Nhiều bạn đã trả lời, cỡ nòng 7,62mm của khẩu AK-47 khi quy về hệ đo lường Anh - Mỹ dùng inch để tính cỡ nòng thì với 1 inch bằng 25,4mm tức 7,62mm vừa tròn 0,3 inch, cái có vẻ rất lẻ đã thành chẵn.
Tất cả chúng ta đều biết, người Nga từ thời Mosin Nagant đến sau này như SKS, AK-47 đều dùng cỡ nòng 7,62mm tức 0,3 inch cho các loại súng quân dụng tiêu chuẩn của mình.
Nhưng tại sao họ lại dùng đơn vị đo lường của Anh - Mỹ để áp dụng vào súng của mình?
Vì thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở Anh đã khiến cho các máy cái từ Anh xuất khẩu đi khắp thế giới và đi cùng nó là hệ đo lường dùng inch ư? Không phải.
Nên nhớ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra tại Anh vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 nhưng các công xưởng vũ khí sản xuất theo kiểu phương Tây đã có ở Nga từ thời Pyotr Đại đế, tức là từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.
Sau khi lên ngôi Sa hoàng Pyotr Đại đế đã có hai năm thăm thú Tây Âu dưới cái tên giả "binh nhất Pyotr Mikhailovich", trong đó có Anh – nơi ông đã vào vai một thợ đóng tàu.
Ở đây ông đã học được nhiều điều và những cải cách sau này của ông đã thay đổi hoàn toàn nước Nga về nhiều lĩnh vực. Về mặt quân sự, ông không chỉ thành công gây dựng nên Hạm đội Nga mà còn mua sắm những loại vũ khí tiên tiến ở nước ngoài.
Đồng thời, ông khuyến khích các công xưởng trong nước phát triển chế tạo vũ khí mới, đóng tàu bè, đúc đại bác.
Vậy nếu nhìn nhận theo logic thì hệ đo lường dùng inch phải du nhập vào Nga từ thời Pyotr đại đế chứ không phải là sau này, thời Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.
Pyotr đại đế đã chuẩn hoá một đơn vị đo cổ của nước Nga là arshin (арши́н) vốn khác nhau tùy theo từng địa phương về bằng đúng 1 yard tức 28 inch, bằng 71,12cm.
Từ arshin, người Nga có dyuim (дюйм) bằng 1/28 arshin, tức bằng 1 inch hay 2,54cm hoặc 25,4mm, bằng 1/10 dyuim tức 1/280 yard là 1 liniya (ли́ния).
Như vậy, đến thời điểm đầu thế kỷ 18, người Nga đã có hệ đo lường riêng của mình được Nga hoá từ hệ đo lường của Anh.
Chính vì vậy chúng ta có thể kết luận thế này, cỡ nòng của khẩu AK-47 nói riêng và rất nhiều loại súng trường của nước Nga là 3 liniya tức 0,3 inch bằng 7,62mm.
Sau khi cân nhắc câu trả lời của các bạn, mặc dù chưa thật thỏa mãn hoàn toàn nhưng thể hiện các bạn rất am hiểu và sẵn lòng chia sẻ những gì mình biết. Chuyên mục Quân sự quyết định trao giải như sau:
Nếu như bạn đọc Bùi Xuân Vinh công phu hơn một chút về việc Nga chịu ảnh hưởng thế nào bởi máy móc và hệ đo lường Anh – Mỹ thì sẽ là một câu trả lời không chê vào đâu được và xứng đáng nhận nhuận bút cao hơn rất nhiều.
Dưới đây là câu trả lời của các bạn được trao giải:
Lã Xuân Linh (09h57, ngày 01-10-2015):
7.62mm là số lẻ nếu tính theo đơn vị mm nhưng nếu tính theo đơn vị inch thì nó bằng 0.3, tức là không lẻ tí nào. Nguồn gốc của việc này là do Đế quốc Nga mua máy móc sản xuất đạn từ phương Tây vốn sử dụng đơn vị inch.
Thế nên viên đạn sản xuất ra cũng phải tính theo inch. Đạn 7.62x54mmR vốn được Đế quốc Nga dùng từ thế kỷ 19 rồi dùng đến suốt tận bây giờ vì đường đạn rất tốt, chả việc gì phải thay.
Đến thời AK-47, người ta cần một cỡ đạn lai giữa tiêu liên và súng trường để đáp ứng yêu cầu cho một loại súng vừa có khả năng bắn liên thanh để xung phong, vừa chuẩn xác để bắn phát một từ khoảng cách 300m, thế là họ chỉ việc cắt ngắn đạn 7.62x54mmR đi cho tiết kiệm chi phí.
Tóm lại, AK có cỡ đạn lẻ là do viên đạn tiền nhiệm 7.62x54mmR cũng là cỡ đạn lẻ, và điều này là do Nga mua máy móc của phương Tây vốn dùng đơn vị inch.
Nếu để ý ta có thể thấy súng máy Browning 7.62 được gọi là .30cal tức là đạn cỡ 0.3 inch hay súng 12.7 M2 Browning được gọi là .50cal.
Bùi Xuân Vinh (10h25, ngày 01-10-2015):
Ngày nay, cỡ đạn, thường có số lẻ trong hệ đơn vị quốc tế (hệ SI). Tuy nhiên, nếu đặt trong hệ đo Anh Mỹ do 2 quốc gia này và một số nước chịu ảnh hưởng trong quá khứ, cỡ đạn, dây thép và đinh lại khá chẵn.
Đạn thường được nhà sản xuất phân loại theo “ca líp” (caliber). Thông số “ca líp” này thực ra đại diện cho cỡ đạn của viên đạn.
Một số cỡ đạn thông dụng tính theo “ca líp” bao gồm các cỡ .22, .25, .357, .38, .44, .45 ...
Trong đời sống, các cụm từ “súng trường cỡ 22”, “súng săn ca líp 12” rất hay được dùng trong các nước sử dụng hệ đo đếm Anh - Mỹ.
So sánh một số cỡ đạn thông dụng được sử dụng tại Hoa Kỳ. Đơn vị đo này thực tế là đường kính của viên đạn tính theo inch với mỗi inch bằng 25,4 mm.
Như vậy, cỡ đạn .22 tương đương với cỡ đạn 5,56 mm rất thông dụng trong quân đội Mỹ và NATO.
Trên thực tế, sau cách mạng công nghiệp lần đầu bùng phát ở Anh, các máy công cụ của Anh được xuất khẩu đi khắp các nơi trên thế giới, trong đó có cả các máy móc cơ khí với các thông số đo đạc được tính theo hệ Anh như inch, foot.
Do đó, các cỡ đạn 7,62 mm; 12,7 mm; cỡ pháo 76,2 mm; 127 mm tuy rất lẻ nếu tính theo hệ mét nhưng lại là chẵn theo hệ inch, tương đương 0,3 ; 0,5 ; 3 và 5 inch.
Các cụm từ đi kèm cỡ đạn như .357 Magnum, .44 Special biểu thị cho loại thuốc đạn được sử dụng trong viên đạn. Pháo AK-176 có cỡ nòng 76,2 mm hay 3 inch.
Khác một chút so với súng bắn đạn thông thường; các loại súng săn hay shotgun bắn đạn “hoa cải”, gồm nhiều viên bi chì trong một đầu đạn thì có cách đo cỡ nòng khác.
Các cỡ súng 12,14 hay 20 gauge tương đương với số viên chì có đường kính bằng nòng súng có tổng khối lượng bằng một bảng (0,454 kg).
Ví dụ, nòng súng cỡ 12 gauge (cỡ phổ biến nhất của nòng súng shotgun hiện nay như SPAS-12, Mossberg-500...) có nghĩa là 12 viên bi chì có đường kính bằng nòng súng sẽ có tổng khối lượng bằng 0,454 kg.
Làm một phép tính nhỏ có thể tính được đường kính nòng súng 12 gauge sẽ xấp xỉ bằng 18,5 mm.
Phạm Văn Tường (11h45, ngày 01-10-2015):
Thời kì đó, do sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng Anh nên người ta cũng hay sử dụng hệ đo lường của nước anh làm tiêu chuẩn. Theo quy đổi, 7.62mm tương đương với 0.3 inch.
Tuy nhiên sau này, hệ đo lường SI được chấp chận rộng rãi trên thế giới, cả Liên Xô trước kia và Nga ngày nay nên đã được đổi từ đơn vị inch sang hệ mét.
Cũng cần nói thêm đến những biến động lịch sử thời đó, một nước như liên xô, thì không thể sử dụng hệ đo lường của một nước tư bản chủ nghĩa.
Đồng thời, theo nghiên cứu thì cỡ đạn 7,62 có động năng tốt, tầm bắn hiệu quả mặc dù khá giật và cho độ chụm không tốt như cỡ đạn của súng trường tấn công như M16.
Người ta đã nghiên cứu, thử nghiệm và quyết định chọn cỡ đạn 7.62. Phải nói thêm, tư duy thiết kế hồi đó của Liên Xô thiên về sức mạnh hỏa lực.
Nếu hỏa lực được tăng cường nhưng vẫn nằm trong một giới hạn chính sác nào đó thì vẫn được chấp nhận.
Mong tiếp tục nhận được sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc trong các câu hỏi tiếp theo.
Trân trọng.