Nằm ở mũi bán đảo Malaysia, Singapore không có chiều sâu chiến lược và sống trong môi trường đầy thách thức của khu vực.
Do vậy, xây dựng một quân đội hùng mạnh, làm nền tảng cho việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền cũng như tạo môi trường chính trị ổn định để góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững luôn là chiến lược nhất quán, lâu dài của các thế hệ lãnh đạo Singapore.
Giới lãnh đạo Singapore đã tích cực, chủ động tham gia hợp tác quốc phòng với nhiều nước như Australia, Ấn Độ, Israel và Mỹ. Quốc gia này luôn nỗ lực để đảm bảo rằng việc mua sắm quân sự có lợi cho ngành sản xuất trong nước và giúp thúc đẩy ngành công nghệ cao trong nước phát triển.
Năm 2015, ngân sách quốc phòng của Singapore tăng 5,7% lên 9,5 tỷ USD, tương đương 3,3% GDP của nước này (trước đó là 3,2%). Đây là mức tăng lần đầu tiên kể từ năm 2009 và cũng là quốc gia có ngân sách quốc phòng tương đối lớn trong các nước thuộc khối ASEAN.
Tàu hộ vệ lớp Formidable số hiệu 72 của Hải quân Singapore do Pháp chế tạo
Hải quân
Nằm ở vị trí then chốt về hàng hải ở cuối phía nam của eo biển Malacca, Singapore như là một quan ải trấn ngay mũi cuối của eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, nên hải quân Singapore có vai trò đặc biệt quan trọng.
Trang bị chủ yếu của Hải quân Singapore gồm tàu hộ vệ lớp Formidable do Pháp chế tạo, 6 tàu săn ngầm lớp Victory do Đức sản xuất, 12 tàu hộ vệ lớp Fearless do Singapore tự sản xuất, 4 tàu đổ bộ lớp Endurance, 4 tàu ngầm lớp Sjöormen do Thụy Điển sản xuất và một số tàu tên lửa cao tốc Seawolf.
Ngoài ra, ngày 02/12/2013 Singapore tuyên bố, mua từ Đức 2 tàu ngầm động cơ thông thường AIP kiểu 218SG. Nếu chỉ xem xét về mặt chất lượng trang bị thấy rằng Hải quân Singapore là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tàu hộ vệ lớp Fomidable là tàu chiến đấu mặt nước chủ lực của Singapore, được cải tiến từ tàu hộ vệ lớp La Fayette của Pháp, tổng cộng có 6 chiếc.
Lượng giãn nước lớn nhất của tàu hộ vệ lớp Fomidable là 3.200 tấn, là tàu hộ vệ hạng trung, được trang bị tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, tên lửa phòng không MBDA Aster-15/30, Ngư lôi Mod.3 và một pháo bắn nhanh SuperMicro 76mm.
Những chiếc tàu này cũng có sàn đáp cho cho trực thăng hỗ trợ Sikorsky S-70B. Tàu được trang bị hệ thống điện tử hiện đại của các nước phương Tây như radar giám sát biển Thales Herakles, radar điều khiển hỏa lực STING EO Mk.2, radar dẫn đường Terma SCANTER 2001. Đây là loại tàu có năng lực phòng không khu vực thực sự trong khu vực Đông Nam Á.
Cùng với những trang bị tàu chiến hiện đại, hải quân Singapore tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó chú trọng hợp tác với hải quân Mỹ.
Theo một hiệp định đã được ký kết giữa Mỹ và Singapore, các tàu chiến Mỹ và máy bay của không quân hải quân Mỹ được phép cập cảng tiếp liệu ở những căn cứ hải quân và không quân của Singapore, trong đó căn cứ Changi là nơi máy bay tuần tra biển của Hải quân Mỹ P-8A Poseidon thường xuyên đồn trú.
Tiêm kích F-15SG.
Không quân
Không quân Cộng hòa Singapore (RSAF) là một trong những lực lượng tiên tiến nhất trong khu vực, được trang bị hiện đại. Nhiệm vụ cốt lõi của RSAF là phòng không, chiếm ưu thế trên không và khả năng ngăn chặn thông thường. Đội máy bay chiến đấu bao gồm 30 máy bay chiến đấu F-16C/D Block-50/52, 15 chiếc F-5E/F Tiger-II và 24 chiếc F15SG Eagle.
Singapore là một trong những Thành viên hợp tác An ninh (SCP) trong chương trình F-35A/B/C của Mỹ; mặc dù Singapore vẫn chưa chính thức đặt hàng loại máy bay tối tân này. Trong khi chờ đợi quyết định mua sắm F-35A/B/C; Singapore đang hiện đại hóa phi đội F-16C/D hiện có để có thể đủ sức đối phó khi có tình huống xảy ra.
Mặc dù là một quốc gia có diện tích nhỏ hẹp, nhưng Singapore cũng xây dựng một đội máy bay vận tải quân sự hùng hậu gồm 5 chiếc máy bay vận tải quân sự hạng trung C-130H Hercules. Chưa dừng lại ở đó, Singapore tiếp tục đặt mua máy bay vận tải A-400M Grizzly của Airbus Military hoặc C-17 Globemaster-3 do hãng Boeing chế tạo để lấp đầy khoảng trống này.
Để đảm bảo cân bằng sức mạnh trong khu vực khi các nước làng giềng tăng cường mua sắm tàu ngầm mới, Singapore đang có ý định thay thế 9 máy bay tuần tra hải quân Fokker 50 bằng các dòng máy bay ATR-42MP (hãng Alenia), P-8A Poseidon (Hãng Boeing) và Q400 Bombardier (công ty Israel Aerospace Industries/Elta Systems) để thay thế.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng chưa được đảo quốc này công bố.
Singapore cũng là quốc gia duy nhất trong ASEAN hiện nay có đội máy bay tiếp dầu. RSAF đang vận hành bốn máy bay tiếp dầu KC-135R, một chiếc KC-130H và bốn chiếc KC-130B. Singapore cũng vừa đưa vào trang bị máy bay tiếp dầu đầu tiên trong lô 6 chiếc A-330-200 của công ty Airbus Military.
Về phi đội máy bay trực thăng, không quân Singapore hiện có 32 chiếc máy bay trực thăng AS-332/532 Super Puma /Cougar. Tuy nhiên sau 30 năm khai thác, RSAF thông báo họ sẽ được thay thế trong vòng một thập kỷ tới bằng những chiếc máy bay vận tải đổ bộ cánh quạt xoay hướng MV-22 Osprey của Mỹ.
Đây là loại máy bay rất phù hợp với một quốc gia như Singapore như chuyển quân, bay cứu trợ thảm họa, di tản y tế tới bất kỳ địa điểm nào trong nước hoặc các khu vực ngay lập tức. Cung cấp cho RSAF tính linh hoạt và khả năng tuyệt vời, tăng cường khả năng tiếp cận nhanh chóng bất kỳ hòn đảo nào của quốc đảo này.
RSAF cũng có 16 máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Chinook CH-47SD của Boeing, và phi đội trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow.
Hiện nay RSAF đang sử dụng nhiều các phương tiện máy bay không người lái trên không bao gồm Elbit Systems Hermes-450, được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2015 và có thể bay liên tục tới 14 giờ, IAI Heron-1 tiền thân của chiếc Hermes-450.
Chiến đấu cơ Singapore nhào lộn trên không
Lục quân
Lục quân Singapore là một trong những lực lượng được trang bị tốt nhất và tinh nhuệ nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đã phát triển thành một lực lượng có khả năng thực hiện một loạt các hoạt động.
Israel đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Singapore thành lập quân đội của mình, dấu ấn của sự hợp tác sớm này vẫn có thể nhìn thấy, cả về quan hệ quốc phòng song phương và học thuyết.
Mặc dù là một quốc gia nhỏ hẹp, dân số không đông, nhưng quân đội Singapore sở hữu trong biên chế 200 chiếc xe tăng chủ lực, 2200 xe chiến đấu bộ binh (cả bánh xích và bánh hơi), 50 khẩu pháo tự hành, 250 hệ thống pháo xe kéo và nhiều hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS).
Chìa khóa của sự ổn định
Singapore, tự hào là một trong những quân đội tiên tiến nhất trong khu vực, nhưng hiện tại đang phải đối mặt với những mối đe dọa phi truyền thống như khủng bố, di dân, buôn lậu, cướp biển và một kịch bản khu vực ngày càng phức tạp; vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy...
Tất cả những điều đó đã tác động đến những chính sách quốc phòng của Singapore nói riêng và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Tuy nhiên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhà lãnh đạo Singapore luôn ưu tiên xây dựng quân đội hùng mạnh như một chìa khóa cho sự sống còn, ổn định, thịnh vượng và sự gắn kết của dân tộc.