Tờ The Hindu của Ấn Độ dẫn lời một quan chức giấu tên của tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) nước này cho biết, hiện họ đang hoàn thiện các công tác chuẩn bị để phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-V ở đảo Wheeler. Thời điểm phóng thử sẽ vào “khoảng ngày 15/9” , còn tùy vào tiến độ chuẩn bị và thời tiết.
Theo lời người phụ trách chương trình Tessy Thomas, Ấn Độ sẽ cho thử nghiệm Agni-V thêm 2 đến 3 lần trước khi chính thức đưa vào biên chế quân đội năm 2015.
Người phụ trách tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ V.K.Saraswat tiết lộ Agni-V là loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang theo nhiều đần đạn phân tách độc lập, có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân đánh trúng cùng lúc nhiều mục tiêu hoặc tập trung sát thương vào một mục tiêu đơn lẻ. Agni-V sử dụng nhiên liệu rắn được phát triển bởi DRDO của Ấn Độ. Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V có tầm phóng hơn 5.500 km, có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng đến 1,5 tấn. Loại hoả tiễn này có chiều dài 17,5 m, dùng nhiên liệu rắn, có 3 tầng và nặng 50 tấn. Ấn Độ đã chi 480 triệu USD để phát triển loại tên lửa này.
Ấn Độ đã gia nhập “câu lạc bộ” các nước có khả năng phóng tên lửa tầm xa bao gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Israel, Pakistan và Triều Tiên (tên lửa Unha-3). Theo tiết lộ của các chuyên gia Ấn Độ, kế hoạch phát triển Agni-V được khởi động từ năm 2007 trên cơ sở nâng cấp phiên bản tên lửa đạn đạo Agni-III.
Tháng 4 năm 2012, Ấn Độ đã lần đầu thử nghiệm thành công Agni-V cũng tại đảo Wheeler. Người Ấn Độ khi đó đã rất hãnh diện vì kỹ thuật nghiên cứu tên lửa xuyên lục địa của họ đã bước lên tầm cao mới, đồng thời cũng là lời nhắc nhở với người láng giềng Trung Quốc. Theo đánh giá của tờ The Diplomat thì Agni-V sẽ là loại vũ khí khắc tinh của Trung Quốc khi nó có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới gần bất kỳ thành phố nào của nước láng giềng.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!