4 trận đánh B-52 để đời của sĩ quan điều khiển có "bàn tay vàng"

Đại tá Trần Danh Bảng - Bình Nguyên |

Qua các trận chiến đấu, được tiểu đoàn trưởng phát hiện là người trắc thủ "nhanh mắt, nhanh tay", chẳng bao lâu, Đức được chuyển lên "ghế sĩ quan điều khiển" khi mới là thượng sĩ.

Tổ quốc gọi, tôi sẵn sàng lên đường

Đang là học sinh lớp 10 Trường cấp III Gia Lộc, Hải Dương, Nguyễn Văn Đức khoác ba lô lên đường nhập ngũ (1965) và được biên chế về Tiểu đoàn tên lửa 77 với cương vị là trắc thủ phương vị.

Qua các trận chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn phát hiện anh là người trắc thủ "nhanh mắt, nhanh tay", chẳng bao lâu, Đức được chuyển lên "ghế sĩ quan điều khiển" khi mới là thượng sĩ.


Nguyễn Văn Đức - nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn tên lửa 77.

Nguyễn Văn Đức - nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn tên lửa 77.

Ở vị trí chủ chốt này trong tác chiến hiệp đồng toàn kíp chiến đấu không dễ dàng. Hiểu rõ vai trò là người ấn nút phóng đạn, là trung tâm hiệp đồng, nên Đức rất chú tâm học tập tại các đợt huấn luyện.

Sau khóa huấn luyện tại chức, chỉ trong 3 tháng Đức trở về Tiểu đoàn 77 của mình. Khi đó, không quân Mỹ liên tục các đợt tấn công ồ ạt vào đường 5, đường 1 Bắc giữa năm 1972.

Tại trận địa Chèm bên sông Hồng, Đức đã cùng anh em trong đơn vị nghiên cứu rất kỹ các đường bay, nhằm đánh chặn hiệu quả không quân Mỹ.

Trước tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn 77 đã luyện tập khá thành thục các thao tắc bắt, bám, tiêu diệt pháo đài bay B-52 trong nhiễu. Nhưng đó mới chỉ là lý thuyết.

Những trận đánh B-52 để đời

Gặp anh vào một ngày giữa tháng 12 mới đây, khi chúng tôi hỏi về những thách thức của kíp chiến đấu tên lửa. Nguyễn Văn Đức nói:

"Ngoài nhiễu các loại dày đặc, thì tên lửa chống radar cao tốc Sơ-rai là mối đe dọa thường trực với các kíp chiến đấu tên lửa SAM-2. Chúng chuyên lùng các đài điều khiển để bắn trả.

Đây là loại tên lửa nhỏ hơn máy bay nhiều lần, nó có tốc độ cao gấp mấy lần máy bay chiến thuật, phát hiện ra nó đã khó, chặn nó còn khó hơn.

Chúng tôi đã xáp mặt với sơ-rai nhiều lần. Khi sơ-rai bắn vào đài điều khiển của tiểu đoàn, sĩ quan điều khiển phải căng mắt, quyết liệt thao tác sử lý đúng. Chậm và non tay là bị nó lao vào phá tan tành trận địa".

Theo điều lệnh tác chiến, khi phát hiện tên lửa Mỹ, sĩ quan điều khiển phải báo cáo nhanh cho chỉ huy kíp bắn. Nhưng tốc độ của tên lửa rất cao, chờ lệnh thì thời cơ chặn nó sẽ mất.

Nguyễn Văn Đức đề xuất "Thấy sơ-rai, xin cho tôi được sử lý trực tiếp, báo cáo sau cho kịp thời cơ".

Được sự đồng ý, Đức kết hợp lệnh cho trắc thủ trong các bài bắn, mặt khác anh chăm chú phát hiện tên lửa địch. Nhiều lần máy bay chiến thuật Mỹ phóng sa-rai, khi đạn của tiểu đoàn đã phóng lên theo "quy trình" đánh trả.

Lúc này Đức đã nhanh chóng so sánh cự ly, tốc độ, dũng cảm giữ nguyên cánh sóng điều khiển đạn, tới cự ly sát thương "ăn chắc", anh mới quyết liệt tắt cao thế, quay phương vị "gạt" sơ-rai. Khiến tên lửa địch văng xa trận địa, nổ ở nơi không người, không có khí tài.

Nhiều trận Đức phát hiện ra tên lửa địch từ rất xa. Những chiến sĩ tên lửa phòng không hiểu rõ, đó là những giây phút nghẹt thở, xáp mặt với hy sinh, khi tên lửa địch lao thẳng vào đài điều khiển của mình.

Nhưng Đức và kíp trắc thủ, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn, đã nhiều lần can trường, quả cảm trước các tình huống cam go. Có trận sơ-rai bị "gạt", nổ phá khốc liệt, cách trung tâm trận địa chỉ 100-200m! Nguyễn văn Đức kể tiếp:

"Trong các đường bay của B-52 dự kiến đánh vào Hà Nội, chúng tôi nhận ra có đường bay hướng chính diện phải đối mặt. Nếu bám bắt chúng, là đánh "vỗ  mặt" luôn! Khi ta phát sóng, là lúc chúng phát hiện tâm đài.

Nếu khôn khéo chọn thời cơ phát sóng ở cự ly tối ưu, dù thời gian còn rất ngắn, chỉ dưới 10 giây, kíp chúng tôi nhờ thao tác thành thạo, hiệp đồng chặt chẽ nên đã không lỡ thời cơ phóng đạn".

Rút kinh nghiệm qua nhiều trận đánh máy bay chiến thuật như A6A, F-4, kíp chiến đấu của Đức đã thành thạo trong cách đánh "phương pháp 3 điểm" đánh theo dải nhiễu.

Nhưng khát khao bắn rơi máy bay tại chỗ, trên vành đai Hà Nội, luôn khắc khoải trong lòng mỗi người. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn của các anh luôn động viên mọi người hiến kế, tìm cách đánh hiệu quả nhất.


Kíp chiến đấu đầu tiên bắn bằng phương pháp Vượt nửa góc (từ phải sang): Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (tiểu đoàn trưởng), Nguyễn Văn Đức (sĩ quan điều khiển), Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà), Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly).

Kíp chiến đấu đầu tiên bắn bằng phương pháp Vượt nửa góc (từ phải sang): Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (tiểu đoàn trưởng), Nguyễn Văn Đức (sĩ quan điều khiển), Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà), Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly).

Đêm 18 tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn 77 cuốn vào guồng máy đánh trả tập kích đường không của Mỹ, cùng các lực lượng phòng không phía Bắc. Những trái đạn đầu tiên phóng lên không kết quả.

Nhưng qua thực chiến, Đức và kíp bắn nhận ra thủ đoạn gây nhiễu của không quân chiến lược Mỹ.

Trong trận đánh  4 giờ 39 phút, rạng sáng ngày 19-12 , theo các dữ liệu trinh sát, Đức đưa cánh sóng đài tên lửa SAM-2 về phương vị XX hướng đón đánh B-52. Nhiễu dày đặc, đục trắng màn hình.

Anh căng mắt phân biệt các loại nhiễu giao thoa "chằng chịt" trên màn hình trước mặt. Đặc biệt anh rất chú tâm vào diễn biến của hình nhiễu, độ đậm của nhiễu ở các cự ly khác nhau.

Quả nhiên, khi vệt nhiễu của máy bay chiến thuật vừa thoáng nhạt, sau đó nhiễu trong đội hình của tốp nghi là B-52 biến dạng.

Thời cơ đến, lệnh phát sóng. Rất nhanh Đức hiểu ý chỉ huy đón đánh ở cự ly này. Như cùng lúc, các trắc thủ đồng thanh hô: "Tiêu!". Nghe lệnh, chọn phương pháp bắn "kinh điển – đón nửa góc". Kíp bắn đã bám chắc mục tiêu.

Đức ấn nút lần lượt, tín hiệu đạn bay lên, 2 quả liền, khoảng cách đạn với mục tiêu ngắn dần, màn hình nhòe đi, mục tiêu bị tiêu diệt ở cự ly 23 km. Nó kéo theo vệt lửa dài rơi xuống xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội).

Sau này, Không quân Mỹ thừa nhận mất chiếc B-52D số hiệu 56-0608, của căn cứ U-Tapao, mật danh liên lạc "Rose 1".

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, phương pháp bắn "đón nửa góc" sẽ bám sát chính xác vào mục tiêu, đặc biệt bám tự động, khả năng đánh trúng rất cao. Tuy vậy, phương pháp này không phải đơn vị nào cũng dễ dàng áp dụng, phải có bản lĩnh vững vàng.


Uy danh của siêu pháo đài bay B-52 đã bị Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam hạ nhục.

Uy danh của "siêu pháo đài bay B-52" đã bị Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam hạ nhục.

Khi sử dụng radar đài điều khiển tung sóng bắt máy bay, nếu không nhanh tay, hiệp đồng ăn khớp dễ bị lộ trận địa. Lập tức trở thành mục tiêu để tên lửa sơ-rai tấn công lại.

Đêm 20 rạng ngày 21-12, Tiểu đoàn 77 dõi theo tốp B52 số hiệu 621 từ hướng tây - tây bắc xuống. Đài radar nhìn vòng P-12 phát hiện dải nhiễu B52 từ ngoài 50km như các đêm trước.

Tới cự ly 35 km, sau khi phát sóng chỉ ít giây, Đức và 3 trắc thủ cùng nhìn thấy tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh: “PS, phóng 2 đạn”. Hai quả đạn rời bệ phóng, quả trước cách quả sau 6 giây.

Tín hiệu đạn nổ chập vào tín hiệu mục tiêu. Ngoài trời lửa cháy ngùn ngụt. Đó là đám cháy của cheiecs B-52 phơi xác trên thửa ruộng mới cày của xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây. Chiếc B-52 thứ hai cũng bị đánh rơi tại chỗ trong đêm, xác nó rớt ở Phúc Yên, Vĩnh Phú.

19 giờ 41 phút đến 19 giờ 55 phút, trước đó, nhiều tốp B-52 giả bay vào khu vực hoả lực. Nhưng Đức và kíp trắc thủ nhanh chóng ấn nút phóng giả, nhận dạng B-52 trá hình, nên đơn vị không đánh nhầm, lại bảo toàn lực lượng.

Đây là một thành công lớn trong cuộc đấu trí với địch mà kíp trắc thủ 77 đã áp dụng nhiều lần thành công.

Sang ngày 27-12, Tiểu đoàn 77 tiếp tục bắn trúng một máy bay B52. Nó là chiếc thứ 4 mà tiểu đoàn đánh trúng. Nguyễn Văn Đức kể:

"Rất tin tưởng vào cách đánh chỉ phát sóng ở cự ly thích hợp, dù nhiễu rất nặng. Nhưng chúng tôi đã đánh vỗ mặt chúng, thắng bằng phương pháp bắn PS".

Đức không kể về 6 lần gạt sơ-rai, nhưng chúng tôi hiểu, các anh đã khôn khéo không bộc lộ sớm trận địa, khi tốp hộ tống rất đông , khi "bọn F-4" đang xăm soi đài điều khiển.

4 lần Đức quay anten, rồi phát sóng, bắt trúng mục tiêu ở cự ly đắc địa, ấn nút phóng, là 4 lần cả kíp đấu trí, quyết định nhanh chóng, sáng suốt trong xử lý tình huống.

"Thiên thời, địa lợi", tại trận địa ven sông Hồng huyền thoại này, Đức đã cùng đồng đội ở Tiểu đoàn 77 làm nên kỳ tích, đánh hoàn toàn bằng phương pháp PS (nhìn thấy mục tiêu, chuyển tự động bám sát). Chắc thắng!


Tiểu đoàn tên lửa 77 ngày nay vẫn đóng quân tại trận địa Chèm huyền thoại với vũ khí hiện đại.

Tiểu đoàn tên lửa 77 ngày nay vẫn đóng quân tại trận địa Chèm huyền thoại với vũ khí hiện đại.

Anh còn cho biết, sau ngày Mỹ ngừng ném bom theo Hiệp định Pa-ri, anh còn trực tiếp phóng 2 trái đạn, bắn vào tốp SR-71. Trận này anh bắt được mục tiêu ở cự ly khoảng 100km, nhưng tốc độ đạn SAM-2 còn thấp hơn, nên nó đã thoát chết!

Người sĩ quan điều khiển mang quân hàm thượng sĩ này, năm nay đã 68 tuổi. Sau khi đảm nhiệm chức Tham mưu phó Trung đoàn Cờ Đỏ, anh về nghỉ tại quê Huyện Gia Lộc (Hải Dương), vui vẻ với con cháu, vườn cây.

Anh bảo, nếu đất nước cần, tôi vẫn tiếp tục lên đường, chắc chắn giúp cho lớp trắc thủ trẻ những kinh nghiệm hay trong bảo vệ vùng trời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại