Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới

Bảo Nam |

Nhiều công ty và nhà đầu tư đang mong muốn tái chế pin xe điện, nhưng có thể mất tới một thập kỷ hoặc lâu hơn trước khi có đủ lượng pin lithium-ion đã qua sử dụng.

Benjamin Reynaga đã sử dụng các công cụ để xâm nhập vào từng ngóc ngách của chiếc Honda Fit hybrid cũ kỹ tại một nhà máy tháo dỡ ô tô ở rìa Hoang mạc Mojave cho đến khi anh chạm tới bộ phận quan trọng nhất của chiếc xe: cụm pin lithium-ion.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 1.

Benjamin Reynaga đang tháo pin lithium từ một chiếc xe tại nhà máy của LKQ ở Adelanto, California.

Bản thân chiếc xe đã được xác định cho một tương lai bị nghiền nát, nhưng pin của nó sẽ được xử lý cẩn thận. Nó sẽ được tháo rời và sau đó được gửi đến Nevada, nơi một công ty khác, Redwood Materials, sẽ thu hồi một số kim loại có giá trị bên trong.

Nhà máy nơi ông Reynaga làm việc, ở Adelanto, bang California, đang nằm ở tuyến đầu của điều mà các chuyên gia ngành ô tô, các nhà môi trường cũng như chính quyền Mỹ tin rằng đây có thể là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi toàn cầu sang xe điện. Bởi nó có nhiệm vụ tái chế và tái sử dụng các kim loại như coban , liti và niken. Nếu những viên pin cũ cung cấp nguyên liệu chính cho pin mới, thì những chiếc ô tô điện, xe tải điện sẽ trở nên hợp lý hơn để lựa chọn và cũng bền vững hơn với môi trường.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 2.

Ô tô và xe tải đã hết tuổi thọ sử dụng hoặc bị hư hỏng do tai nạn đều nằm tại nhà máy LKQ trước khi được tái chế để lấy các bộ phận.

“Chúng tôi chỉ mới chuẩn bị xong. Cơ sở này chủ yếu tháo dỡ các loại xe chạy bằng xăng nhưng đang chuẩn bị tháo dỡ thêm các loại xe hybrid và điện”, Nick Castillo, người quản lý nhà máy thuộc LKQ Corporation cho biết. “Chúng tôi biết rằng cuối cùng nó sẽ tiếp quản mọi thứ. Nó sẽ là tương lai.”

Doanh số bán ô tô và xe tải điện đang tăng mạnh. Ngành công nghiệp ô tô và pin đang đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp và xây dựng các nhà máy. Những chiếc xe này có thể giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng pin của chúng lại gây ra những vấn đề riêng. Nguyên liệu thô làm pin đang rất khó khai thác, thường đến từ các quốc gia có truyền thống sử dụng lao động bất hợp pháp và chúng cũng yêu cầu quá trình phức tạp để xử lý nhằm tránh để lại chất thải độc hại.

May mắn thay, những thành phần pin đó cũng có khả năng tái sử dụng cao. Và giờ đây, một cuộc đua đang diễn ra để thu thập và tái chế pin lithium-ion đã qua sử dụng. Các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà sản xuất ô tô và các công ty năng lượng đang đổ tiền vào hàng chục công ty tái chế mới thành lập ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 3.

Một nhân viên của Redwood Materials, John Caylor, đang tháo dỡ pin từ xe máy điện.

"Chúng ta đang loại bỏ toàn bộ xã hội của mình khỏi nhiên liệu hóa thạch và nhiều carbon. Không thể đánh giá thấp quy mô của thách thức đó”, Gavin Harper, một nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham ở Anh, người nghiên cứu về tái chế pin cho biết. “Nhu cầu tái chế sẽ rất lớn.”

Nhưng bất chấp sự lạc quan, ngành kinh doanh mới này đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn. Đó là việc sẽ có rất ít pin để tái chế trong ít nhất một thập kỷ trở lên.

Tesla, công ty hiện thống trị mảng kinh doanh xe điện, bắt đầu bán ô tô từ năm 2008 và cho đến năm 2017 họ bán được chưa đến 100.000 xe mỗi năm. Ngày nay, có nhiều nguồn khác để tái chế, bao gồm cả xe hybrid và đồ điện tử tiêu dùng, nhưng nguồn cung hạn chế và việc thu gom pin có thể gặp nhiều khó khăn.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 4.

Pin bị loại bỏ đang chờ được phân loại tại Redwood Materials.

Điều đó đã khiến các công ty tái chế rơi vào tình thế khó khăn. Họ cần đầu tư vào nhà máy, máy móc và công nhân hoặc có nguy cơ mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh. Nhưng nếu họ đầu tư quá nhanh, họ có thể hết tiền trước khi các chuyến hàng chở đầy bình ắc quy cập bến.

Các công ty cũng phải tự tìm cách để tìm, thu thập và tháo dỡ pin. Họ phải làm việc với nhiều chuyên gia tháo dỡ, bãi phế liệu và các nhóm phi lợi nhuận. Và vì pin dễ cháy và được đóng gói cũng như chế tạo khác nhau giữa các kiểu máy, nên việc tháo rời chúng cũng khá phức tạp và nguy hiểm.

Trong số các công ty tái chế pin, Redwood là một cái tên nổi bật. Công ty được thành lập bởi JB Straubel, cựu giám đốc điều hành hàng đầu của Tesla và đã huy động được hơn 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Redwood chủ yếu coi mình là nhà sản xuất vật liệu pin — làm từ kim loại thu hồi hoặc khai thác — và đã thiết lập quan hệ đối tác tái chế với những cái tên lớn trong ngành xe hơi như Ford Motor, Toyota, Volkswagen và Volvo. Redwood cũng tái chế phế liệu từ một nhà máy pin do Panasonic và Tesla điều hành, gần Reno, bang Nevada.

Trên một khu đất bằng phẳng, bụi bặm gần nhà máy pin đó, Redwood đang xây dựng một khuôn viên rộng 0,7 km vuông. Ở đó, công ty thu hồi kim loại từ pin cũ và sản xuất vật liệu cho pin mới. Redwood đã công bố vào tuần trước rằng họ sẽ chi ít nhất 3,5 tỷ USD cho một khuôn viên khác ở Nam Carolina, một khu vực khác cũng đang có dấu hiệu sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất pin và xe điện.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 5.
Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 6.

Vật liệu cực âm và cực dương của pin được nén thành một khối lớn tại nhà máy của Li-Cycle ở Rochester, NewYork

Pin có cực dương và cực âm, chứa hầu hết kim loại quý của pin. Khi sử dụng pin, các ion lithium di chuyển từ cực dương sang cực âm. Dòng chảy này bị đảo ngược trong quá trình sạc.

Hầu hết các nguyên liệu làm cực dương và cực âm đều đến từ Trung Quốc, nhưng Redwood hy vọng sẽ sớm thay đổi điều đó. Tại cơ sở ở Nevada, công ty đang chế tạo lá cực dương mỏng bằng đồng tái chế. Redwood cũng có kế hoạch sản xuất vật liệu cực âm ở đó bằng cách sử dụng coban tái chế và hỗn hợp lithium và niken được tái chế và khai thác. Panasonic gần đây cho biết họ có kế hoạch sử dụng các sản phẩm của Redwood trong pin của mình tại hai nhà máy ở Mỹ.

Redwood thường xuyên nhận được pin và phế liệu đã qua sử dụng từ các nhà cung cấp như LKQ và các đối tác như Panasonic. Một số vật liệu đó sẽ được nung ở nhiệt độ thấp trong một quy trình độc quyền. Tất cả pin đều trải qua quá trình ngâm hóa chất và các quy trình khác để cô lập và chiết xuất các kim loại cụ thể.

Redwood mua kim loại nguyên chất vì không có đủ pin cũ và phế liệu. Tuy nhiên, việc khai thác và vận chuyển có thể sử dụng nhiều carbon và gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng, vì vậy các giám đốc điều hành của công ty cho biết họ rất muốn sử dụng nhiều kim loại thu hồi hơn.

Kevin Kassekert, giám đốc điều hành của Redwood cho biết: “Chúng tôi muốn thu nhận càng nhiều nguyên liệu tái chế càng tốt vì đó là nguyên liệu sẵn có tại địa phương”.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 7.

Pin bị loại bỏ đang chờ xử lý tại Li-Cycle.

Các doanh nghiệp khác chỉ tập trung vào tái chế. Li-Cycle, một công ty Canada được thành lập vào năm 2016 bởi hai cựu cố vấn kỹ thuật — Ajay Kochhar và Tim Johnston — đang xây dựng một số nhà máy.

Tại các trung tâm thu gom ở Alabama, Arizona, New York và Ontario, công ty phân loại pin và phế liệu sản xuất. Trong nhà máy của họ ở Rochester, NewYỏk, một băng chuyền vận chuyển vật liệu lên một tầng trước khi thả chúng vào thùng, nơi chúng sẽ được cắt nhỏ trong khi ngâm trong dung dịch hóa chất để ngăn ngừa hỏa hoạn.

Các mảnh thu về được tách ra và Li-Cycle sau đó thu hoạch một chất dạng hạt, được gọi là khối đen. Chúng sẽ được xử lý thành các kim loại thành phần ở nơi khác. Nhưng Li-Cycle có kế hoạch đầu tư tổng vốn khoảng 485 triệu USD để xây dựng một cơ sở, cũng ở Rochester, để biến các khối chất này thành lithium, coban và niken.

Li-Cycle, đã lên sàn chứng khoán vào năm 2021, cho biết họ có hơn 100 nhà cung cấp pin, bao gồm cả quan hệ đối tác với Ultium Cells, một liên doanh giữa General Motors và công ty pin LG Energy Solution của Hàn Quốc. Li-Cycle cũng có quan hệ đối tác chiến lược với gã khổng lồ khai thác mỏ Glencore và Koch Industries, tập đoàn tư nhân với các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch rộng lớn. Cùng với nhau, hai doanh nghiệp này đã đầu tư 300 triệu USD vào Li-Cycle.

“Giống như sản xuất pin, đây là ngành đòi hỏi một lượng vốn lớn”, ông Kochhar nói.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 8.

Một băng chuyền vận chuyển pin để tái chế thành vật liệu có thể tái sử dụng tại Li-Cycle.

Tái chế pin vẫn còn tương đối mới ở Bắc Mỹ, nhưng các công ty lâu năm ở nước ngoài có thể cung cấp gợi ý về những gì sắp xảy ra. Ví dụ, ở Trung Quốc, có nhiều nhà tái chế nhưng lại thiếu nguyên liệu.

“Họ có quá nhiều khả năng sản xuất và quá ít pin để tái chế”, Hans Eric Melin, người thành lập công ty tư vấn Circular Energy Storage, chuyên về thị trường pin lithium-ion cũ, cho biết. “Tôi nghĩ đó chính xác là tình huống mà cả châu Âu và Bắc Mỹ sẽ phải đối mặt.”

Có thể mất nhiều năm để tái chế trở thành một ngành phát triển mạnh ở Mỹ. Tương đối ít xe điện đang lưu thông trên đường và hầu hết chúng đều là xe mới. Điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác cũng chứa pin lithium-ion, nhưng chúng rất khó thu thập và không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp ô tô.

Nhưng các nhà lập pháp và các nhóm môi trường muốn việc tái chế diễn ra nhanh chóng để cắt giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ quốc gia khỏi sự phụ thuộc quá mức vào các nhà sản xuất nước ngoài và thúc đẩy việc xử lý pin an toàn.

Chẳng hạn, Đạo luật Giảm lạm phát do Tổng thống Biden ký vào mùa hè năm nay, yêu cầu tỷ lệ ngày càng tăng các khoáng chất có giá trị trong pin phải có nguồn gốc trong nước hoặc từ một đồng minh thương mại trước khi các phương tiện đủ điều kiện nhận tín dụng thuế. Và Liên minh Châu Âu dường như cũng muốn yêu cầu một tỷ lệ tái chế tối thiểu trong tất cả các loại pin xe điện.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 9.

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi các nhà máy có đủ pin xe điện cũ để tái chế.

Hiện tại, các nhà tái chế đang tập trung vào việc thu gom phế liệu.

Các nhà máy pin khổng lồ đang được mọc lên khắp thế giới, trong đó có nhiều nhà máy ở Mỹ. Những nhà máy đó có thể cung cấp cho các nhà tái chế rất nhiều vật liệu pin bị lỗi hoặc dư thừa, đặc biệt là trong những năm đầu phát triển của họ.

“Luôn có những tổn thất không thể tránh khỏi trong quá trình tạo tế bào cho pin lithium ion”, Sarah Colbourn, nhà phân tích nghiên cứu tại Benchmark Mineral Intelligence, cho biết. “Do đó, thực sự có cơ hội để tái chế những chất thải đó.”

Theo một báo cáo gần đây, dạng phế liệu như vậy sẽ chiếm khoảng 78% vật liệu có thể tái chế trên toàn cầu vào năm 2025 và vẫn là nguồn chính cho các nhà tái chế cho đến giữa những năm 2030, khi pin đã qua sử dụng dần thay thế chúng.

Nhưng việc tái chế những viên pin chết đó sẽ không dễ dàng. Thu gom phế liệu tương đối đơn giản. Các vật liệu từ các nhà máy được xử lý theo lô. Nhưng pin đã qua sử dụng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau.

Các thiết kế và phương pháp xây dựng được tiêu chuẩn hóa có thể hữu ích, nhưng hầu hết các công ty ô tô và pin đều tỏ ra ít quan tâm đến điều đó. Thay vào đó, họ đang nghiên cứu các phương pháp khác nhau trong quá trình cạnh tranh để tạo ra những chiếc ô tô có thể di chuyển xa hơn trong một lần sạc.

Vào tháng 3, khi Redwood chuẩn bị chuyển đến khuôn viên lớn hơn gần Reno, các công nhân tại một nhà máy nhỏ hơn ở thành phố Carson gần đó đang bận rộn xử lý đồ điện tử tiêu dùng đã qua sử dụng. Một số người sắp xếp các thùng pin lớn từ dụng cụ điện, máy tính xách tay và các thiết bị khác, trong khi những người khác giám sát các băng chuyền đổ pin vào các thùng quay để làm nóng và phân hủy.

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 10.

Heath Millim, một nhân viên của Redwood, xúc những viên pin bị loại bỏ trong khi hai nhân viên khác phân loại các loại pin trong nhà máy của Redwood ở Carson City, Nevada.

“Có một cơ hội để chúng tôi cách mạng hóa cách nguyên liệu được thu hồi và gửi trở lại chuỗi cung ứng về phía xe điện”, ông Kassekert, giám đốc điều hành của Redwood, cho biết. “Một nguyên tử kim loại có thể được tái chế vô số lần, vấn đề chỉ là bạn thu được nó như thế nào một cách hiệu quả.”

Sau nhiều năm thất thế trước Trung Quốc, các giám đốc điều hành và những nhà lập pháp của Mỹ và châu Âu đang lạc quan rằng việc tái chế pin có thể nhanh chóng giúp thiết lập ngành công nghiệp pin trong nước. Nhưng theo ông Melin từ công ty tư vấn Circular Energy Storage cho biết, họ có thể cần sớm được “đánh thức” khỏi giấc mộng đó.

Bởi pin xe điện có thể hoạt động kéo dài từ 15 đến 20 năm. Ngay cả khi đó, nhiều loại pin sẽ tìm thấy "cuộc sống thứ hai" - chẳng hạn như được dùng để lưu trữ năng lượng từ gió và mặt trời - trước khi chúng được tái chế.

“Sẽ không có nhiều vật liệu để tái chế trong một thời gian dài”, ông Melin nói. “Và ở một góc độ nào đó thì có thể coi chúng là một điều tích cực.”

Tham khảo nytimes

Ô tô điện đang ‘bay cao’, nhưng còn lâu thời điểm tái chế pin của chúng mới tới - Ảnh 13.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại