10 vũ khí thảm họa nhất lịch sử: Ý tưởng kỳ quái của Hitler

Dương Phạm |

(Soha.vn) - Trong số 10 vũ khí tồi tệ nhất lịch sử, không thể không kể đến dự án xe tăng siêu nặng Panzer VIII Maus của Đức và thiết giáp hạm Novgorod xấu xí nhất của Nga.

Phần 1: Súng trường M-16 Mỹ lọt top 10 vũ khí thảm họa nhất trong lịch sử

  1. 6. Ngư lôi Mark 14

  2. Thật khó tưởng tượng khi có thể thiết kế ra một ngư lôi tàu ngầm tồi tệ như Mark 14 của Trạm Ngư lôi Hải quân ở Newport (NTS), Rhode Island, Mỹ. Ngư lôi này thực chất đã hoạt động ở độ sâu hơn so với mức nó được thiết kế từ 3-3,7m, do sai sót trong bộ cảm biến đo chiều sâu. Mark 14 đã không phát nổ khi chạy qua sống tàu như khi ngòi nổ từ tính Mark 6 của nó được thử nghiệm ở vùng biển New England, nơi có từ tính rất khác so với vùng biển Nam Thái Bình Dương. Thậm chí ngay cả khi ngư lôi Mark 14 đánh trúng chiếc tàu, kết quả thường chỉ là một tiếng động lớn do ngòi nổ bị hỏng khi quả ngư lôi nặng gần 1.500kg đâm vào thân tàu bằng thép với tốc độ 85km/h.

  3. 7. Mìn hạt nhân Blue Peacock

  4. Bất kỳ vũ khí nào được trang bị đầu đạn hạt nhân cũng nằm trong danh sách ứng viên vũ khí tồi tệ nhất vì rủi ro khi sử dụng và sức mạnh giết người bừa bãi của chúng. Tuy nhiên, mìn hạt nhân Blue Peacock của Anh có thể coi như vũ khí hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.

  5. Các quả mìn hạt nhân Blue Peacock nặng 7,2 tấn chứa một lượng plutonium tạo ra sức nổ 10kT, được quân đội Anh chôn tại một số địa điểm trên đất Đức mà xe tăng Liên Xô có thể chạy qua. Nếu buộc phải rút lui, quân Anh sẽ rút tới một khoảng cách an toàn và từ đó kích nổ các quả mìn đó để làm chậm bước tiến quân Liên Xô. Nếu không, những quả mìn này có thể được cài chế độ hẹn giờ, tự động nổ trong 8 ngày.

  6. Trên lý thuyết, các quả mìn đó sẽ không chỉ thổi bay toàn bộ lực lượng Liên Xô mà còn để lại một vùng đất bị tàn phá bởi phóng xạ khiến con người không thể sinh sống được. Ít nhất đã có 1 quả mìn Blue Peacock được chế tạo cho đến khi Bộ quốc phòng nhận ra đó là một vũ khí tồi và quyết định dẹp bỏ.

  7. Những quả mìn được chôn đòi hỏi phải có một nguồn nhiệt độc lập để giữ cho các mạch điện không bị trục trặc bởi nhiệt độ mùa đông và từ đó đã dẫn tới 1 ý tưởng kỳ quặc là họ quyết định bố trí bao quanh quả bom một thùng chứa đặc biệt với nước, thức ăn và cả những chú gà, với mục đích là giữ ấm cho quả mìn bằng thân nhiệt của gà. Ước tính nhiệt lượng được tỏa ra từ thân nhiệt của gà vào khoảng 1.000 BTU/ngày.

  8. 8. Phòng tuyến Maginot

  9. Nhiều người Pháp cho rằng phòng tuyến Maginot đã hoạt động hoàn hảo trong suốt những ngày đầu Thế chiến II, chặn các tuyến đường xâm lược truyền thống vào Pháp và buộc người Đức phải tránh nó.

  10. Quân Pháp từng đạt thắng lợi nhờ chiến thuật đánh cầm cự trong thế chiến thứ nhất, do đó, phòng tuyến Maginot được thiết kế theo khuynh hướng chiến thuật này. Phòng tuyến Maginot là một hệ thống công sự tinh vi phức tạp với dày đặc chướng ngại vật và vũ khí. Tầng tầng lớp lớp các công sự sâu tới hơn 25km, được bảo vệ bởi pháo binh và nối với nhau bằng hệ thống hầm và đường sắt ngầm.

  11. Theo kế hoạch an ninh quốc gia của Pháp thì tường Maginot sẽ làm chậm bước tấn công của quân địch tạo đủ thời gian để lực lượng từ trung ương kéo ra, đồng thời buộc quân địch phải tấn công nước Bỉ trung lập nếu muốn kéo qua biên giới.

  12. Tuy nhiên, trên thực tế đây là một sai lầm lớn vì năm 1940 Đức vẫn tấn công Bỉ, chọc ngang sườn của tuyến Maginot và tiến sang dễ dàng.

  13. Rút cuộc thì người Pháp đã xây dựng một bức tường phòng thủ trong khi người Đức đầu tư cho tăng-thiết giáp và máy bay ném bom bổ nhào. Phòng tuyến Maginot đã khiến Pháp phải chi một khoản tiền khổng lồ là 3 tỷ franc mà đáng ra số tiền này sẽ mang lại hiệu quả hơn nếu đầu tư vào các lực lượng tăng thiết giáp và không quân.

  14. 9. Thiết giáp hạm Novgorod
  15. Như Vasa, tàu chiến Thụy Điển nổi tiếng mà năm 1628 đã bị lật úp và chìm chỉ sau khi ra khơi hơn 1,6km trong chuyến đi đầu tiên, thiết giáp hạm Novgorod của Nga đã có một khiếm khuyết chết người mà chỉ được nhận ra rõ ràng khi nó đi vào chiến đấu trên biển Đen trong chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ 1877-1878.

  16. Novgorod đã được gọi là tàu chiến xấu nhất từng được chế tạo với hình dáng tròn và cồng kềnh như một nồi súp nổi trên biển. Tàu có lượng giãn nước 2.500 tấn, động lực gồm 6 động cơ hơi nước. Với lớp thép dày khoảng 230mm, Novgorod được coi như "miễn dịch" với những cú va chạm. Giữa tàu, đặt trên tháp xoay là 2 khẩu pháo hải quân tự nạp đạn cỡ nòng 280mm, một khẩu pháo cỡ lớn vào thời bấy giờ. Tàu được thiết kế để hoạt động gần bờ với chức năng bắn phá các mục tiêu mặt đất.

  17. Không may, khi một trong hai khẩu pháo khai hỏa, con tàu bị xoay không kiểm soát theo hướng giật của pháo. Thậm chí khi pháo thủ bắn cả 2 khẩu cùng lúc thân tàu cũng bị mất ổn định nặng và mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho loạt bắn tiếp theo. Lý do được cho là sống chính của tàu được thiết kế không hợp lý, biện pháp khắc phục là gắn cho nó một mảng song song với những sống nhỏ phụ trợ nhưng biện pháp này cũng không giúp ích được nhiều. Cách khắc phục duy nhất là neo tàu tại chỗ khi bắn. Cuối cùng Novgorod được triển khai như một pháo đài nổi được neo cố định tại chỗ với khẩu pháo chính hướng ra phía biển.

  18. 10. Xe tăng Panzer VIII Maus
  19. Chỉ có Adolf Hitler mới cho rằng một chiếc xe tăng hầu như không thể di chuyển và lồ lộ như một mục tiêu có kích thước của một chiếc xe buýt trường học là một ý tưởng tốt. Tất cả các xe tăng là sự hài hòa giữa hỏa lực, vỏ giáp và tính cơ động, tuy nhiên, Hitler muốn hỏa lực được ưu tiên hàng đầu, còn tính cơ động là thứ kém quan trọng nhất.

  20. Chiếc xe tăng được trang bị lớp vỏ giáp dày đến mức đạn của đối phương khi bắn vào sẽ bị bật ra. Xe tăng được trang bị pháo chính 150mm, vận tốc chưa đầy 13km/h và nặng tới 207 tấn. Động cơ V-12 của Maus có dung tích 44,5 lít, công suất 1.200 mã lực.

  21. Maus có trọng lượng quá nặng đối với các cây cầu, nó chỉ có thể vượt qua các khúc sông cạn hoặc phải lội qua với ống thông hơi. Nhiệm vụ thứ 2 là rất nặng nề bởi khi thực hiện nó sẽ phải tắt động cơ và kết nối với 1 chiếc Maus khác trên bờ thông qua cáp điện để chạy động cơ.

  22. Một số người đã cho rằng Maus không phải để dành cho chiến đấu mà nó chỉ đơn giản là một công cụ tuyên truyền nhằm mục đích thúc thúc đẩy người lính tiến về phía trước gieo rắc nỗi sợ hãi cho quân thù.

  23. Cho tới khi chiến tranh kết thúc, mới chỉ có 2 nguyên mẫu xe tăng Maus được chế tạo, trong đó một chiếc không có tháp pháo và pháo.

  24. Vào cuối cuộc chiến, các mẫu Panzer VIII Maus đã chế tạo bị Hồng quân Liên Xô thu giữ. Hiện tại, một nguyên mẫu của siêu tăng Panzer VIII Maus được trưng bày tại bảo tàng xe tăng Kubinka ở Nga.

  25. Danh sách 10 loại vũ khí tồi tệ nhất trong lịch sử do trang mạng historynet.com (website chuyên giới thiệu các cuốn tạp chí lịch sử nổi tiếng). Tiêu chí đánh giá dựa vào: tính thiết thực, mức độ tiện lợi và hiệu quả chiến đấu.

  26. Số thứ tự trong bài viết không mang ý nghĩa xếp hạng.

  27.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại