Một trong 2 quả kích hoạt sẵn sàng nổ, và chỉ nhờ một công tắc tự động phút cuối giúp ngăn chặn vụ nổ mạnh gấp 260 lần quả bom thả xuống Hiroshima, theo tài liệu vừa giải mật của Mỹ, báo Guardian đăng ngày 20.9.
Một máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ đang tiến hành phi vụ rải thảm bom. Một chiếc B-52 G năm 1961 bị tai nạn, hai quả bom khinh khí đã rơi xuống đất Mỹ và thảm họa may mắn không xảy ra - Ảnh: Getty Images
Tài liệu này do nhà báo Eric Schlosser tìm được dựa trên Luật tự do thông tin, cho biết vào ngày 23.1.1961, trong khi tuần tra liên tục 24 giờ trên không phận nước Mỹ và Đại Tây Dương để đối phó chiến tranh lạnh với Liên Xô, một máy bay ném bom B-52 G có chở hai quả bom khinh khí Mark 39 cần tiếp nhiên liệu.
Trong khi tiếp xăng, phi hành đoàn máy bay tiếp xăng báo cho phi hành đoàn chiếc B-52G là cánh phải của B-52 bị chảy dầu, và họ ngừng bơm xăng. Chiếc B-52 phải cố bay ra vùng biển để xả hết lượng xăng vừa bơm, tuy nhiên máy bay đã chảy hết sạch số xăng chỉ trong 3 phút và mất kiểm soát, rơi xuống đất.
Phi hành đoàn 8 người nhảy dù khỏi máy bay, và chiếc máy bay nổ tung trên không, hai quả bom lao thẳng xuống mặt đất. Nguy hiểm là một trong hai quả tự động kích hoạt trạng thái sẵn sàng nổ khi chạm đất: dù được bung ra và cơ chế kích nổ được kích hoạt.
Tuy nhiên quả bom này khi đâm xuống một cánh đồng đã không nổ. Nhiều khu vực, trong đó có New York, Baltimore, Washington và Philadelphia đã không bị tàn phá, chỉ nhờ một công tắc chuyển đổi điện áp thấp đơn giản trên quả bom này đã hoạt động thành công, ngăn không cho kích hoạt điện áp cao để kích nổ lõi hạt nhân của đầu đạn khi chạm đất.
Đáng nói là có 4 công tắc an toàn để tránh trường hợp tự kích nổ trong quả bom, thì ba cái đều không hoạt động, trừ cái thứ tư.
Mỗi quả bom khinh khí này có sức nổ 4 megaton, tương đương 4 triệu tấn thuốc nổ TNT, tức mạnh gấp 260 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima năm 1945.
Dù sau đó chính quyền Mỹ trấn an dư luận rằng hai quả bom này không thể nổ (trước đó còn họ nói máy bay không có mang bom!), nhưng một báo cáo 8 năm sau của chuyên gia Parker F. Jones ở phòng thí nghiệm Sandia – nơi chịu trách nhiệm về các cơ chế an toàn của vũ khí hạt nhân, viết rằng “một công tắc chuyển mạch điện áp thấp đơn giản đã ngăn chặn thảm họa xảy ra cho nước Mỹ”.
Ông phát hiện 4 công tắc an toàn ngăn không cho bom nổ ngoài ý muốn, thì cả ba cái đều bị lỗi, chỉ cái thứ 4 là hoạt động.
“Loại bom Mk 39 Mod 2 này không có cơ chế an toàn thích hợp trên máy bay B-52”, ông viết.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!