AMX-56 được đặt tên theo tướng quân Philippe Leclerc de Hauteclocque, ông đã từng chỉ huy và dẫn đầu Sư đoàn tăng thiết giáp số 2 của Lực lượng giải phóng Pháp tiến về Paris trong những trận đánh cuối cùng giải phóng Pháp bị Phát xít Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ II.
Hiện nay, AMX-56 Leclerc đang được biên chế trong Quân đội Pháp, Quân đội Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) và được xem như là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) chính của 2 lực lượng này. Ngay từ khi được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1991, Leclerc đã gây được khá nhiều tiếng vang và được gọi với tên “Xe tăng điện tử” với nhiều hệ thống khí tài hiện đại vượt trội. Sau đó 1 năm, Quân đội Pháp đã đặt hàng và biên chế chúng khá nhiều trong các lực lượng tăng thiết giáp của quân đội Pháp.
AMX-56 Leclerc ra đời với mục tiêu thay thế cho người tiền nhiệm là AMX-30 đã lỗi thời so với các loại xe tăng từ các nước đồng minh và cả Liên bang Xô Viết. Trước đó, AMX-30 đã phục vụ trong quân đội Pháp hơn 30 năm với tư cách là MBT chính của lực lượng này.
Hiện nay, AMX-56 đã phát triển khá hoàn thiện với nhiều đặc điểm và tính năng ưu việt, nó được xếp vào một trong 5 loại xe tăng mạnh nhất thế giới bao gồm: T-90 (Quân đội Liên bang Nga), Challenger 2 (Quân đội Hoàng gia Anh), Leopard 2 (Quân đội Cộng hòa Liên bang Đức) và M1 Abram (Quân đội Hoa Kỳ). Hiện nay, có đến 406 chiếc AMX-56 Leclerc đang được biên chế trong các sư đoàn của Pháp, con số này ở UAE là 388 chiếc. Trị giá mỗi chiếc tính đến năm 2011 là 9,1 triệu đô Euro.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Vào năm 1964, các nhà hoạch định quân sự chiến lược của Pháp đã cân nhắc thay thế dòng MBT AMX-30 vì nhận thấy nó không được như mong đợi và yếu thế hơn so với các loại xe tăng khác trên thế giới. Năm 1974, theo các so sánh và đánh giá trực quan của giới chuyên môn quân sự Pháp thì AMX-30 tỏ ra lép vế khá nhiều so với các MBT khác của Liên bang Xô Viết được giới thiệu thời kì đó. Nhận thấy điều này, để củng cố và nâng cao sức mạnh quân sự ,Tư lệnh Lục quân Pháp khi đó đã chỉ thị phải lên ngay một dự án phát triển một dòng xe tăng mới và không để thua kém bất kỳ quốc gia nào. Ngay sau đó, dự án đã được triển khai và mang tên “Char Futur” (Vũ khí tương lai).
Vào năm 1975, 1 Ủy ban giám sát chương trình “Char Futur” đã được thành lập với những thành viên chủ chốt của Bộ quốc phòng Pháp và các tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm của Lục quân Pháp. Đến tháng 2-1980, một biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Pháp trong việc phát triển MBT của riêng nước Pháp. Chương trình này được gọi là Napoleon I ở Pháp và ở Đức với cái tên Kampfpanzer III (xe tăng chiến đấu chủ lực).
Trong quá trình phát triển AMX-56 Leclerc, đã có một số bất đồng giữa các hãng liên kết nghiên cứu, sản xuất về các thiết bị và khí tài trên xe tăng. Một số cho rằng quá nhiều thiết bị như vậy sẽ dẫn đến việc bất cập trong điều khiển và vận hành. Tuy nhiên, bất đồng đã được giải quyết ổn thỏa khi Ủy ban Giám sát chương trình “Char Futur” đã tổ chức một cuộc họp triệu tập các nhà khoa học và các Tập đoàn công nghiệp quốc phòng.
Sau cuộc họp, ủy ban này tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về dự án MBT mới được phát triển hoàn toàn bởi người Pháp và đang được hoàn thiện gấp rút. Chương trình này đã được giới thông tấn báo chí đặt với cái tên “EPC” (Engin Principal de Combat – Phương tiện chiến đấu chủ lực). Một số các linh kiện và thiết bị từ các nước đồng mình cũng được các nhà khoa học Pháp xem xét và học hỏi, từ đó nghiên cứu và sản xuất cho AMX-56 Leclerc hoàn toàn độc lập mà không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào.
Chương trình phát triển Leclerc đi ngược lại so với các chương trình phát triển vũ khí ở Châu Âu mà thường mất khá nhiều thời gian và công sức trong việc cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề như sức mạnh động cơ, tính năng cơ động, các tính năng tác chiến… Người Pháp đã có những cố vấn về xe tăng dày dạn kinh nghiệm đến từ Đức, đa phần trong đó đều là các kỹ sư đã tham gia và dự án Leopard II nên nắm khá rõ những điều này. Chính vì vậy dự án AMX-56 Leclerc của Pháp phát triển khá nhanh và sớm cho ra các sản phẩm đầu tiên.
Thiết kế và các tính năng kỹ chiến thuật
Leclerc được trang bị 1 pháo CN120-26 được sản xuất bởi hãng NEXTER, đây là loại pháo nòng trơn, cỡ nòng 120 mm. Khác so với các đồng mình trong khối NATO, người Pháp lại sử dụng pháo nòng trơn, trong khi các quốc gia như Anh, Đức và Hoa Kỳ đều trang bị loại pháo rãnh.
Leclerc còn có thể sử dụng được hầu hết các loại pháo từ các nước đồng minh NATO nhưng trên thực tế thì nó không sử dụng các loại pháo từ nước ngoài mà chỉ sử dụng các đạn pháo do chính Pháp sản xuất, nhằm đảm bảo tính ổn định kỹ thuật của nòng pháo. Leclerc có một tính năng độc đáo, có một không hai mà không có loại xe tăng nào có được, đó là hệ thống nạp đạn tự động.
Hệ thống này cho phép nạp đạn tự động theo cơ cấu tương tự cơ cấu nòng trích khí từ các loại súng trường nhưng có sự can thiệp của máy móc và các thiết bị điện tử. Nhờ có hệ thống nạp đạn tự động này nên chiếc AMX-56 Leclerc đã giảm được 1 pháo thủ có nhiệm vụ nạp đạn trên xe.
Hệ thống này cho phép nạp đạn liên tục trong vòng 24h mà không cần nghỉ, có thể chưa được 6 loại đầu đạn khác nhau, bao gồm cả đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo. Nó có thể thay đổi các loại đạn khác nhau để thích hợp với các mục tiêu nhất định. Một viên đạn bắn ra từ nòng pháo của AMX-56 đạt vận tốc ban đầu là 90km/h ở giai đoạn ra khỏi nòng và giảm xuống còn 50km/h khi van chạm với mục tiêu. Nòng pháo AMX-56 có thể hạ gục các mục tiêu chính xác trong phạm vi là 4km.
Leclerc được trang bị hệ thống tác chiến điện tử được phát triển bởi NEXTER, nó là một thiết bị thăm dò chiến trường. Hệ thống này còn được hỗ trợ cả tia hồng ngoại và thiết bị cảm biến nhiệt nên các loại lựu đạn khói không thể che được mắt nó. Cũng như các loại xe tăng khác của NATO, Leclerc cũng được trang bị giáp Chobham, có khả năng chống được cả đạn xuyên giáp. Các phiên bản đầu tiên của Leclerc không có giáp phản ứng nổ.