Bởi nơi đây chứa đựng những nguồn tài nguyên khổng lồ trong lòng đất hiện đang được nhiều quốc gia nhóm ngó.
Bắc Cực ngày một sôi động
Và một đồng minh vô hình làm cho cuộc chiến này đến gần hơn chính là biến đổi khí hậu, thời tiết nóng lên, băng tan nhanh.
Theo công ty tư vấn toàn cầu Strategic Forecasting, Inc (SFI) của Mỹ, khoảng 20% băng ở Bắc Cực sẽ tan ra vào năm 2050, lộ ra khoảng một triệu dặm vuông làm cho hành lang tây bắc, lộ trình vận tải biển ở các vĩ độ xa nhất về phía bắc xuất hiện, tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác như khai thác dầu khí, khai thác mỏ, và du lịch phát triển.
Người ta còn nhắm đến cái đích mới cao hơn, rằng dưới đáy Bắc Băng Dương có các mỏ dầu sơ khai chưa được khai thác, được lớp băng che phủ.
Cho đến nay đã xuất hiện nhiều tranh chấp về chủ quyền, và bất cứ ai cũng có thể hiểu, các tranh chấp này đều liên quan đến lợi ích các nguồn tài nguyên.
Riêng phía bắc Bắc Cực còn có giá trị rất lớn đứng trên quan điểm quân sự, nhất là trong bối cảnh chưa có các điều ước quốc tế cấm triển khai các vũ khí ở khu vực này.
Bởi vậy, các quốc gia có liên quan như Mỹ, Na Uy, Canada, Thụy Điển và Nga, thậm chí cả Trung Quốc cũng đã và đang gửi thiết bị và phương tiện để thể hiện sự quan tâm của mình đối vùng đất xa xôi, hẻo lánh này.
Chiến tranh Bắc Cực và 5 khí tài “lạnh”
1. Vệ tinh
Vệ tinh quân sự trong quỹ đạo địa tĩnh quanh đường xích đạo không thể liên lạc với thiết bị đầu cuối dưới mặt đất Bắc Cực do tín hiệu bị chặn bởi độ cong trái đất, giống như cách một con ruồi vo ve xung quanh của một quả táo, không thể nhìn thấy thân cây.
Để khắc phục, Hải quân Mỹ hiện đang xây dựng một mạng lưới vệ tinh có tên Hệ thống mục tiêu người dùng di động (Mobile User Objective System), gọi tắt là MUOS.
Nó có thể cung cấp các chùm năng lượng cao và dạng sóng tiềm năng có thể uốn cong, bao quanh đường cong của trái đất để giúp liên lạc thuận lợi, tín hiệu không bị chặn. Nó sẽ giúp khắc phục điểm yếu về liên lạc ở vùng cực.
2. Máy bay không người lái
Nhiệt độ thấp có thể gây đóng băng trên cánh máy bay. Để khắc phục, Canada và Nga hiện đang thử nghiệm mô hình máy bay có thể chịu đựng được mức nhiệt độ -30 độ F (-34,4 độ C) và gió lớn.
Năm 2014, Canada đã thử nghiệm một máy bay trực thăng không người lái trong cuộc tập trận diễn ra hồi tháng 8 tại Bắc Cực.
Còn người Nga, ngay trong năm nay đã thử nghiệm máy bay Orlan-10 dẫn động bằng cánh quạt để hoạt động tại khu vực này.
3. Tàu do thám thế hệ mới
Kể từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước, tàu hải quân Na Uy Marjata đã bắt đầu do thám Hạm đội Biển Bắc của Nga.
Và giờ đây Cơ quan tình báo Na Uy (NIC) đang có ý định mua một con tàu do thám thế hệ mới, giá khoảng 250 triệu $ và dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2016, đặt tên là Marjata.
Thế hệ Marjata mới này có khẩu độ lớn gấp hai lần so với thế hệ Marjata cũ, dài 413 feet (125,9 m), y trang một chiếc phà thương mại khổng lồ, trùm kín một vùng đất rộng, cho phép Na Uy thám hiểm sâu hơn vào vùng Bắc Cực.
4. Robot phát hiện tàu ngầm
Tháng 5/2015, tàu nghiên cứu Alliance của NATO đã đến vùng biển ngoài khơi Na Uy để thử nghiệm robot dùng cho mục đích săn tàu ngầm ở Bắc Cực.
Trong số các thiết bị đưa ra thử nghiệm gồm tàu lượn cấp năng lượng bởi chuyển động sóng và các robot dạng ngư lôi sử dụng sonar trên tàu để thu tín hiệu.
Theo nhóm nghiên cứu, các phiên bản robot tương lai sẽ là loại robot thả dây cảm biến phát hiện tàu (sonar) dùng một lần, gọi là sonobuoys, để tạo ra mạng lưới vô hình dưới nước.
5. Tàu ngầm tên lửa hạt nhân
Bắc Cực là vùng đất quan trọng, địa điểm ưa thích được Mỹ và Nga sử dụng để phóng tên lửa hạt nhân phục vụ cho nghiên cứu, cũng như trường hợp có chiến tranh xảy ra.
Theo SFI, khoảng cách ngắn nhất giữa các quốc gia NATO và Nga đều trong vòng Bắc Cực, đây là lý do tại sao Lầu Năm Góc lo ngại việc Nga di chuyển tàu ngầm cấp Borei mới với động cơ đẩy nước phản lực và thiết bị sonar tầm xa vào khu vực này hồi năm 2014 vừa qua.
Vài nét về Bắc Cực
Theo Wikipedia, Bắc Cực (Arctic) hay cực Bắc Trái Đất là điểm có vĩ độ bằng +90 độ trên Trái Đất (hay là điểm xuất phát tất cả kinh tuyến). Tại Bắc Cực mọi hướng đều là hướng Nam. Bao phủ là Bắc Băng Dương.
Điểm Cực Bắc nói trên là Cực Bắc địa lý, đây chỉ là điểm tưởng tượng và nó khác với cực từ Bắc của Trái Đất.
Cực từ Bắc là một điểm có thật tại Bathurst Island, Canada và cách 1600 km so với Cực Bắc địa lý.
Cực Bắc địa lý là điểm giao nhau giữa trục tự quay của Trái Đất và bề mặt Trái Đất ở Bắc Bán Cầu, được chọn làm mốc vĩ độ.