Xe tăng T-72 của Lục quân Ấn Độ.
Tháng này, Lục quân Ấn Độ đã đưa ra yêu cầu tìm kiếm đối tác thiết kế mẫu xe tăng mới trong chương trình mang tên Xe tác chiến tương lai (FRCV).
Vì là mẫu xe tăng hạng trung nên nó có thể có khối lượng trên 40 tấn, nhẹ hơn mẫu xe tăng Arjun (khối lượng 60 tấn).
Theo ông Anil Chait, nguyên Trung tướng Lục quân Ấn Độ, FRCV có thể sẽ dựa trên nền tảng xe tăng T-90, thay vì xe tăng Arjun Mark-II.
Điều này đã làm dấy lên câu hỏi về tương lai của mẫu xe tăng nội địa Arjun.
Tuy nhiên, ông Rahul Bhonsle, nguyên Chuẩn tướng Lục quân Ấn Độ và là một nhà phân tích quốc phòng cho biết, mẫu xe tăng Arjun sẽ được tiếp tục phát triển, ít nhất là đến phiên bản Mark-3 do thời gian hoàn thiện mẫu FRCV vẫn còn khá lâu.
Hơn nữa, Lục quân Ấn Độ vẫn còn nhu cầu đối với các xe tăng Arjun.
Xe tăng Arjun do Ấn Độ chế tạo.
Mẫu FRCV cơ bản sẽ là nền tảng cho nhiều biến thể được phát triển để phục vụ các chức năng khác nhau.
Những biến thể này sẽ bao gồm 1 xe tăng hạng nhẹ, 1 phiên bản bánh hơi, 1 xe bắc cầu, xe quét mìn, xe cứu kéo, pháo tự hành, pháo phòng không tự hành, xe trinh sát pháo binh, xe công trình và xe cứu thương.
Công tác chế tạo FRCV sẽ gồm 3 giai đoạn: thiết kế, phát triển mẫu thử nghiệm và sản xuất.
Ông Shankar Roy Chowdhury, một tướng Lục quân về hưu cho biết, yêu cầu tối quan trọng đối với mẫu xe này là khả năng sống sót..
"Các nhà thiết kế của Nga đã tìm cách đạt được điều này (khả năng sống sót) bằng kích cỡ nhỏ hơn (kíp xe 3 người và lớp giáp nhẹ hơn), khung gầm thấp và tốc độ cao.
Trong khi đó, phương Tây lại ưa chuộng các tháp pháo lớn hơn, lớp giáp dày hơn nên xe tăng nặng hơn.
Cả 2 thiết kế này đã được thử nghiệm trong chiến tranh Arab-Israel và chiến tranh vùng Vịnh. Thiết kế của Nga thể hiện không tốt lắm. Một số ý kiến cho rằng đó là do kíp lái".
Tuy nhiên, theo ông Chowdhury, yêu cầu quan trọng nhất là dự án FRCV tương lai phải được Ấn Độ tự thiết kế.