Một thời gian dài không bị chiến tranh nhưng với chủ trương phải tự bảo vệ mình mà không dựa vào các nước khác, qua cuộc trưng cầu dân ý, các cử tri của nước Thụy Sĩ trung lập đã chuẩn thuận chi tiền mua tiêm kích mới nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh quốc gia.
Không quân Thụy Sĩ hiện có trong trang bị 34 máy bay chiến đấu F/A-18C một chỗ ngồi và F/A-18D Hornet hai chỗ ngồi, 53 chiếc F-5 Tiger II, được mua vào những năm 1990, sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2030.
Giới chức nước này muốn mua các máy bay chiến đấu mới trong số các ứng cử viên Eurofighter của Airbus, Rafale của Dassault, F/A-18 Super Hornet của Boeing, và F-35A Joint Strike Fighter của Lockheed Martin; mua chiếc đầu tiên vào năm 2025 và đủ để loại biên tất cả các máy bay cũ trước năm 2030.
Máy bay chiến đấu rất đắt đỏ và ngay cả nước Thụy Sĩ giàu có cũng không giữ chúng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu 24/7. Không quân Thụy Sĩ làm việc theo giờ hành chính vào các ngày trong tuần và nghỉ vào cuối tuần.
Thụy Sĩ đã có thỏa thuận với không quân các nước láng giềng để cho phép họ vào không phận Thụy Sĩ trong trường hợp khẩn cấp. Năm 2014, nhiều chính trị gia đã chỉ trích Không quân Thụy Sĩ sau khi các máy bay chiến đấu từ các nước láng giềng Pháp và Ý hộ tống 1 máy bay của Ethiopian Airlines bị cướp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Geneva.
Trong bối cảnh các máy bay chiến đấu hiện có trong biên chế đã gần hết thời hạn sử dụng, ngày 19/12/2019, Quốc hội Thụy Sĩ đã phê chuẩn kế hoạch chi 6 tỷ Franc Thụy Sĩ (tương đương 6,5 tỷ USD) để mua 30 máy bay tiêm kích mới nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, có đủ 50.000 chữ ký của cử tri theo luật định, các nhóm cánh tả ở nước này đã đạt được ý nguyện tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc mua máy bay chiến đấu mới, diễn ra vào ngày 27/9/2020.