Vì sao chúng ta thấy buồn ngủ sau khi ăn?

Nhật Minh |

Tình trạng uể oải sau bữa trưa trở nên tương đối quen thuộc với nhiều người. Tại sao lại như vậy? Các nhà khoa học đã có câu trả lời cho thắc mắc này.

'Tác dụng phụ' của serotonin

Bà Claire Shortt, chuyên gia dinh dưỡng và nhà khoa học hàng đầu tại công ty công nghệ sức khỏe FoodMarble ở Ireland, cho hay: "Cơ thể con người không hề đơn giản, có rất nhiều yếu tố tác động đến mức độ mệt mỏi của một người".

Bữa ăn sẽ thúc đẩy một loạt các hoạt động trong ruột và khắp cơ thể. Lượng đường lên xuống trong máu có thể là một trong những yếu tố góp phần gây ra các giảm buồn ngủ mà chúng ta trải qua sau khi ăn.

Bà Shortt lý giải: "Những thực phẩm với hàm lượng đường cao có thể khiến cho lượng đường trong máu của chúng ta tăng lên và sau đó giảm xuống một cách nhanh chóng. Sự thay đổi này có thể dẫn tới trạng thái mệt mỏi đột ngột".

Tuy nhiên, đây không phải yếu tố duy nhất dẫn tới tình trạng buồn ngủ bất chợt, bởi các hormone trong cơ thể của chúng ta cũng giữ vai trò nhất định ở đây. Đôi lúc sau khi ăn, tốc độ sản xuất và giải phóng serotonin sẽ tăng đột biến. Mặc dù serotonin được gọi một cách thông tục là "hormone hạnh phúc" nhưng nó cũng có thể kéo theo các tác dụng phụ khác.

Vì sao chúng ta thấy buồn ngủ sau khi ăn? - Ảnh 1.

"Hormone hạnh phúc" serotonin có thể kéo theo các tác dụng phụ (Ảnh minh họa: PLOS)

"Nồng độ hormone tăng lên có thể khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ", bà Shortt nói, "một số nhà nghiên cứu cho rằng mức độ gia tăng của hormone serotonin gây ra điều này".

"Serotonin đóng vai trò quan trọng đối với tâm trạng và chu kỳ giấc ngủ của chúng ta. Khi nồng độ serotonin gia tăng sau khi ăn, nó có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ" – Bà Shortt cho biết thêm.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sports Medicine, serotonin có liên quan tới sự mệt mỏi vì những tác động của nó tới giấc ngủ, các trạng thái buồn ngủ và mất động lực, mặc dù đi kèm với những kết luận trên, bản nghiên cứu cũng lưu ý rằng cần có những bằng chứng mạnh mẽ hơn để chứng minh serotonin đóng một vai trò quan trọng ở đây.

Nhìn chung, dù không thể nói chắc chắn nhưng các nhà khoa học đều đồng tình rằng mức serotonin trong cơ thể người sau khi ăn có thể là nguyên nhân gây ra cảm giác chệnh choạng đó.

Tùy loại thực phẩm

Bà Shortt cho biết thêm rằng, một số loại thực phẩm dễ gây ra tình trạng mệt mỏi hơn các loại khác.

"Ăn thực phẩm giàu axit amin gọi là tryptophan có thể gây buồn ngủ, bởi nó tham gia vào quá trình sản xuất serotonin. Tryptophan được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm giàu protein như pho-mát, trứng, gà tây và đậu phụ.

Một số thực phẩm khác, chẳng hạn như quả anh đào, có thể ảnh hưởng đến nồng độ melatonin – hormone vốn có thể cải thiện giấc ngủ của bạn. Thông thường, bạn thậm chí có thể mua sữa với hàm lượng melatonin cao để giúp cải thiện giấc ngủ"- Bà Shortt nói.

Vì sao chúng ta thấy buồn ngủ sau khi ăn? - Ảnh 2.

Một số loại thực phẩm dễ gây ra tình trạng mệt mỏi hơn các loại khác (Ảnh: Webmd)

Nghiên cứu năm 2015 công bố trên tạp chí Neurochirurgie về tác dụng sinh lý của melatonin đã củng cố mối liên hệ giữa nồng độ melatonin và giấc ngủ, trong đó nêu rõ: "Có một số bằng chứng cho thấy melatonin giúp ổn định và tăng cường các nhịp sinh học, đặc biệt là nhiệt độ lõi của cơ thể và nhịp ngủ - thức".

Tuy nhiên, thật khó để cung cấp một danh sách đầy đủ các thành phần mang tính chất quyết định nhằm giúp tâm trạng bớt uể oải hơn sau bữa ăn. Đó là bởi còn trường hợp một số người dị ứng hoặc không dung nạp một số loại thực phẩm.

"Hiện tượng cảm thấy mệt mỏi hoặc lơ mơ sau bữa ăn, đôi khi gọi là hiện tượng 'sương mù não', có thể xảy ra ở những người bị dị ứng và không dung nạp thực phẩm, hoặc ở những người mắc hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (SIBO).

SIBO có thể được chuẩn đoán thông qua xét nghiệm hơi thở glucose hoặc lactulose. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ mình bị SIBO" – Bà Shortt nói.

Mặc dù nghiên cứu vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về lý do tại sao đôi khi mọi người lại cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn nhưng bà Shortt khuyến cáo rằng những ai muốn tăng năng suất làm việc buổi chiều có thể thực hiện các lời khuyên sau:

"Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ trong bữa ăn có thể giúp ổn định lượng đường trong máu và tránh cảm giác chệnh choạng, điều đó đồng nghĩa với việc bạn ít có khả năng buồn ngủ hơn. Ngoài ra, hãy cố gắng duy trì các bữa ăn thông thường, tránh ăn những khẩu phần quá lớn. Việc đó có thể khiến hệ tiêu hóa của bạn bị quá tải, gây cảm giác mệt mỏi và uể oải" – Bà Shortt cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại