Ấn Độ - thiếu đạn và cái giá phải trả
Theo Báo cáo của Cơ quan Tổng kiểm toán Ấn Độ (CAG), trong nhiều năm qua, Quân đội nước này luôn có lượng dự trữ đạn thấp hơn “mức tối thiểu”, hiện chỉ đủ để đảm bảo tác chiến cường độ cao trong không quá 20 ngày, bằng một nửa so với yêu cầu đặt ra là 40 ngày.
Chuyện “thật như đùa”, tưởng chừng như không thể xảy ra với một cường quốc quân sự có nền công nghiệp quốc phòng tương đối phát triển. Nhưng đây là “thảm họa” thực sự của Quân đội Ấn Độ, thậm chí có tới khoảng 50% chủng loại đạn chỉ đủ để chiến đấu trong vỏn vẹn 10 ngày.
Chính điều đó đã khiến Bộ quốc phòng Ấn Độ phải “nghiến răng” chi rất nhiều tiền để mua bổ sung nhiều loại đạn từ pháo binh cho tới xe tăng với giá cao ngất ngưởng.
Dường như các đối tác cung cấp từ Nga cho tới Israel biết rõ điểm yếu này nên đã “mặc sức ép giá”, nhưng Ấn Độ cũng chẳng có lựa chọn nào hơn là phải “nhắm mắt, đưa chân”.
Vậy liệu Việt Nam có khả năng rơi vào tình huống như thế hay không?
Đại tướng Phùng Quang Thanh kiểm tra việc sản xuất đạn pháo chiến dịch tại Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Việt Nam luôn tránh xa “thảm họa” như Ấn Độ
Như đã biết, đạn dược là loại tiêu hao, trong chiến tranh, nếu không có nguồn dự trữ, bổ sung thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng “buồng nòng rỗng không” đối với pháo hay “trắng bệ” đối với tên lửa, người chiến sĩ còn súng mà không còn đạn thì khó có thể chấp nhận được.
Việt Nam có quá nhiều kinh nghiệm về dự trữ đạn dược trong chiến tranh, điển hình như “đạn pháo phòng không 88 mm” hay “tên lửa SAM-2 trong Chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử”.
Tất nhiên, hoàn cảnh và tiềm lực của Việt Nam ngày nay khác nhiều với Ấn Độ - nước có nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) phát triển và có nguồn ngân sách quốc phòng không lồ.
Có thể khẳng định, chắc chắn Việt Nam sẽ không lặp lại “thảm họa” của Ấn Độ, bởi lẽ:
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực (CNQP). Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là định hướng lớn, như “kim chỉ nam” để xây dựng nền CNQP hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phát triển của Quân đội trong giai đoạn mới.
Trong chuyến thăm, kiểm tra Nhà máy Z111 - Tổng cục CNQP tháng 12/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Chỉ khi tự chủ chúng ta mới giảm chi phí và chủ động để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh”.
Theo Chủ tịch nước, trong chiến lược phát triển của đất nước thì cần đẩy mạnh công nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật để có thể cung cấp nguyên vật liệu cho công nghiệp quốc phòng.
Dây chuyền sản xuất lựu đạn của Nhà máy Z15. Ảnh: Tổng cục CNQP
Thứ hai, hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng.
Tại buổi “Gặp mặt báo chí đầu năm 2015”, Tổng cục CNQP cho biết những kết quả nổi bật như hoàn thành nghiên cứu soạn thảo và báo cáo Bộ Quốc phòng về Quy hoạch xây dựng, phát triển CNQP và Quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp tên lửa.
Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, mang tính chiến lược về CNQP của Việt Nam trong 10 - 20 năm tới và có tính đến tương lai xa hơn.
Bên cạnh đó, Tổng cục CNQP cũng chủ động nghiên cứu và từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý CNQP cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm quốc phòng.
Bên cạnh hàng nhập khẩu, Tổng cục CNQP là lực lượng nòng cốt đảm bảo cung cấp vũ khí, đạn dược cho Quân đội. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng.
Riêng về các loại đạn, nền CNQP nước ta đã và sẽ tự chủ sản xuất được hầu hết các loại đạn từ súng bộ binh cho tới pháo, cối, đặc biệt là các loại đạn pháo chiến dịch.
Nhờ vậy, đảm bảo luôn có lượng dự trữ cao và sẵn sàng bổ sung nhanh chóng với số lượng lớn nếu có tình huống xảy ra.
Dây chuyền sản xuất đạn pháo hiện đại của Nhà máy Z131, Tổng cục CNQP. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Theo báo QĐND và kênh truyền hình QPVN, CNQP nước ta đã và sẽ sản xuất được các loại đạn 7,62 - 9,0 - 12,7 - 14,5 - 23 - 30 - 37 - 57 - 122 - 130 - 152 mm; cối 60 - 82 - 100 mm; các loại đạn súng chống tăng thế hệ mới chống giáp phản ứng nổ; tên lửa chống tăng hết sức hiện đại.
Trong tương lai 5 - 10 năm tới, rất có thể ngành công nghiệp tên lửa sẽ cho ra đời những sản phẩm đầu tiên.
Như vậy, có thể thấy CNQP Việt Nam đã có những bước tiến hết sức mạnh mẽ, đáp ứng nhiệm vụ từng bước xây dựng tiềm lực để có khả năng nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí trang bị, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
>>> Việt Nam đã xuất khẩu những vũ khí nào ra thế giới?
>>> Việt Nam mua BMP-3F mới, bỏ qua xe thanh lý của Hàn Quốc