Mỹ đang tụt hậu so với Nga
Hiện tại, Nga được công nhận là quốc gia đi đầu trong việc phát triển vũ khí siêu thanh. Chính các chuyên gia Mỹ cũng thừa nhận rằng nước này vẫn đang tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh.
Ví dụ, Nga đã phát triển tên lửa siêu thanh Avangard, mà theo Tổng thống Putin, có khả năng xuyên phá các hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất. Một tên lửa siêu thanh di chuyển với tốc độ hơn Mach 20, có khả năng tấn công bất kỳ điểm nào trên hành tinh.
Về phần Mỹ, cho đến nay, nước này chưa sở hữu vũ khí như vậy, tuy nhiên, việc phát triển của nó đang được ráo riết tiến hành. Lúc đầu, Tổng thống Trump tuyên bố về "siêu vũ khí có thể bay nhanh hơn 17 lần so với tất cả các tên lửa hiện có".
Sau đó, có thông tin về việc thử nghiệm một nguyên mẫu tên lửa siêu nhanh vào tháng 3/2020. Công việc tương tự về vũ khí siêu thanh cũng đang được thực hiện tại Trung Quốc, quốc gia này cũng hy vọng có được tên lửa siêu thanh của riêng mình.
Cơ sở chính trị cho việc chế tạo và triển khai tên lửa siêu thanh từ lâu đã chín muồi - các thỏa thuận quốc tế được ký kết trong quá khứ theo xu thế "giải trừ quân bị", hết cái này đến cái khác, đang bị chấm dứt hiệu lực, đồng nghĩa với việc các rào cản chính thức đối với một cuộc chạy đua vũ trang mới cũng bị xóa bỏ.
Mỗi quốc gia tham gia cuộc đua đều hiểu rằng việc thiếu vũ khí siêu thanh khiến họ dễ bị tổn thương nhất có thể. Do đó, không chỉ Mỹ, Nga và Trung Quốc, mà cả Pháp, Nhật Bản (và Đức) cũng tham gia vào việc chế tạo vũ khí siêu thanh.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, không phải tất cả các quốc gia được liệt kê đã thực sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh. Đặc biệt, quan điểm này được chuyên gia quân sự người Pháp Emmanuelle Maitr thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược chia sẻ.
Tên lửa siêu thanh có khả năng tấn công nhanh bất kỳ điểm nào trên hành tinh; Nguồn: topwar.ru
Nga, Mỹ và Trung Quốc sẽ sử dụng tên lửa siêu thanh như thế nào?
Theo Maitr, tên lửa siêu thanh giúp giảm thời gian tấn công - đối với tên lửa đạn đạo truyền thống khoảng 30 phút, trong khi đối với tên lửa siêu thanh chỉ khoảng 10 phút. Đáng nói, có một sự khác biệt cơ bản trong quan điểm sử dụng vũ khí siêu thanh.
Nga coi tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân là một cấu phần răn đe đáng tin cậy, cho thấy nếu nổ ra chiến tranh, nước này sẽ tấn công bằng tên lửa có khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Phương châm của Mỹ cũng gần giống như vậy, chỉ có Lầu Năm Góc đang nghĩ bằng cách nào tên lửa siêu thanh của họ có thể xuyên thủng hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga.
Với thông tin cho rằng hệ thống phòng không của Nga cực kỳ hiệu quả và được tổ chức tốt, quân đội Mỹ dựa vào tên lửa siêu thanh, mà tốc độ của nó sẽ không cho phép phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga kịp phản ứng đánh chặn.
Quan điểm sử dụng vũ khí siêu thanh khá khác nhau; Nguồn: topwar.ru |
Đương nhiên, trong trường hợp này, cả Mỹ và Nga đều quan tâm đến việc liên tục cải tiến vũ khí siêu thanh, phương tiện lý tưởng để khiến kẻ thù nghĩ về hậu quả một khi chiến tranh bùng nổ.
Do đó, tướng Mỹ Neil Thurgood tuyên bố, chương trình phát triển vũ khí siêu thanh phải quyết liệt nhất có thể, nếu không sẽ không thể đáp trả đích đáng Nga và Trung Quốc.
Giới quân sự Trung Quốc có lập trường hoàn toàn khác. Với sự trợ giúp của tên lửa siêu thanh, quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ đánh chìm tàu sân bay Mỹ nếu có bắt đầu bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại nước này.
Có nghĩa là, Bắc Kinh hoàn toàn thừa nhận khả năng sử dụng vũ khí siêu thanh không chỉ trong chiến tranh toàn cầu mà còn trong các cuộc xung đột vũ trang cục bộ.
Tuy nhiên, như tác giả Nicolas Barotte của ấn bản Le Figaro tiếng Pháp viết, cuối cùng, hiệu quả của việc sử dụng vũ khí siêu thanh vẫn sẽ được quyết định bởi chất lượng trinh sát và nhắm mục tiêu.
Đó là lý do tại sao các cường quốc rất chú trọng đến việc phát triển các hệ thống điều khiển mới nhất, bao gồm cả các nghiên cứu đầy hứa hẹn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.