Điểm yếu "cốt tử" của B-52 đã bị bộ đội VN khai thác như thế nào?

Bạch Dương |

Tại Chiến dịch Trị - Thiên, bộ đội tên lửa Việt Nam đã nắm được quy luật về đường bay, quy mô tổ chức đánh phá, đội hình B-52 và máy bay tiêm kích, cường kích yểm trợ.

Xem phần một: Trước tháng 12-1972, đã có... 23 chiếc B-52 bị tên lửa VN bắn hạ?

Từ phát hiện điểm yếu "cốt tử"...

Ngoài các quy luật trên, sự phối hợp giữa B-52 với các loại máy bay gây nhiễu điễn tử EB-66, EC-121 trên các hướng không còn là điều bí mật. Đặc biệt hơn, điểm yếu "cốt tử" của B-52 trong điều kiện nhiễu điện tử phức tạp cũng đã bị phát hiện.

Khi B-52 bay vào, nhiễu điện tử tập trung đậm đặc ở phía trước. Khi B-52 bay ra, nhiễu nhẹ hơn, nhưng khi B-52 bay ngang hay bay chéo từ cự ly 32 km trở vào, thấy rõ tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng hoặc trên nền dải nhiễu.

Một vấn đề được đặt ra trong hội nghị: Tại sao chỉ thấy được tín hiệu B-52 khi chúng bay ngang hoặc bay vào ở cự ly 32 km, vận dụng xạ kích ra sao?

Vấn đề này được cố vấn Liên Xô giải thích: B-52 bay ở độ cao 8 - 12 km, ở ngoài cự ly 32 km, tâm cánh sóng nhiễu rọi thẳng vào đài điều khiển nên nhiễu trên các màn hiện sóng đậm đặc.

Khi B-52 cách đài điều khiển 32 km trở vào, tâm cánh sóng nhiễu nằm phía trên đài điều khiển. Tín hiệu phản xạ của B-52 tăng nhanh, tăng mạnh hơn so với sự biến thiên của dải nhiễu nên ta mạnh dạn phát sóng đúng thời cơ khi thấy tín hiệu mục tiêu trên nền dải nhiễu.


Các cố vấn quân sự Liên Xô cùng bộ đội tên lửa Việt Nam

Các cố vấn quân sự Liên Xô cùng bộ đội tên lửa Việt Nam

... cho đến cẩm nang "Cách đánh B-52"

Về mặt xạ kích: khí tài tên lửa Dvina (SAM-2) có ưu điểm cho phép chuyển đổi phương pháp điều khiển ba điểm (T/T) sang vượt trước nửa góc (ПC) trong quá trình bắn mà không ảnh hưởng đến quỹ đạo đạn.

Nếu đã thấy được tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu có thể xử lý: để nguyên phương pháp điều khiển ba điểm hoặc chuyển phương pháp vượt trước nửa góc.

Căn cứ điều kiện cụ thể tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu mà các trắc thủ vận dụng chế độ bám sát tự động, hỗn hợp hoặc bằng tay tùy theo trường hợp cụ thể trên màn hiện sóng, nhưng phải kiểm tra để đảm bảo bám sát chính xác vào một chiếc.

Nếu thấy tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu ở cự ly 32 km, cần tận dụng chuyển sang phương pháp điều khiển tốt nhất (ПC) để nâng cao hiệu suất bắn. Chế độ bám sát vận dụng sao cho có lợi nhất về xạ kích.

Về cách đánh: nếu thấy tín hiệu B-52, trong quá trình xạ kích có thể bắn bồi, bắn nhồi để nâng cao xác suất bắn rơi B-52 tại chỗ.

Cách phân biệt B-52 thật, B-52 giả: Kinh nghiệm được rút ra từ các đồng chí tiểu đoàn trưởng tên lửa và sĩ quan điều khiển trong Chiến dịch Trị - Thiên cho thấy:

Dải nhiễu B-52 thật thì đậm đặc, sáng mịn hơn so với các loại máy bay khác. Đặc biệt độ biến thiên về góc tà (Ɛɣ) và phương vị (βɣ) chuyển động rất ổn định kể cả khi ta phóng tên lửa giả, dải nhiễu B-52 ít thay đổi.

Đối với các tốp F-4 giả B-52, khi ta phóng giả (PПK) hoặc phóng tên lửa thật, lập tức chúng cơ động để tránh tên lửa, dải nhiễu của tốp F-4 thách thành nhiều dải.

Chính nhờ kinh nghiệm này, các kíp chiến đấu của ta đã nhanh chóng phân biệt chính xác các tốp B-52 thật để đánh đúng đối tượng, ít bị nhầm lẫn với B-52 giả hoặc F.


Đạn tên lửa V-750 của hệ thống phòng không SAM-2

Đạn tên lửa V-750 của hệ thống phòng không SAM-2

Tài liệu "Cách đánh B-52" còn vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý về mặt nghệ thuật trong sử dụng lực lượng, bố trí đội hình và chỉ huy đánh tập trung của bộ đội tên lửa đối phó với đợt tập kích lớn vào Hà Nội, Hải Phòng của không quân và hải quân địch năm 1967.

Những bài học không thành công của bộ đội tên lửa bảo vệ Hải Phòng do bị động, bất ngờ về nhiễu điện tử và thủ đoạn đánh phá của B-52 cũng như không quân địch trong đêm và ngày 16/4/1972 đã được đưa ra phân tích.

Khi biên soạn còn tham khảo những công trình nghiên cứu về nhiễu điện tử của Viện Nghiên cứu kỹ thuật Quân chủng cũng như Viện Nghiên cứu Bộ Quốc phòng, tài liệu khai thác từ hỏi cung giặc lái của Phòng Quân báo Quân chủng.

Tài liệu "Cách đánh B-52" được các đại biểu trong hội nghị nghiên cứu rất tỉ mỉ, cân nhắc từng nội dung rất cẩn thận. Trong thảo luận được bàn bạc sôi nổi và dân chủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc về tư tưởng, băn khoăn về nhiễu điện tử rất phức tạp của B-52 địch.

Nhiều câu hỏi được các đại biểu nêu ra: cách phân biệt B-52 thật và giả, các loại nhiễu của nhiều loại máy bay khác nhau, thời cơ phát sóng, đánh bồi, đánh nhồi, chọn bám sát dải nhiễu sao cho nhanh chóng và thích hợp.

Một số cán bộ có kinh nghiệm đánh B-52 của Bộ Tham mưu Quân chủng đã giải đáp bằng thực tiễn và có cơ sở khoa học nên các đại biểu dự hội nghị rất tin tưởng.

Kết thúc hội nghị, đồng chí Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri nói: "Tôi vừa gặp Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về. Tình hình hết sức khẩn trương, mọi vấn đề hãy tạm gác lại. Tập trung mọi nỗ lực để nâng cao trình độ đánh B-52 cho bộ đội.

Tôi mong các đồng chí khi đánh B-52 hãy tích cực phát sóng đúng thời cơ, vận dụng linh hoạt cách đánh, cách bám sát để đánh rơi B-52 tại chỗ".

Mọi người ra về rất phấn khởi và tin tưởng vào kết quả của hội nghị, mong muốn nhanh chóng truyền đạt những kinh nghiệm và kịp thời huấn luyện cho bộ đội thành thạo cách đánh B-52 theo tài liệu đã hướng dẫn.


Máy bay ném bom B-52G tại căn cứ Utapao trên đất Thái Lan

Máy bay ném bom B-52G tại căn cứ Utapao trên đất Thái Lan

Bộ Tham mưu Quân chủng đã hoàn thiện tài liệu "Cách đánh B-52" gửi cho các đơn vị, đồng thời tổ chức một bộ phận gồm các cán bộ tác huấn tên lửa, khoa học quân sự do đồng chí Vũ Xuân Vinh dẫn đầu.

Đoàn công tác trực tiếp xuống các sư đoàn phòng không, 361, 363, 365, phối hợp với cơ quan huấn luyện của các sư đoàn tổ chức luyện tập cho các kíp chiến đấu tên lửa thực hành cách đánh B-52, máy bay chiến thuật trong điều kiện chiến tranh điện tử phức tạp nhất.

Chưa bao giờ phong trào học tập đánh B-52 của bộ đội tên lửa lại sôi nổi và chất lượng cao như tháng 11/1972.

Đêm ngày 22/11/1972, vào lúc 21h48', B-52 vào đánh Nghệ An. Các chỉ huy của Trung đoàn tên lửa 263 đã chỉ thị mục tiêu cụ thể, giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 43 ở trận địa Nghi Lâm và Tiểu đoàn 44 ở trận địa Bảo Nham kịp thời phóng đạn bắn rơi B-52.

Xác chiếc B-52 rơi xuống Nakhon Phanom, Thái Lan, cách trận địa 200 km. Lần đầu tiên giới quân sự Mỹ đã phải thừa nhận: "Oanh tạc cơ B-52 đã bị tên lửa Bắc Việt Nam bắn hạ".

Đây là một chiến công có ý nghĩa to lớn về kết quả công tác nghiên cứu, nghệ thuật quân sự, công tác huấn luyện khoa học quân sự, củng cố lòng tin cho bộ đội tên lửa.

Thời gian này, "Cách đánh B-52" mới được khẳng định một cách khách quan, tên lửa của ta sẽ bắn rơi được B-52 tại chỗ.

Bộ Tham mưu Quân chủng đã cử một tổ gồm cán bộ các phòng, Khoa học quân sự, Tác huấn tên lửa, Quân báo vào Trung đoàn 263 để rút kinh nghiệm, bổ sung kịp thời vào tài liệu "Cách đánh B-52" cho bộ đội tên lửa trước khi bước vào cuộc đọ sức quyết liệt.

Chính nhờ những yếu tố trên mà bộ đội tên lửa Việt Nam đã đập tan cuộc tập kích bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ trong chiến dịch Linebacker II, lập nên trận "Điện Biên Phủ trên không" vô cùng oanh liệt, một lần nữa lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách "Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không 1965 - 2005".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại