái F-5 vì nó không có đất dụng võ, chỉ bay quanh quẩn trong những phi vụ lẻ tẻ.

Máy bay F5 của trung đoàn 935

Ngày 21-5-1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn không quân 935. Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tận sân bay Biên Hòa giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 935 phải nhanh chóng làm chủ các loại máy bay thu được của Mỹ-ngụy để đối phó với tình hình mới. Đây là nhiệm vụ cực kì khó khăn, bởi số tài liệu, hồ sơ ít ỏi về máy bay F-5 để lại toàn bằng tiếng Anh, trong khi phi công của ta chỉ thạo tiếng Nga. Nhưng chỉ 6 ngày sau, ngày 27-5 năm 1975, phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã bay thành công chuyến F-5 đầu tiên, mở đầu cho chiến dịch khai thác F-5, ‘những đứa con bị bỏ rơi’ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và họ đã khiến những chiếc F-5 làm được những điều mà ngay cả những nhà sản xuất cũng không ngờ tới.

Cuối năm 1976, trước những khiêu khích của Polpot tại biên giới Tây Nam, Trung đoàn 935 đã làm được một việc chưa từng có trong lịch sử hàng không thế giới: dùng 2 chiếc tiêm kích siêu âm F- 5 do hai phi công Đinh Văn Bồng và Nguyễn Hữu Lâm để… rải truyền đơn tuyên truyền đường lối, quan điểm của Việt Nam về mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam và Camphuchia.

Biểu tượng của Trung đoàn tiêm kích 935

Nhưng bỏ qua thiện chí của Việt Nam, năm 1978 Polpot xua quân ồ ạt xâm lấn biên giới Tây Nam, những chiếc F-5 của Trung đoàn 935 đã chuyển từ tiêm kích phòng không thành những chiếc tiêm kích bom chuyên tấn công mặt đất. Đây là lần đầu tiên trong quân sử chiến tranh vệ quốc, Việt Nam dùng lực lượng không quân tiêm kích bom phối hợp tác chiến Hải-Lục- Không quân một cách chủ động, nhịp nhàng.

Xuất kích hàng ngàn chuyến với những biên đội lớn 4-8 chiếc/lần, bằng sức oanh kích mãnh liệt, tiêm kích bom F-5 của Không quân Việt Nam đã đánh "dập đầu" các sở chỉ huy, phá hủy các trận địa phòng thủ, phương tiện, vũ khí… của đối phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công khiến đối quân Khmer đỏ vỡ trận nhanh chóng.

 
Hai Anh hùng LLVT Lê Khương (trái) và Nguyễn Văn Kháng (Ảnh: TL)

Đóng góp to lớn của lực lượng không quân tiêm kích trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam được ghi nhận bằng sự kiện ngày 20-12-1979, Trung đoàn không quân 935 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hai phi công của Trung đoàn cũng được phong tặng danh hiệu cao quí này là đại úy Lê Khương và đại úy Nguyễn Văn Kháng.

Khâm phục trước trình độ tác chiến của không quân tiêm kích Việt Nam, ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ Cách mạng Camphuchia đã đề nghị Việt Nam huấn luyện giúp một phi đội tiêm kích, làm cơ sở để thành lập trung đoàn không quân đầu tiên của nhà nước Cộng hòa nhân dân Camphuchia vào tháng 4-1988.

Nhanh làm chủ những máy bay mới nhất

Trải qua hai cuộc chiến tranh, lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam đã chứng tỏ được những khả năng phi thường, biến cái không thể thành có thể. Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng này đã được quan tâm đầu tư thích đáng. Để có thể chiến đấu và chiến thắng, yêu cầu số 1 đối với phi công tiêm kích là phải làm chủ và khai thác các loại máy bay được trang bị một cách sáng tạo.

Kĩ sư Rogovsky Ivan Albertovich, Trưởng đoàn chuyên gia Nga

Trong những ngày tác nghiệp ở Trung đoàn 935, tôi đã gặp kĩ sư Rogovsky Ivan Albertovich, Trưởng đoàn chuyên gia Nga trong chương trình chuyển loại phi công Su-30MK2. Khi được hỏi ông nhận xét như thế nào về phi công tiêm kích Việt Nam? Ivan giơ ngón tay cái lên cùng một nụ cười tin cậy: “Chúng tôi rất khâm phục trình độ tiếp thu cũng như ý chí của phi công và đội ngũ nhân viên kỹ thuật Việt Nam. Họ đã nắm bắt tốt không chỉ toàn bộ nội dung chương trình chuyển loại mà còn đề ra yêu cầu cao hơn trong chương trình huấn luyện.”

Thay cho lời kết

Trước khi chia tay, tôi đã có một cuộc tọa đàm với các phi công tiêm kích Trung đoàn 935. Và những ghi chép sau đây sẽ thay cho lời kết thiên phóng sự này.

Vừa rồi tôi có xem một triển lãm hàng không, thấy cảnh các máy bay tiêm kích nhào lộn, áp bụng vào nhau, đan nhau trên bầu trời… Tôi nể trình độ bay của phi công họ quá!

Đại úy Vũ Đình Thi, Biên đội trưởng 2, Phi đội 2: Trên thế giới hiện có những đội bay biểu diễn nổi tiếng như Hiệp sĩ Nga của Nga, Blue Angel của Mỹ, Bát Nhất của Trung Quốc… Nhưng anh Thụy có thể chưa biết, bay biểu diễn khác với bay chiến đấu. Những đội bay biểu diễn quanh năm chỉ ăn và tập một bài để phục vụ cho các triển lãm hàng không nhằm… bán hàng.

Dư luận hiện tỏ vẻ lo lắng trước việc một số nước đầu tư sản xuất, mua sắm các loại máy bay ‘hàng khủng’ được cho là có tính năng vượt trội về khả năng tàng hình, tốc độ, vũ khí... Các anh nghĩ gì trước hiện tượng này?

Thượng tá Trần Mạnh Cường, Phi đội trưởng Phi đội 2: Chúng tôi vẫn cập nhật tình hình kĩ thuật hàng không thế giới thường xuyên. Những tuyên bố này nọ nó mang nặng tính… quảng cáo! Sự thực thì máy bay nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Trước đây Mỹ cũng đã từng tuyên bố B.52 là ‘siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm’, thế mà khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã bị các ‘cụ’ Phạm Tuân, Nguyễn Xuân Thiều, Vũ Đình Rạng nhà ta ‘thiêu rụi’ đó thôi.

Vâng, nhưng đó là… ngày xưa. Thời bây giờ là tác chiến điện tử. Các anh cho biết, nét khác nhau cơ bản giữa không chiến ngày xưa và ngày nay?

Thượng tá Nguyễn Xuân Tuyến, Trung đoàn trưởng: Ngày xưa trong các trận không chiến, muốn tấn công phải áp sát đối phương. Còn thời bây giờ là ‘tác chiến phi tiếp xúc’, các radar hiện đại cho phép phi công có thể tấn công mục tiêu cách hàng chục, thậm chí cách hàng trăm km…

Như thế nghĩa là yếu tố vũ khí công nghệ cao giữ vai trò chủ yếu. Sự mưu trí, dũng cảm của phi công… có còn cần thiết ?

Thượng tá Trần Mạnh Cường: Những loại tiêm kích hiện đại cho phép phi công có thể tác chiến một cách độc lập cao nhất. Như thế càng phải đòi hỏi sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm. Vũ khí rất quan trọng. Nhưng dù vũ khí dù có hiện đại đến đâu vẫn chỉ là thứ yếu. Quyết định sự thắng bại vẫn là do người sử dụng vũ khí.

Nhưng tiềm lực của ta…

Thượng tá Trần Mạnh Cường: Ý anh Thụy muốn nói liệu không quân ta có đương đầu nổi với một đối thủ có số lượng máy bay áp đảo gấp nhiều lần không chứ gì? Thì không quân ta đã phải làm việc đó trong kháng chiến chống Mỹ đó thôi. Trước những đối thủ mạnh, chúng ta không dại gì mà lại đi ‘căng’ hết máy bay ra bầu trời để chiến đấu cả…

Thượng tá Nguyễn Xuân Tuyến: Vấn đề ở đây là cách đánh…

Đánh thế nào ạ?

Thượng tá Nguyễn Xuân Tuyến: (Cười) đánh như thế nào, đó là vấn đề bí mật quân sự không được phép tiết lộ. Nhưng nhân dân hãy tin rằng, dù phải đương đầu với bất kì đối thủ nào thì lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam thời hiện đại cũng sẽ xứng đáng với truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại