Từ vụ 29 quân cảnh Nga phá vây của hàng nghìn tên khủng bố ở Syria...
Rạng sáng 20/09/2017, các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra (tiền thân là Hayat Tahrir al-Sha/HTS) đã bất ngờ tấn công một chốt giám sát lệnh ngừng bắn của Quân cảnh Nga đóng giữ ở phía bắc thành phố Homs, Syria.
Dưới sự yểm trợ của xe tăng, thiết giáp và pháo binh, nhóm khủng bố với hàng nghìn tên này đã bao vây và ồ ạt tấn công trong nhiều giờ liền nhằm tiêu diệt hoàn toàn đơn vị quân cảnh Nga chỉ gồm có 29 tay súng cả thảy.
Tuy nhiên, cho dù đã dùng đến cái gọi là "đạn địa ngục" gồm bình ga kèm thêm chất nổ, chúng đã không thể thực hiện được âm mưu của mình khi vấp phải sự kiên cường và sự tinh nhuệ của nhóm Quân cảnh Nga ở đây.
Trước tình hình hết sức nguy ngập, Bộ Tư lệnh viễn chinh Nga ở Syria đã khẩn cấp thành lập lực lượng giải cứu trong đó có đặc nhiệm Bộ Quốc phòng, quân cảnh và một số đơn vị Quân đội Syria cùng các máy bay cường kích Su-25 cũng liên tiếp oanh kích yểm trợ.
Cuối cùng, các binh sĩ Nga tìm cách đột kích và đã phá vây thành công trên một chiếc xe bọc thép kháng mìn Typhoon MRAP với sự yểm trợ của các máy bay từ trên không. Toàn bộ 29 lính quân cảnh rút lui về căn cứ an toàn và chỉ có ba lính đặc nhiệm bị thương nhẹ.
Kể lại diễn biến trận đánh đầy kịch tính, chiến sĩ quân cảnh Nga có tên Sultan Misirbiyev cho biết: "Chiếc xe bọc thép Typhoon là hy vọng cuối cùng của chúng tôi. Ngay khi cuộc chạm súng bắt đầu, tôi đã mạo hiểm lái chiếc xe này xuống tầng hầm trong làn đạn dày đặc của những tên khủng bố".
Tổng kết trận đánh, Quân đội Nga cho biết đã phá hủy 11 xe tăng, 4 xe chiến đấu bộ binh và nhiều phương tiện cơ giới khác. Ước tính có tới 850 phiến quân bị tiêu diệt trong chiến dịch tấn công thành phố Homs.
Quân cảnh Nga bảo vệ căn cứ không quân Khmeimim.
... tới sự non trẻ đáng kinh ngạc của Quân cảnh Nga
Quân cảnh là lực lượng "trẻ" nhất trong thành phần của các lực lượng vũ trang Nga. Nhiệm vụ chính của các đơn vị này là duy trì sự tuân thủ mệnh lệnh và kỷ luật quân đội. Các binh sĩ của lực lượng này còn có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động nhân đạo trong khu vực chiến sự và ngăn chặn bất kỳ sự vi phạm chống lại dân thường nào.
Trong quân đội nhiều nước, quân cảnh đã được thành lập và tồn tại từ nhiều thập kỷ nay và được coi là công cụ duy trì kỷ luật quân đội và không chỉ ở các đơn vị mà còn tham gia nhiệm vụ chống khủng bố.
Tuy nhiên, Quân đội Liên Xô chưa bao giờ có lực lượng này, và kể cả quân đội Nga cũng vậy. Thay vì có lực lượng quân cảnh thì họ có hệ thống điều tra quân đội (và Ủy ban điều tra quân đội, được thành lập năm 2007), phản gián, và thậm chí là cả các đơn vị kiểm soát quân sự (giao thông).
Các lãnh đạo chính trị quân sự Nga trước đây luôn phản đối bất cứ ý tưởng nào về khái niệm quân cảnh là một công cụ duy trì luật pháp và mệnh lệnh. Chỉ tới giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000 thì ý tưởng này mới nhen nhóm trở lại.
Quá trình thành lập lực lượng Quân cảnh Nga là cả một chuỗi thủ tục khó khăn và phải mất tới 9 năm mới thành hiện thực. Nhưng buồn thay, các quyết định đã được ban hành nhưng sau đó lại bị thu hồi và bị xem đi, xét lại nhiều lần.
Cuối cùng, mãi tới ngày 25 tháng 3 năm 2015, Tổng thống Nga Putin mới chính thức ban hành đạo luật về Quân cảnh. Năm sau đó, tướng Vladimir Ivanovskiy được bổ nhiệm là Tư lệnh Lực lượng Quân cảnh Nga, trước đó ông là Giám đốc Học viện Hậu cần và vận tải quân sự. Trang phục của Quân cảnh Nga nổi bật với chiếc mũ nồi đỏ và có quân hàm, quân hiệu riêng.
Cấu trúc mới của các đơn vị quân cảnh ít tham vọng hơn so với kế hoạch ban đầu của Bộ trưởng BQP Nga Anatoliy Serdyukov (bị cách chức năm 2012). Mỗi quân khu được thành lập một đơn vị quân cảnh (quy mô từ cấp trung đội tới tiểu đoàn) và được bố trí doanh trại đóng quân riêng. Ý tưởng thành lập các đơn vị quân cảnh cơ lớn với quy mô tới cấp lữ đoàn đã bị hủy bỏ.
Ngoài vũ khí cá nhân, quân cảnh còn được trang bị các loại vũ khí không sát thương như dùi cui và khiên chống báo động. Phương tiện cơ giới phổ biến mà quân cảnh Nga được cấp phát là các loại xe bọc thép Tiger và Typhoon-K cùng xe vận tải Kamaz lắp thùng bọc giáp.
Xe bọc thép Tiger và Typhoon-K của Quân cảnh Nga ở Syria.
Hiện nay họ bắt đầu được nhận xe bọc thép RYS (phiên bản nội địa hóa của dòng xe IVECO’s Lynx xuất xứ từ Italia).
Sau khi được chính thức thành lập không lâu, lực lượng quân cảnh Nga đã có cơ hội được thực chiến khi một số tiểu đoàn được triển khai làm một số chiến dịch đặc biệt ở Syria.
Họ được sử dụng nhân sự và vũ khí trang bị của các tiểu đoàn đặc biệt từ Vostok và Zapad và các đơn vị đặc nhiệm Spetsnaz từ Lữ đoàn cơ giới số 19 và 161. Các đơn vị này đã được sử dụng để thực hiện sứ mệnh nhân đạo ở Syria.
Ngoài ra, còn có một số đơn vị quân cảnh hỗn hợp được triển khai ở căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus ở Syria. Nhiệm vụ chính của các đơn vị này là tuần tra bảo vệ các cơ sở hạ tầng như nhà chứa máy bay, tàu chiến ở cảng hoặc làm nhiệm vụ hộ tống các đoàn xe vận tải.
Cuối cùng, quân cảnh cũng thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của họ là tuần tra quanh các căn cứ để duy trì kỷ luật nhất là tác phong và quân phục.
Một đơn vị quân cảnh Nga bị phiến quân tấn công ở Idlib.