Theo đó, tiêm kích Sukhoi đóng vai trò xương sống trong Không quân Ấn Độ (IAF) với hơn 200 chiếc (dự kiến là 272 chiếc).
Ấn Độ nhận lô Su-30 đầu tiên vào năm 2002. Chiếc đầu tiên rơi vào năm 2009 và kể từ đó tới nay, đã có thêm 5 chiếc gặp nạn.
Trong khi đó, Không quân Trung Quốc (PLAAF) có 379 chiếc Sukhoi (150 chiếc nhập từ Nga và 229 chiếc sao chép) trong tổng số 400 chiếc theo kế hoạch.
Tuy nhiên, PLAAF lại mất ít máy bay Sukhoi do tai nạn. Phải chăng những chiếc Sukhoi của Trung Quốc được bảo dưỡng tốt hơn hay được chế tạo với chất lượng cao hơn hoặc phi công Trung Quốc lái an toàn hơn?
Không quân Nga có tổng cộng 438 chiếc Flanker và tỉ lệ gặp tai nạn cũng không cao như của IAF. Không quân Việt Nam và Indonesia cũng không có báo cáo nào về các tai nạn của dòng Flanker.
Một chiếc Su-30MKI gặp nạn gần Pune.
5 lý do vì sao Su-30MKI của Ấn Độ liên tục rơi
Huấn luyện cường độ cao
IAF là một trong số ít lực lượng không quân trên thế giới thực hiện luyện tập cường độ cao trong suốt cả năm.
Phải ứng phó nguy cơ xung đột xảy ra với các nước láng giềng như Trung Quốc, Pakistan nên các chiến đấu cơ và phi công IAF luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.
Các cuộc không chiến mô phỏng có thể bao gồm hàng trăm máy bay di chuyển quãng đường hàng nghìn kilomet.
Trong một cuộc tập trận năm 2013, Su-30MKI đã thực hiện phi vụ ném bom với khoảng cách 1.800km, với sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu trên không.
Các phi công Ấn Độ thường thực hiện nhiệm vụ kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ trên những chiếc Sukhoi.
Những cuộc huấn luyện như vậy tạo ra áp lực cho máy bay, phi công và nhân viên hỗ trợ, khiến tai nạn có thể xảy ra nhiều hơn.
Trong khi đó, Không quân Trung Quốc tuy có gần 2.000 máy bay nhưng lại có tỷ lệ tai nạn thấp trong thời bình, vì thời gian tập luyện ít.
Theo tạp chí Foreign Policy: "Phi công Trung Quốc không đáng tin cậy cũng như không được đào tạo đúng cách". Họ không dành đủ thời gian thực hành trên không hoặc không phải huấn luyện dưới cường độ cao.
Phi công Trung Quốc có thể bị khiển trách nếu không tuân theo kế hoạch bay của chỉ huy và có thể phải đối mặt với toà án quân sự nếu làm thiệt hại một chiếc máy bay.
Các phi công Ấn Độ phải huấn luyện với cường độ rất cao.
Môi trường khắc nghiệt
Môi trường nhiệt đới là khắc tinh của bất kỳ máy bay nào. Không khí nóng khiến động cơ tạo ra ít lực đẩy và cánh tạo ít lực nâng hơn so với các máy bay tương tự hoạt động ở châu Âu.
Ánh nắng chiếu trực tiếp lên đường băng cũng ảnh hưởng đến an toàn khi hạ cánh. Đây là những vấn đề mà phi công Ấn Độ đang phải sống chung.
Va vào chim cũng là nhân tố lớn dẫn tới các vụ tai nạn máy bay ở Ấn Độ. IAF ước tính khoảng 10 % các vụ tai nạn là do va vào chim. Phần lớn các căn cứ IAF nằm gần các khu vực đông dân cư, nơi loài chim trở thành mối đe dọa thường ngày.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng tới mức vào năm ngoái, IAF phải mở thầu tìm kiếm 45 hệ thống radar phát hiện và giám sát chim để trang bị tại các sân bay và căn cứ không quân trên khắp Ấn Độ.
Thiếu máy bay huấn luyện
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ tháng 03/2013, IAF mất số máy bay tương đương 1 phi đoàn chiến đấu (khoảng 18 chiếc) trong các vụ tai nạn 2 năm một lần. Điều này chủ yếu do thiếu máy bay huấn luyện.
Các phi công tân binh bắt đầu thực hành trên những máy bay huấn luyện cơ bản, sau đó họ chuyển sang máy bay huấn luyện phản lực trung cấp (IJT) trước khi sang máy bay huấn luyện phản lực cao cấp (AJT).
3 bước này là yếu tố quan trọng cho mỗi phi công chiến đấu và bất kỳ bước nào bị bỏ qua cũng có thể dẫn đến tai họa.
Thế nhưng, IAF lại thiếu các AJT, phi công tân binh được chuyển thẳng từ IJT sang các máy bay chiến đấu thực thụ như MiG-21. Kết quả cuối cùng là các phi công trẻ thiệt mạng với số lượng đáng báo động.
Với sự xuất hiện của các loại máy bay huấn luyện như Pilatus của Thụy Sĩ và Hawk của Anh, số lượng rơi máy bay của IAF đã giảm nhưng vẫn chưa dừng lại.
Công tác bảo dưỡng kém
Mặc dù IAF được biết đến với tiêu chuẩn cao, song những tiêu chuẩn này phần lớn thuộc về phi công, nhân viên bảo dưỡng không có chất lượng tương đương.
Gần đây, đã có một số tai nạn do các nhân viên mặt đất của IAF phạm nhiều sai sót nghiêm trọng. IAF nên xem xét thành lập một đội các nhân viên mặt đất ưu tú để bảo dưỡng các máy bay tối tân của mình.
Thiếu hụt máy bay
Hiện tại, IAF có 34 phi đoàn máy bay chiến đấu (khoảng 600 chiếc). Với một quốc gia rộng lớn và phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như Ấn Độ, tình trạng thiếu hụt chiến đấu cơ khiến một số ít máy bay phải thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Điều này đồng thời làm giảm thời gian bảo dưỡng trong hangar. IAF cần nhanh chóng bổ sung thêm các máy bay nội địa Tejas và các máy bay Su-30MKI lắp ráp trong nước.