Tuy nhiên nhờ tiềm lực khoa học kỹ thuật và nền kinh tế phát triển, nhiều quốc gia dù nhỏ bé nhưng vẫn có lực lượng quân sự rất đáng gờm.
Dưới đây là 5 quốc gia nhỏ bé nhưng có sức mạnh quân sự được đánh giá cao trên bảng xếp hạng của Global Firepower.
1. Israel
Xếp hạng diện tích: 148; Xếp hạng quân sự: 11.
Radar ELM-2288ER của Israel
Khi nhắc đến một quốc gia nhỏ nhưng có quân đội mạnh, Israel là cái tên đầu tiên xuất hiện trong ý nghĩ của phần lớn mọi người.
Mặc dù có diện tích chỉ 20.770 km2, dân số chưa đầy 8 triệu người nhưng do luôn phải đối đầu với mối đe dọa từ các nước Arab xung quanh nên nhà nước Do Thái buộc phải duy trì một lực lượng quân đội mạnh nhất khu vực.
Quân đội Israel có quy mô lên tới 160.000 người với trên 4.170 xe tăng, 10.185 xe bọc thép, 684 máy bay và trực thăng các loại, đây cũng là lực lượng quân sự thường xuyên trải qua thực chiến.
Israel có kinh nghiệm trong cả các cuộc chiến tranh phi đối xứng với kẻ thù đông gấp nhiều lần như Chiến tranh Sáu ngày, chiến tranh Yom Kippur… cũng như kinh nghiệm chống chiến tranh du kích từ các cuộc chiến tại Liban và Palestine.
Một yếu tố khác không thể không nhắc tới là quân đội Israel còn được sự hỗ trợ của lực lượng tình báo hàng đầu thế giới - Mossad, cũng như khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.
2. Singapore
Xếp hạng diện tích: 176; Xếp hạng quân sự: 26.
Khinh hạm RSS Formidable của Hải quân Singapore
Tiềm lực kinh tế và khoa học kỹ thuật là một trong những yếu tố đưa đội quân thường trực 71.600 người của quốc đảo Sư Tử trở nên đáng gờm trong khu vực.
Ngân sách quốc phòng lên đến 9,7 tỷ USD, cao nhất Đông Nam Á, giúp cho quân đội Singapore được trang bị hết sức hiện đại. Trong đó, không quân và hải quân Singapore được đánh giá là mạnh nhất khu vực.
Hải quân Singapore có trong biên chế 6 khinh hạm lớp Formidable, 6 tàu tên lửa tấn công nhanh, 6 tàu ngầm và nhiều tàu đảm bảo khác.
Formidable là khinh hạm duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có khả năng phòng không hạm đội với các tên lửa đánh chặn Aster-30 tầm bắn lên tới 120 km.
Không quân Singapore được trang bị chiến đấu cơ chủ lực F-15SG, tiêm kích nhẹ F-16C/D, F-5S/T và máy bay vận tải hạng trung C-130J.
Quân đội Singapore cũng tham gia các sứ mệnh quốc tế như hỗ trợ lực lượng đa quốc gia tại Iraq, chống cướp biển tại vùng Sừng Châu Phi hay một số nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
3. Kuwait
Xếp hạng diện tích: 155; Xếp hạng quân sự: 71.
Mặc dù chỉ có 15.500 quân nhân tại ngũ, tuy nhiên Kuwait lại có ngân sách quốc phòng lên đến 5,2 tỷ USD. Sau khi giành lại độc lập từ chiến tranh vùng Vịnh (1991), Kuwait trở thành đối tác quân sự gần gũi của Mỹ, Anh và Pháp.
Quân đội Kuwait được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu F/A-18 (39 chiếc), trực thăng AH-64D (16 chiếc), hệ thống phòng không Patriot, tên lửa diệt hạm Exocet lắp đặt trên các tàu tấn công nhanh...
Bên cạnh đó, Kuwait còn là nước đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh tại vùng Vịnh như cung cấp căn cứ hậu cần, kỹ thuật.
Hiện tại, các máy bay chiến đấu Kuwait đang tham chiến chống quân nổi dậy Houthi tại Yemen trong chiến dịch không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu.
4. Qatar
Xếp hạng diện tích: 158; Xếp hạng quân sự: 77.
Mặc dù có quân số ít nhất khu vực Trung Đông với chỉ 11.800 binh sỹ, tuy nhiên Qatar trang bị cho quân đội mình rất nhiều vũ khí hiện đại của phương Tây như chiến đấu cơ Mirage 2000, vận tải cơ C-130J, xe tăng Leopard 2...
Bên cạnh đó, quân đội Qatar đang tiếp tục được hiện đại hóa thông qua các hợp đồng đặt mua vũ khí "khủng" như trực thăng AH-64D, hệ thống phòng không Patriot…
Không quân Qatar cũng đang lựa chọn các tiêm kích hiện đại gồm F-35 Lighting II, Eurofighter Typhoon, Dassault Rafale… để thay thế các chiến đấu cơ cũ của mình.
Hải quân Qatar cũng đang đặt hàng các tàu tên lửa tấn công nhanh mới từ Thổ Nhĩ Kỳ và mua thêm trực thăng đa nhiệm.
Quân đội Qatar hiện là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, đang tham gia chiến dịch không kích chống IS và quân nổi dậy Yemen.
5. Bahrain
Xếp hạng diện tích: 176; Xếp hạng quân sự: 83.
Cũng như Kuwait và Qatar, quân đội Bahrain có mối quan hệ khá chặt chẽ với Hoa Kỳ và các nước NATO.
Căn cứ hải quân Manama là nơi đặt bộ chỉ huy Hạm đội 5 của Mỹ, hải quân hai nước cùng sử dụng chung căn cứ hải quân Mina Salman, Hoa Kỳ cũng có một căn cứ không quân tại Bahrain.
Hải quân Bahrain có trong biên chế 1 khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry được chuyển giao như một món quà từ Mỹ, cùng một số tàu tấn công nhanh vũ trang bằng tên lửa Exocet của Pháp.
Không quân Bahrain được trang bị khá hiện đại với máy bay chiến đấu F-16C, F-5E, trực thăng tấn công AH-1 và trực thăng đa dụng UH-60.
Lục quân Bahrain có 180 xe tăng và 277 xe bọc thép. Bahrain đang có kế hoạch hiện đại hóa không quân thông qua việc nâng cấp các máy bay chiến đấu có sẵn và mua thêm nhiều máy bay mới.