Trung Quốc vẫn chi “khủng” cho ngân sách quốc phòng dù kinh tế “chùn bước"

Minh Thu |

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ tiếp tục tăng mức chi tiêu ngân sách quốc phòng nhằm cải thiện sức mạnh quân đội và kiềm chế tầm ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á dù kinh tế Trung Quốc đang chững lại.

Reuters cho hay mặc dù những con số “khủng” trong khoản chi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn luôn nằm trong vòng bí mật, giới chuyên gia cho rằng chắc chắn số tiền này sẽ được chi để tăng sức mạnh hải quân với việc trang bị thêm các tàu chống ngầm và hạm đội tàu sân bay.

Theo dự kiến, khoản chi ngân sách quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc sẽ được công bố trong cuộc họp thường niên của quốc hội nước này vào ngày 5/3 tới.

Vào năm 2014, mức chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng thêm 12,2% lên tới 130 tỷ USD, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc cất cánh trong khóa huấn luyện tại Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng.

Lâu nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường gắn kết mức chi tiêu ngân sách quốc phòng với tốc độ tăng trưởng nhanh GDP để hiện đại hóa sức mạnh quân sự.

Trong năm 2014, tăng trưởng GDP của quốc gia đông dân nhất thế giới là 7,4%, mức thấp nhất trong 24 năm tại quốc gia này.

Giới chuyên gia dự báo, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay, sẽ chỉ là 7%.

Các chuyên gia quân sự nhận định việc Mỹ huy động cả sức mạnh quân sự và chính trị để “tái cân bằng khu vực châu Á” cộng với chiến dịch chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm vào giới chức quân đội Trung Quốc, là hai lý do chính buộc Bắc Kinh tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng.

“So với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, ông Tập đặt tham vọng lớn về việc xây dựng một đội quân hùng mạnh”, Reuters dẫn lời chuyên gia an ninh tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, ông Zhang Baohui.

Điển hình, quân đội Trung Quốc đang khẩn trương chuẩn bị cho một diễu binh quy mô lớn vào tháng Chín tới.

Đây cũng sẽ là lần đầu tiên, Trung Quốc cho ra mắt hàng loạt vũ khí mới tối tân do nước này tự sản xuất, nhằm thể hiện sức mạnh quân sự với thế giới, theo Reuters.

Tuy nhiên, chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á của Mỹ là nguyên nhân hàng đầu khiến giới hoạch định chính sách quân sự của Trung Quốc đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng.

Theo dự kiến, cho tới năm 2020, 60% tàu chiến của Mỹ sẽ tập trung tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Việc Mỹ tái điều chỉnh chiến lược tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tạo sức ép lớn lên Trung Quốc”, tờ Study Times cho hay.

Trong đó, Mỹ đang nỗ lực thắt chặt mối quan hệ đồng minh với các nước trong khu vực như Nhật Bản và Philippines.

Ngoài ra, chính việc Bắc Kinh khơi mào cho cuộc chiến tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở châu Á cũng là cơ hội để Washinton tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực.

“Trung Quốc mạnh tay chi tiêu quốc phòng kết hợp với gia tăng các hành động và lời nói hung hăng, dường như đã đẩy các nước trong khu vực lại gần hơn với Mỹ”, theo nhà phân tích quân sự tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, ông Richard Bitzinger.

Thậm chí, nhiều quốc gia châu Á đã tự tìm cách củng cố nền quốc phòng quốc gia bằng cách tăng chi tiêu quân sự.

Điển hình, hồi tháng trước, Nhật Bản đã thông qua bản chi tiêu ngân sách quân sự với số tiền đạt kỷ lục 42 tỷ USD.

Ấn Độ cũng tăng chi tiêu quốc phòng thêm 12% trong giai đoạn năm 2014 – 2015 lên 38,85 tỷ USD. Còn mức chi tiêu quân sự tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2016 cũng dự kiến tăng lên 40 tỷ USD.

Năng lực của Hải quân Trung Quốc bị giới chuyên gia Mỹ đánh giá là yếu kém.

Giới ngoại giao cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ lường trước được phản ứng của các nước trong khu vực khi Bắc Kinh quyết đinh công khai khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng “khủng” trước 2,3 triệu quân nhân nước này dù tăng trưởng kinh tế quốc gia đang chững lại.

Tuy nhiên, khả năng việc tuyên bố khoản chi quốc phòng còn là cách để ông Tập xoa dịu tinh thần cho giới lãnh đạo quân đội và binh sĩ Trung Quốc, vốn đang bị đưa vào tâm điểm trong chiến dịch chống tham nhũng.

Bởi trong thời gian qua, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã cho điều tra một số tướng lĩnh quân sự cấp cao trước nghi án bán chức quyền để vụ lợi cá nhân.

Mục tiêu chống tham nhũng của ông Tập còn mở rộng sang cả binh đoàn Pháo binh số 2, đơn vị tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc cũng như lực lượng không quân và hải quân.

Tuy nhiên, dù mạnh tay chi khoản tiền lớn để hiện đại hóa quân đội trong suốt 20 năm qua, mới đây, nhóm nghiên cứu RAND Corp tại Mỹ cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn tồn tại những điểm yếu nghiêm trọng làm giới hạn khả năng giành chiến thắng nếu phải tham chiến trong tương lai.

Bản báo cáo của RAND Corp đệ trình lên Ủy ban Quốc hội Mỹ khẳng định Trung Quốc vẫn đang duy trì một bộ máy lãnh đạo lỗi thời, trình độ binh sĩ yếu kém và nạn tham nhũng hoành hành cùng năng lực chiến đấu hạn chế đặc biệt là trong cuộc chiến chống ngầm.

Do đó, trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân tại Ấn Độ Dương và Biển Đông. Trong đó, Biển Đông hiện là khu vực mà Mỹ và các quốc gia đồng minh, đang chiếm ưu thế.

Trong khi, 4/5 chuyến hàng chở dầu mỏ nhập vào Trung Quốc lại thường xuyên đi qua tuyến đường biển quan trọng này.

Còn theo ông Rory Medcalf, Trưởng Khoa An ninh Quốc gia tại Đại học Quốc gia Australia nhận định Trung Quốc sẽ giành thêm tiền cho công cuộc trang bị các máy bay không người lái quân sự và máy bay tuần tra hàng hải.

“Trung Quốc đang mở rộng năng lực trên toàn cầu bằng cách tăng chi tiêu mua sắm tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu sân bay”, ông Medcalf nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại