Theo báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo, điều chuyển lính thủy đánh bộ tới Thái Bình Dương là một phần quan trọng trong chiến lược “tái cân bằng lực lượng” tại châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Số lính thủy đánh bộ được đưa tới Thái Bình Dương chiếm hơn 15% tổng quân số lực lượng này. Các chuyên gia quân sự cho biết lính thủy đánh bộ Mỹ là lực lượng được huấn luyện đặc biệt cho các cuộc chiến viễn chinh.
Chính phủ Mỹ thường điều động lính thủy đánh bộ tới xử lý các cuộc xung đột khu vực hay phối hợp với hải quân.
Các nhà phân tích cho biết sự có mặt của lính thủy đánh bộ sẽ giúp quân đội Mỹ rút ngắn đáng kể thời gian phản ứng khi các tình huống xung đột bất ngờ xảy ra tại châu Á - Thái Bình Dương.
Vũ khí chiến lược Mỹ tới gần Trung Quốc
Báo Mỹ Marine Corps Times dẫn lời các quan chức Mỹ khẳng định việc Trung Quốc bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông là nguyên nhân chủ yếu buộc Washington triển khai lính thủy đánh bộ tới Thái Bình Dương.
Các lý do khác là CHDCND Triều Tiên đẩy nhanh chương trình hạt nhân và quân đội Nga tăng cường hoạt động ở khu vực gần không phận Nhật.
Nguồn tin báo Hàn Quốc Munhwa Ilbo tiết lộ quân đội Mỹ đưa bốn loại vũ khí chiến lược đến Thái Bình Dương, gần Trung Quốc, trong tháng 10-2015.
Đó là các tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân, máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân. Chúng sẽ có mặt ở Hàn Quốc hoặc căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Guam.
Trên thực tế, quân đội Mỹ đã triển khai ba máy bay ném bom B-2 tới đảo Guam hồi tháng 8, và hai máy bay chiến đấu F-22 cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ đến Hàn Quốc trong tháng 10.
Ngoài mục tiêu kiềm chế những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, lực lượng Mỹ còn muốn sẵn sàng chuẩn bị phản ứng khi CHDCND Triều Tiên thực hiện vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư.
Trong khi đó, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ (USMC) cũng nỗ lực tăng cường hợp tác với quân đội các nước khu vực. Hồi tháng 5, USMC mời chỉ huy quân sự 23 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đến Hawaii để thảo luận kế hoạch phối hợp hoạt động các lực lượng đổ bộ.
USMC không mời Trung Quốc vì xác định Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh” với Mỹ và nhiều quốc gia tham dự sự kiện này.
Trung Quốc đóng tàu sân bay thứ hai
Trong thời gian qua, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông và việc nước này tăng cường quốc phòng ồ ạt.
Mới đây, tạp chí quốc phòng IHS Jane’s công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai. Các hình ảnh chụp ngày 22-9 cho thấy một thân tàu lớn tại xưởng tàu Đại Liên.
Đây là nơi từng hạ thủy tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Chính IHS Jane’s trước đó công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành đường băng dài 3.000m trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Minh Báo (Hong Kong), tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ hạ thủy vào ngày 26-12 tới nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.
Báo này khẳng định tàu sân bay mới sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019.
“Dựa trên những thông tin trước đó, tôi cho rằng thông tin của Minh Báo đáng tin cậy” - Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu Collin Koh Swee Lean của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định.
Trước đó, các quan chức Trung Quốc từng cho biết nước này muốn sở hữu ít nhất ba tàu sân bay. Ngoài ra, có tin Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu J-15 để hoạt động từ tàu sân bay.
Nhật tăng cường bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư
Theo báo Asahi Shimbun, Chính phủ Nhật bắt đầu xem xét lại các quy định của Lực lượng phòng vệ (SDF), từ vấn đề sử dụng vũ khí đến việc thực thi các sứ mệnh mới theo đạo luật an ninh mới được thông qua.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Nhật cho biết Tokyo cũng sẽ cân nhắc kế hoạch hành động chung với Mỹ để tăng cường phòng vệ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Tokyo đang xem xét triển khai quân, đào tạo và trang bị vũ khí cho lực lượng bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư.