Ba kịch bản để Israel tiêu diệt S-300 Nga

Quân đội Israel có sách lược gì và sẽ dùng vũ khí nào để áp chế được hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga S-300, kịch bản có thể là...

Nga sẽ bàn giao cho Chính phủ Syria hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới S-300 sau khi EU dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với phe đối lập. Điều này sẽ làm đảo lộn mọi toan tính của Israel, đất nước láng giềng, trong cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm tại Syria.

Với ý định dùng lực lượng quân sự để lật đổ chế độ của Tổng thống Assad, Israel và các nước đồng minh luôn ủng hộ cả về tinh thần và vật chất cho phe đối lập của Chính quyền Damas. Thế nhưng những mưu đồ của Nhà nước Do Thái sẽ bị “phá sản” khi mà chính phủ hiện tại ở Syria nhận được hệ thống phòng không hiện đại S-300 (SA-10 Grumble theo cách gọi của NATO) từ người Nga.

Khi thông tin này được giới truyền thông tiết lộ, giới chức quân sự của Nhà nước Do Thái đã hùng hồn tuyên bố với cả thế giới “chúng tôi biết phải làm gì” để chống lại S-300.

Cố vấn an ninh Quốc gia Yaakov Amidrov của Israel muốn tiêu diệt S-300 ngay từ trong trứng nước, đảm bảo rằng chế độ Assad không thể nhận hoặc triển khai hệ thống tên lửa phòng không này bằng cách “ngăn chặn, không để các tên lửa S-300 này hoạt động”.

Hệ thống tên lửa S-300 khai hỏa
Hệ thống tên lửa S-300 khai hỏa

Trong khi đó, Đại tá Không quân của Israel, Zvika Haimovik tuyên bố với hãng Reuters rằng, S-300 là “giới hạn đỏ” của Irael và “chúng tôi có khả năng đánh bại chúng, mặc dù S-300 là đỉnh cao nhất trong số những vũ khí mà người Nga cung cấp cho Syria và nó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động của chúng tôi”.

Phải thừa nhận rằng, Israel là một trong những quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới và họ “có thể có tới hàng ngàn cách để chống lại các tên lửa của hệ thống S-300”, nguồn tin thân cận của Bộ quốc phòng Nga cho hay.

Vậy, Quân đội Israel có sách lược gì và sẽ dùng vũ khí nào để áp chế được hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga S-300, kịch bản có thể là:

Tấn công radar bằng tên lửa AGM-78 Standard

Hệ thống radar luôn được coi là “mắt thần” của bất kỳ hệ thống phòng thủ nào và S-300 cũng không ngoại lệ.

Chính vì thế muốn khống chế toàn bộ hệ thống tên lửa S-300 thì toan tính đầu tiên là phải làm tê liệt “mắt thần” của hệ thống này và có lẽ tên lửa AGM-78 Standard là một giải pháp cho phía Israel.

AGM-78 Standard là loại tên lửa chống bức xạ được thiết kế để tiêu diệt mọi trạm radar phát sóng chủ động, được trang bị đầu dò radar thụ động khá tiên tiến.

Ngoài ra, một tính năng ưu việt khác của tên lửa AGM-78 Standard đó là có khả năng tấn công trạm radar ngay cả khi đã ngừng phát sóng bằng “bộ nhớ” tọa độ của mục tiêu.

Thế nhưng, để sử dụng tên lửa chống bức xạ có hiệu quả, bên tấn công cần phải tiến hành trinh sát điện tử trước và điều này sẽ làm lộ ý đồ tấn công.

Ngoài ra, vì lệ thuộc vào nguồn bức xạ từ mục tiêu phát ra và tín hiệu đặc trưng trong quỹ đạo bay do đó loại tên lửa này có thể bị vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả khi radar ngưng phát sóng hoặc mục tiêu di chuyển khỏi vị trí trinh sát trước đó, cả hai khả năng này thì S-300 có thừa.

Một điểm yếu nữa của tên lửa chống bức xạ AGM-78 là chỉ có tầm bay lớn nhất là 90 km, điều này khiến cho các tiêm kích phía Israel trở thành “miếng mồi” của hệ thống phòng không Syria khi bay vào phạm vi tác chiến của chúng. Với tầm bắn lên đến đến 200 km, S-300 sẽ biến các “chim sắt” của  của không quân Israel thành “hòn than” trước khi kịp phóng AGM-78 Standard.

Sử dụng “cảm tử quân” Harpy

UAV Harpy được thiết kế cho nhiệm vụ áp chế các hệ thống phòng không đối phương, do IAI phát triển và chế tạo. Harpy là máy bay không người lái, thay vì làm nhiệm vụ trinh sát, thám báo chúng lại được trang bị đầu đạn trở thành “cảm tử quân” từ trên không. Đây cũng là vũ khí mà phía Israel có thể sử dụng để làm “mất mặt” S-300 trên đất Syria.

Máy bay không người lái Harpy của không quân Israel có những tính năng như một tên lửa tấn công hủy diệt và cũng có một số đặc tính ưu việt mà tên lửa hành trình thông minh khác không có.

Nó có thể hoạt động trong mọi địa hình, trong mọi thời tiết và bất kể ngày đêm, được mang nhiều tên gọi khác nhau từ ‘UAV tử thần”, “vũ khí bắn và quên” và “UAV cảm tử”.

Thực chất, UAV Harpy là hệ thống vũ khí tự hành, khi bay trên không nó thực hiện hai nhiêm vụ cùng lúc, dò tìm và tấn công tiêu diệt mục tiêu đối phương, nhất là các trạm radar dẫn đường hỏa lực hoặc các trận địa phòng không đối phương, dọn đường cho các cuộc không kích.

UAV Harpy có chiều dài 2,1 m, sải cánh 2,7 m, được trang bị động cơ cánh quạt có công suất 38 mã lực, tầm hoạt động tối đa 500 km, tốc độ 185 km/h, có thể mang đầu đạn nặng 32 kg, đủ sức công phá tất cả các mục tiêu mặt đất.

UAV này có ưu điểm giá thành rẻ, vận chuyển và khai thác khá đơn giản. Nhưng chỉ có điều, một khi đã “lao xuống” dù mục tiêu đối phương có bị tiêu diệt hay không thì quân đội Israel cũng phải làm giấy “báo tử” cho chúng.

Đến Delilah, “khắc tinh” của S-300

Theo các chuyên gia quân sự, vũ khí mạnh nhất của Quân đội Israel có thể “dập tắt” hỏa lực S-300 của Syria đó là tên lửa hành trình nội địa Delilah. Tên lửa này được Tập đoàn công nghiệp quốc phòng IAI phát triển và sản xuất, đưa vào phục vụ trong quân đội Israel từ cuối năm 1980.

Tên lửa hành trình đối đất Delilah được cho là một trong những tên lửa có độ chính xác cao nhất thế giới hiện nay, bán kính sai lệch mục tiêu của tên lửa này chỉ có một mét. Do đó khi đã là mục tiêu của tên lửa này thì chắc chắn “tọa độ” đó bị san phẳng trừ phi tên lửa bị hạ trước khi tới đích.

Delilah được trang bị một máy lái tự động, tên lửa có hệ thống dẫn hướng kết hợp quán tính và GPS, ở gia đoạn cuối của quỹ đạo bay có chế độ tự dẫn. Với hệ thống dẫn đường tinh vi cho phép tên lửa này có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250 km.

Tên lửa Delilah có đường kính 0,33m, dài 2,17m, khối lượng 187 kg, được trang bị động cơ phản lực đạt tốc độ Mach 0.7. Dù chỉ có tải trọng đầu đạn 30 kg, nhưng bù lại nó lại có độ chính xác coi như “tuyệt đối” do đó các trạm radar hay bệ phóng tên lửa khó lòng sống sót khi đã bị công kích.

Với tầm bắn đến 250 km, đồng nghĩa với việc Delilah có thể phóng từ khoảng cách mà S-300 không thể với tới, xem ra Delilah chiếm ưu thế hơn so với S-300 về tầm bắn, thế nhưng đặc tính của S-300 là phòng thủ do đó Delilah có thể bị bắn hạ khi bay vào phạm vi phủ sóng của radar hệ thống S-300.

Một số ưu thế khác của tên lửa Delilah khiến các nhà phát triển S-300 không thể xem nhẹ, đó là với trọng lượng nhẹ, thiết kế nhỏ gọn dạng modum, có thể trang bị các đầu đạn khác nhau do đó nó có thể được trang bị và phóng đi từ rất nhiều phương tiện chiến đấu khác nhau.

Từ trực thăng như UH-60A/B (Delilah-HL), chiến đấu cơ F-16 (Delilah-AL), dàn phóng mặt đất MLRS (Delilah-GL) hay từ chiến hạm (Delilah-SL).

Một điều lợi thế nữa của Delilah là đã được tham chiến trong môi trường chiến đấu trong cuộc chiến Lebanon và được các chuyên gia đánh giá cao khi tiêu diệt được các mục tiêu như kế hoạch tác chiến, còn với S-300 chỉ là giai đoạn “tập bắn” trên các thao trường.

Như vậy với tính năng đa dạng, độ chính xác cao, phạm vi tấn công lớn có lẽ Delilah là vũ khí đáng gờm nhất của Israel để có thể khắc chế được hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới S-300.

Có điều, S-300 là hệ thống phòng không, mang tính chất phòng thủ, radar hệ thống này có thể theo dõi 100 mục tiêu cùng lúc, dẫn các tên lửa tiêu diệt đồng thời 12 mục tiêu ở khoảng cách 200 km ở độ cao tới 27 km.

Syria mua S-300 với mục đích chống lại các cuộc tấn công từ trên không, do đó những phương tiện chiến đấu bay vào phạm vi tác chiến của nó sẽ bị tiêu diệt, không cần biết chúng được phóng từ đâu.

Kinh nhiệm từ các cuộc chiến, tính năng vũ khí là nền tảng để phân định “thắng thua”, nhưng kinh nhiệm, kỹ chiến thuật tác chiến và yếu tố bất ngờ cũng là những thành tố cực kỳ quan trọng dẫn đến sự thành bại. Do đó, cuộc đối đầu giữa hệ thống vũ khí của Israel và S-300, nếu xẩy ra, thì chưa chắc “mèo nào cắn mỉu nào”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại