Ấn Độ "chê" tiêm kích Rafale, nhắm đến Su-30MKI

Đào Cảnh |

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã từ chối mua lại 126 tiêm kích Rafale do Công ty Dassault của Pháp phát triển và đang tính đến phương án mua Su-30MKI của Nga.

Tờ Business Standard dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết nước này đã từ chối mua lại 126 tiêm kích Rafale do Công ty Dassault của Pháp phát triển.

Máy bay tiêm kích Rafale của Pháp.

Lý do được Ấn Độ đưa ra là loại tiêm kích này có mức giá quá cao so với dự kiến. Phương án khả thi nhằm thay thế cho loại tiêm kích Rafale của Pháp là loại tiêm kích Su-30MKI của Nga.

Trước đó, thông qua đấu thầu, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chọn tiêm kích Rafale của Pháp. Ấn Độ dự định mua 126 chiếc tiêm kích này với trị giá 10 tỷ USD.

Tham gia đấu thấu ngoài loại Rafale của Pháp còn có Typhoon của châu Âu, SAAB JAS-39 Gripen của Thụy Điển, F-16 và F/A-18E/F của Mỹ và MiG-35 của Nga.

Sau hơn 10 năm, cuối cùng danh sách rút lại còn hai nhà thầu là Typhoon của châu Âu và Rafale của Pháp.

Ngày 31/1/2012, Rafale được lựa chọn. Sau đó, khi thảo luận về các điều khoản của hợp đồng thì giá của loại tiêm kích Rafale lại cao hơn nhiều so với giá dự kiến ban đầu và giá cuối của hợp đồng mua 126 chiếc tiêm kích này có thể vượt 20 tỷ USD.

Theo nguồn tin từ tờ Business Standard, phương án khả thi nhất mà Ấn Độ đưa ra nhằm thay thế loại Rafale của Pháp là loại Su-30MKI của Nga. Hiện nay, Ấn Độ đã đặt mua 272 chiếc loại này đến năm 2018.

Ấn Độ cũng có kế hoạch mua và sử dụng loại máy bay chiến đấu sản xuất trong nước HAL Tejas. Chiếc Tejas đầu tiên đã được bàn giao cho không quân Ấn Độ vào hôm 17/1 vừa qua.

Ấn Độ cũng tăng cường làm việc theo dự án hợp tác phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ năm với Nga, dựa trên loại tiêm kích T-50.

Đồng Rub mất giá có thể là nguyên nhân khiến không quân Ấn Độ khai thác các loại máy bay chiến đấu của Sukhoi. Trước kia, loại Su-30 có giá là 100 triệu USD/chiếc.

Việc mua các loại máy bay chiến đấu mới sẽ giúp Ấn Độ thực hiện được kế hoạch tăng số lượng tiêm kích trong Lực lượng Không quân từ 35 phi đội hiện nay lên 45 phi đội. Mỗi phi đội gồm 18 máy bay chiến đấu.

Việc Ấn Độ từ chối mua Rafale là một đòn giáng mạnh vào Công ty Dassault của Pháp. Không quân và Hải quân Pháp cũng đã giảm tổng số lượng mua Rafale từ 310 chiếc theo kế hoạch ban đầu xuống còn 180 chiếc.

Công ty Dassault có bề dày lịch sử xuất khẩu Rafale hàng chục năm qua, tuy nhiên, qua thương vụ này, uy tín của nó bị giảm đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại