Quan hệ Nga - phương Tây: Nguy cơ 'xung đột nóng' vẫn còn là ẩn số

Thu Hoài |

Bất chấp thông báo của Nga rút một số lực lượng khỏi biên giới với Ukraine, bầu không khí căng thẳng vẫn bao trùm. Nguy cơ một cuộc xung đột nóng vẫn tiềm ẩn trong khi các nỗ lực ngoại giao dường như chưa thỏa mãn được yêu cầu của các bên.

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng hôm qua (16/2) cáo buộc Nga gia tăng hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraine lên 7.000 quân dù trước đó đã thông báo rút một số lực lượng. Quan chức này đồng thời cảnh báo, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi ngoại giao trong những ngày tới, song cũng sẵn sàng phản ứng nhanh chóng và dứt khoát.

Quan hệ Nga - phương Tây: Nguy cơ xung đột nóng vẫn còn là ẩn số - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến cuối tuần này sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị an ninh Munich nhằm khẳng định cam kết của Mỹ với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tuyên bố hôm 15/2 của Nga rút một số lực lượng khỏi biên giới với Ukraine được đánh giá là bước quan trọng đầu tiên hướng tới giảm leo thang căng thẳng sau nhiều tuần khủng hoảng.

Tuy nhiên, phương Tây lại đón nhận thông tin một cách thận trọng và thậm chí là hoài nghi. Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một quốc gia NATO cũng chính là nhằm vào nước Mỹ:

"Mỹ luôn sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào. Chúng tôi sẵn sàng tham gia tiến trình ngoại giao với Nga, với các đồng minh và đối tác để cải thiện sự ổn định và an ninh nói chung ở châu Âu.

Nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng đáp trả một cách dứt khoát trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Ukraine. Đây là cách tiếp cận mà chúng tôi vẫn theo đuổi trong tất cả các sự kiện diễn ra những tuần, tháng gần đây và tiếp tục hiện nay".

Với lý do nguy cơ một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Nga nhằm vào Ukraine, NATO đã quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự lâu dài và lớn hơn ở sườn phía Đông, đặc biệt là những nước Baltic như Estonia, Latvia và Litva, từng là một phần của Liên Xô trước đây.

Một loạt các kịch bản nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như quản lý mối quan hệ với Nga cũng là nội dung cuộc họp hai ngày của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đang diễn ra tại Brussels (Bỉ).

Phản ứng trước những động thái của phương Tây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm qua một lần nữa khẳng định, Nga mong muốn giải quyết những vấn đề an ninh bằng các biện pháp ngoại giao và sẵn sàng thảo luận về các sáng kiến từ Mỹ và NATO nhưng phải trên cơ sở thực chất, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau:

"Nga muốn các cuộc trao đổi thực chất, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về các đảm bảo an ninh. Mối quan tâm của tất cả các bên cần được xem xét trên nguyên tắc có qua có lại. Đây cũng là điều đã được cả Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhiều lần nhắc đến".

Theo ông James Stavridis, cựu chỉ huy các lực lượng NATO ở châu Âu, hai nguy cơ đặt ra đối với an ninh châu Âu lúc này là viễn cảnh leo thang "chiến tranh mạng" và khả năng leo thang ngoài ý muốn ở Biển Đen, nơi Ukraine triển khai một hạm đội hải quân, cùng với các lực lượng hải quân của Nga và NATO./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại