Trong tuần qua, tình hình tại Syria nóng lên nhanh chóng với khởi đầu là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng một lần nữa sử dụng vũ lực với Syria với lý do Damascus tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân tại thủ phủ của phiến quân Idlib.
Thông điệp này sau đó được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và mới nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh.
Dường như Mỹ và đồng minh NATO đang có động thái mạnh mẽ chống lại việc Damascus và đồng minh mở chiến dịch quân sự then chốt vào Syria. Và đều cần chờ đợi sẽ chỉ là một cái cớ.
Tuy nhiên, cần thấy rõ rằng, chiến cục tại Syria hiện tại cơ bản đã được định đoạt. Việc Mỹ và đồng minh NATO dù có tiến hành không kích cũng không thay đổi được cục diện cuộc chiến. Phải chăng Mỹ và đồng minh đang sử dụng con bài đe dọa không kích vì mục đích khác?
Bổn cũ liệu có được soạn lại
Cái cớ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân được sử dụng làm lý do Mỹ và đồng minh không kích quốc gia Cận Đông này không phải được sử dụng lần đầu.
Trước đây, 2 lần cái cớ này đã được sử dụng để Mỹ và liên quân tập kích đường không nhằm vào căn cứ không quân Sharyat và các cơ sở nghiên cứu quân sự của Syria hồi năm 2017 và đầu năm 2018.
59 quả tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ đã bắn vào căn cứ không quân Sharyat, Syria năm 2017.
Có một điều đáng ngạc nhiên là, kịch bản Syria sử dụng vũ khí hóa học thường được sử dụng vào những thời điểm lực lượng chính phủ Damascus chuẩn bị cho những chiến dịch quân sự lớn hoặc giành được những lợi thế quan trọng trên chiến trường.
Thậm chí, điều này đã tạo hoài nghi cho không chỉ các chuyên gia quân sự, mà thậm chí là cả công dân Mỹ và phương Tây.
Và kịch bản tấn công vũ khí hóa học dường như đang một lần nữa chuẩn bị được dàn dựng khi Syria và đồng minh chuẩn bị mở chiến dịch quân sự then chốt ở Idlib.
Ngay từ cuối tháng 4-2018, ngay sau đợt không kích của Mỹ và liên quân, Bộ Quốc phòng Nga và Syria đã cảnh báo về kịch bản một vụ tấn công vũ khí hóa học nhằm vào thường dân ở Al Shaghour, Idlib để tiếp tục tạo cớ cho Mỹ và đồng minh không kích.
Tuyên bố trên tiếp tục được Nga và Syria lặp vào đầu tháng 9-2018 với tuyên bố, nhiều "chuyên gia nói tiếng Anh" đã có mặt ở Idlib và chuẩn bị cho kịch bản tấn công bằng vũ khí hóa học.
Một tuyên bố chấn động mới nhất là tuyên bố của Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Black được tờ Independent đăng tải ngày 9-9 về việc cơ quan tình báo Anh MI6 đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vũ khí hóa học nhằm vào thường dân để đổ lỗi cho Damascus.
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình tấn công Syria.
"Khoảng 4 tuần trước, chúng tôi đã có thông tin về việc tình báo Anh đang chuẩn bị một vụ tấn công hóa học ở Syria để đổ lỗi cho lực lượng chính phủ. Họ đang nỗ lực để tình hình Syria tiếp tục bất ổn", ông Richard Black cho biết.
Sâu chuỗi các sự kiện trên với việc các quốc gia NATO đồng loạt tuyên bố sẵn sàng không kích Syria nếu vũ khí hóa học được sử dụng chống lại thường dân. Mục đích thực sự của Mỹ và NATO khi năm lần, bảy lượt muốn can thiệp quân sự vào Syria?
Phải chăng đó là những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu lấy những phe phái đối lập ở Syria Mỹ và phương Tây đã hao tiền, tốn của đào tạo và dựng lên; buộc Damascus phải có những nhượng bộ thời hậu chiến?
Hay một lý do cụ thể hơn là giải thoát cho những chuyên gia quân sự, tình báo còn kẹt còn kẹt lại trong vùng chiến sự trước khi chiến dịch giải phóng Idlib diễn ra? Mới đây, nhiều quan chức quân sự Nga và Syria tuyên bố, trong Idlib có tới 200 chuyên gia quân sự, tình báo nước ngoài còn kẹt lại.
Số phận của những "chuyên gia nói tiếng Anh" này sẽ ra sao nếu Idlib được Syria và đồng minh giải phóng chắc cũng không cần phải giải thích. Nó sẽ phơi bày cái gọi là tiêu chuẩn kép của Mỹ và phương Tây. Điều mà Mỹ và NATO không hề mong muốn…
Sẵn sàng tham chiến hay chỉ tuyên bố lấy lệ
Xét về năng lực quân sự thực tế, có lẽ chỉ có Mỹ mới có đủ lực lượng và nguồn lực hiện có ở Cận Đông để có thể mở thêm một chiến dịch không kích Syria. Những quốc gia NATO như Anh, Pháp và Đức chỉ có những đóng góp rất hạn chế, thậm chí là không đáng kể.
Với thế trận Syria và các đồng minh, trong đó có Nga, bày sẵn, kịch bản không kích cường độ lớn kéo dài của Mỹ và đồng minh tương tự như đã làm ở Lybia là không thể xảy ra.
Sẽ vẫn chỉ là đòn tấn công chớp nhoáng nhưng ồ ạt bằng tên lửa hành trình tầm xa phóng từ chiến hạm, tàu ngầm và máy bay quân sự.
Tiêm kích EF-2000 Typhoon của KQ Đức trang bị tên lửa hành trình Taurus.
"Cuộc chơi" tốn kém như vậy sẽ là gánh nặng kể cả đối với Mỹ và phương Tây nếu kéo dài. Mặt khác, những đòn tấn công bằng tên lửa hành trình trong quá khứ đã từng chứng minh không đạt được hiệu quả đánh gục năng lực quân sự của Syria.
Ngoài ra, việc tham chiến còn có thể bộc lộ những điểm yếu về khí tài quân sự, khả năng tác chiến của NATO cho Nga.
Việc tên lửa "mới, đẹp và thông minh" rơi vào tay Nga trong đợt không kích ngày 14-4 hay chiến hạm Pháp không thể phóng tên lửa và buộc phải dùng phương án thay thế chính là minh chứng rõ ràng nhất.
Với quốc gia mới nhất muốn tham gia "cuộc chơi tốn kém" ở Syria là Đức, thì các đơn vị không quân tiêm kích EF-2000 Typhoon hoặc máy bay Tornado già cỗi trang bị tên lửa hành trình Taurus liệu có mang lại hiệu quả tác chiến cao hơn!
Có nhiều lý do để nhận định, những tuyên bố cứng rắn mới đây của nhiều quốc gia NATO dọa không kích Syria chỉ là lấy lệ và chiều lòng Mỹ.
Những cái đầu nóng NATO có thể sẽ sớm nguội lạnh khi Mỹ xuống thang. Và tình thế ở Syria hiện tại, việc Mỹ xuống thang sẽ chỉ là việc ngày một, ngày hai…
Tên lửa phòng không Syria đánh trả tên lửa Israel.