Diễn biến Syria những ngày qua vô cùng căng thẳng với chiều hướng xấu đối với Damascus. Sau các hành động bất thường của liên quân do Mỹ đứng đầu, nay tới lượt Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu can dự đẩy Quân đội Syria vào tình thế bất lợi.
"Tứ bề thọ địch"
Theo một nguồn tin quân sự ở Aleppo, Quân đội Syria buộc phải tăng cường lực lượng quanh Tal Rifa’at sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip tuyên bố phải lấy lại thị trấn này từ Lực lượng Bảo vệ người Kurd (YPG).
Cũng theo nguồn tin trên, Bộ Tư lệnh Quân đội Syria quyết tâm không để Thổ Nhĩ Kỳ lấy được thị trấn nằm trên đỉnh đồi này bởi lẽ, nếu giành được Tal Rifa’at sẽ là cơ hội cho người Thổ tiến vào căn cứ không quân Mennagh.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây chiếm được vùng Afrin thuộc tây bắc Aleppo. Tuy nhiên, cho tới nay họ vẫn chưa thể tiến quân tới Tal Rifa’at do liên quân Nga – Syria hiện đóng quân ở thị trấn gần đó là Deir Jamal.
Ảnh minh họa.
Ngoài việc phải đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, Quân đội Syria đang còn nỗi lo cánh cánh trước các động thái chuẩn bị cho một cuộc tấn công từ liên quân do Mỹ đứng đầu.
Hôm 8/9, tàu ngầm hạt nhân HMS Talent trang bị tên lửa Tomahawk của Hải quân Anh đã đi vào Eo biển Gibraltar. Đây là nơi kết nối tuyến đường từ Bắc Đại Tây Dương đến Địa Trung Hải tiếp giáp Syria.
Dù Hải quân Anh chưa công bố bất kỳ thông tin nào về các mục tiêu của HMS Talent trên Địa Trung Hải. Tuy nhiên, khả năng cao HMS Talent tới đây nhằm phối hợp với các tàu chiến Mỹ thực hiện một kế hoạch nào đó đối với Syria.
Trước đó, tàu ngầm USS Newport News lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ đã rời cảng Gibraltar tiến về phía Đông Địa Trung Hải, gia nhập đội hình với 3 tàu ngầm hạt nhân khác cùng 3 tàu khu trục, gồm: USS Carney, USS Ross và USS Winston S. Churchill.
Sự có mặt của đội tàu chiến "khủng" trên Địa Trung Hải và một số vùng biển khác như Biển Đỏ và Vịnh Péc-Xích cho thấy nguy cơ cao nổ ra cuộc không kích Syria lần hai trong năm nay.
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa.
Không dừng lại ở đó, Quân đội Syria còn đang vướng phải cuộc chiến với phiến quân ở tỉnh Idlib. Dẫu cho được Không quân Nga hỗ trợ "nhiệt tình", thực hiện các đòn tấn công dữ dội, không ngừng nghỉ thế nhưng chiến sự tại đây vẫn chưa ngã ngũ.
Diễn biến những ngày qua xem ra liên quân Nga – Syria khó lòng "chốt hạ" được Idlib trong thời gian ngắn. Bởi lẽ chắc chắc các chiến binh phiến quân sẽ cố gắng "tử thủ" tới cùng chờ "tiếp ứng" từ bên ngoài.
Quả thật, nếu không thể "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn" phiến quân ở Idlib, Quân đội Syria sẽ gặp vô vàn khó khăn khi bị tấn công từ nhiều hướng.
Không thể đứng vững?
Ngay cả một quân đội chưa sứt mẻ, bị giáp công tứ phía dù không bị đánh bại thì cũng thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, Quân đội Syria sau nhiều năm nội chiến tổn hại lớn về mặt con người, trang bị.
Thực tế, Damascus và Moscow đã thấy được thực trạng này và người Nga nỗ lực lớn để "hiện đại hóa" Quân đội Syria bằng việc cung cấp thêm xe tăng chủ lực hiện đại, nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không.
Tuy nhiên, các nỗ lực này chỉ dừng lại ở chừng mực nào đó. Binh sĩ Nga không thể chiến đấu thay hoàn toàn Syria trên mọi mặt trận. Quyết định thành bại trên chiến trường vẫn là các binh sĩ Syria.
Có thể trong cuộc chiến với tên lửa Tomahawk, phòng không Syria phối hợp với Quân đội Nga vô hiệu hóa một phần "sứ giả chiến tranh", giảm tối đa có thể mức độ thiệt hại do Tomahawk gây ra.
Thế nhưng, lực lượng quân sự Syria chiến đấu ở Idlib và đối đầu với quân Thổ Nhĩ Kỳ liệu có thể đứng vững? Trong trường hợp bị đẩy lùi ở Idlib và thất bại trước Quân đội Thổ Nhì Kỳ, Damascus sẽ phải làm lại từ đầu, và có gì đảm bảo rằng Mỹ và đồng minh không tiếp tục can thiệp bằng Tomahawk?
Quân đội Syria phô diễn vũ khí hiện đại trong một cuộc tập trận quy mô lớn