Tàu ngầm TQ mang tên lửa hạt nhân ra biển "nắn gân" Mỹ?

Nhật Minh |

Trung Quốc được cho là đã thực hiện chuyến tuần tra răn đe hạt nhân trên biển đầu tiên bằng tàu ngầm.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, răn đe hạt nhân được xem là một cách kiềm chế hiệu quả để căng thẳng giữa khối Vác-sa-va và NATO không bùng nổ thành chiến tranh.

Sau khi Liên Xô tan rã, các quốc gia hạt nhân vẫn tiếp tục duy trì kho vũ khí tương đối lớn để những quốc gia thù địch khác không dám tấn công họ.

Một phần quan trọng trong việc xây dựng năng lực đáp trả hạt nhân đáng tin cậy là phát triển “bộ ba hạt nhân”.

“Bộ ba” này bao gồm các năng lực hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển để duy trì “khả năng tấn công thứ 2” (đáp trả) trong trường hợp đối phương tấn công phủ đầu.

Tàu ngầm và các phương tiện phóng cỡ nhỏ, di động trên bộ, được trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân và đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) là 2 thành tố quan trọng đối với khả năng tấn công thứ 2, do chúng rất khó bị phát hiện và tấn công.

Trung Quốc gần đây đã đạt được những cột mốc quan trọng liên quan đến cả 2 năng lực này.

Theo tạp chí IHS Jane’s, các quan chức quân đội Mỹ xác nhận rằng Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Jin (Type 094) tuần tra răn đe hạt nhân.

Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ như thế này.

Do quân đội Trung Quốc luôn giữ bí mật các thông tin nên vẫn chưa thể xác nhận liệu chiếc tàu ngầm này có thực sự trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay không.

Nếu có, đây sẽ là một bước tiến mới trong chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh. Trước đó, các thông tin cho biết đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc không được gắn lên tên lửa trong thời bình.

Tên lửa JL-2 trong lần phóng thử nghiệm
Tên lửa JL-2 trong lần phóng thử nghiệm

Loại tên lửa được Trung Quốc sử dụng lần này nhiều khả năng là JL-2 (CSS-NX-5), phiên bản phóng từ trên biển của tên lửa DF-31 (CSS-9). JL-2 có vẻ được phát triển từ năm 1983 và có tầm bắn tối đa từ 8.000 – 9.000km.

Ngoài ra, gần đây Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm một hệ thống tên lửa liên lục địa (ICBM) trên bộ. Theo tờ Washington Free Beacon, Quân đoàn Pháo binh số 2 đã phóng thành công tên lửa tầm xa DF-41 ngày 4/12 vừa qua.

Đây là cuộc thử nghiệm DF-41 thứ 2 trong năm nay và thứ 5 kể từ năm 2012. Cơ quan tình báo Mỹ đánh giá DF-41 có thể mang 3-10 đầu đạn.

DF-41 được cho là có tầm bắn từ 12.000 – 15.000km, có thể bao trùm nước Mỹ và phần lớn lãnh thổ Nga.

Báo cáo của Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung cho rằng DF-41 có thể đã được triển khai trong năm nay. Song, theo các chuyên gia quân sự độc lập, nhiều khả năng DF-41 được triển khai trong giai đoạn 2018 – 2020.

Theo nhà phân tích Zachary Keck của tạp chí National Interest, có rất nhiều lý do để lo lắng về tốc độ phát triển hạt nhân của Trung Quốc.

Trong khi chuyến tuần tra của tàu ngầm hạt nhân lớp Jin nhằm "răn đe" các quốc gia ven biển có vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Mỹ thì tên lửa DF-41 với các đầu đạn MIRV sẽ mang lại rắc rối lớn cho Nga.

Mặc dù đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng thông thường nhưng Moscow vẫn phải phụ thuộc vào kho vũ khí hạt nhân lớn để răn đe NATO và Trung Quốc, ngăn 2 phía này xâm phạm đến lợi ích của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại