Tàu ngầm hạt nhân nội địa INS Arihant của Ấn Độ chỉ vài tuần nữa sẽ được kích hoạt lò phản ứng hạt nhân và sẽ sẵn sàng cho quá trình thử nghiệm trên biển và sau đó nó sẽ được tích hợp cũng như thử nghiệm hệ thống vũ khí mới.
Theo nguồn tin thân cận idrw.org, tàu ngầm hạt nhân Arihant thứ hai, được đặt tên là INS Aridaman cũng sắp được hoàn tất và đã được lên kế hoạch hạ thủy vào giữa năm tới. INS Aridaman cũng sẽ được kích hoạt lò phản ứng hạt nhân trước khi bàn giao cho hải quân Ấn Độ để thực hiện các cuộc thử nghiệm trên biển.
Chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Arihant thứ ba đã bắt đầu được xây dựng và dự kiến sẽ được hạ thủy cùng lúc với chiếc thứ hai INS Aridaman đi sau đó cũng sẽ được tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển. Việc xây dựng tàu ngầm thứ ba sẽ có tiến độ nhanh hơn nhiều so với hai tàu ngầm đầu tiên.
Tàu ngầm lớp Arihant có lượng giãn nước khoảng 6.000 tấn, dài 112 mét, thủy thủ đoàn có thể lên tới 100 người. Tàu được trang bị động cơ điện hạt nhân nội địa công suất 80 MW cho phép nó đạt tốc độ lên tới 24 hải lý khi di chuyển dưới mặt nước. Mỗi tàu ngầm lớp Arihant được trang bị 12 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) K-15 và tên lửa ngư lôi.
Tên lửa đạn đạo K-15 được phóng thành công từ tàu ngầm Ấn Độ.
K-15 là một tên lửa được thiết kế phóng từ tàu ngầm hai tầng phóng, tầng đầu tiên sử dụng nhiên liệu lỏng, tầng thứ 2 sử dụng nhiên liệu rắn.
Tên lửa có chiều dài 10 mét, đường kính 740mm, trọng lượng 17 tấn, tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn nặng 1000kg với tầm bắn 700km, tầm bắn của tên lửa có thể tăng lên 1000km nếu sử dụng đầu đạn nặng 500kg, nó có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Tuy K-15 thuộc loại SLBM nhưng một số chuyên gia quân sự trên thế giới cho rằng, vai trò của nó giống như một tên lửa hành trình kiểu như Tomahawk của Mỹ.
Ấn Độ đã tự phát triển và thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo này và chính điều này đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm sau Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Anh.
Tàu ngầm lớp Akula Ấn Độ thuê từ Nga.
Ngoài các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, INS Chakra – tàu ngầm hạt nhân mà Ân Độ thuê của Nga trong thời gian 10 năm đã được đưa vào biên chế trong hải quân nước này. Và gần khi có xự xuất hiện của các tàu ngầm hạt nhân tuần tra của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đã khiến cho Hải quân Ấn Độ xem xét về việc thuê thêm một tàu ngầm hạt nhân thứ hai từ Nga.
Năm 2003, Ấn Độ đã lên kế hoạch thuê hai tàu ngầm lớp Akula từ Nga, nhưng Nga chỉ đồng ý cho Ấn Độ thuê một chiếc Akula. Sau khi bàn giao cho Ấn Độ chiếc Akula duy nhất đó (Ấn Độ gọi là INS Chakra), Nga đã bày tỏ sự sẵn sàng cho Ấn Độ thuê thêm một tàu ngầm hạt nhân thứ hai. Tuy nhiên, vẫn xác định được tàu ngầm mà Nga định cho thuê là một tàu ngầm lớp Akula khác hay là tàu ngầm Yasen – tàu ngầm hạt nhân được phát triển dựa trên tàu ngầm lớp Akula nhưng hiện đại hơn rất nhiều.
Tàu ngầm lớp Yasen của Hải quân Nga.
Theo kế hoạch, tàu ngầm đầu tiên lớp Yasen đã phải chuyển giao cho Hải quân Nga vào cuối năm 2012, nhưng thời hạn này đã phải lùi lại để thực hiện thêm các thử nghiệm. Trong khi đó, tàu ngầm Yasen thứ 2 mang tên Kazan sẽ được chuyển giao vào năm 2015.
Tàu ngầm lớp Yasen có lượng giãn nước 13.800 tấn, dài 119m, và có khả năng đạt tốc độ di chuyển tới 31 hải lý/giờ.
Tàu được trang bị 10 ống phóng ngư lôi cỡ 650 và 533mm. Ngoài ra, tàu ngầm nguyên tử lớp Yasen còn mang theo 24 tên lửa hành trình.