Thực hư tin đồn tiêm kích F-15 bị bắn hạ: "Đại bàng" rụng trong không chiến?

N. Tuấn Sơn |

F-15 Eagle của Mỹ được mệnh danh là "Vua đại bàng" trên bầu trời. Theo các chuyên gia, phiên bản đời chót F-15SE là một trong những tiêm kích thế hệ 4+ tốt nhất thế giới hiện nay.

F-15 chưa từng bị bắn hạ trong không chiến, nhưng bị rơi vì lỗi kỹ thuật thì không ít. Ảnh minh họa.

F-15 chưa từng bị bắn hạ trong không chiến, nhưng bị rơi vì lỗi kỹ thuật thì không ít. Ảnh minh họa.

F-15 Eagle: "Vua đại bàng" trên bầu trời

Tiêm kích F-15 Eagle (Đại bàng) đích thực là một chiếc chiến đấu cơ mạnh mẽ, nhờ cặp động cơ phản lực cực khỏe, cho phép nó là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới có thể leo cao với tốc độ vượt tường âm thanh.

Những kỷ lục này chỉ có Su-27 của Liên Xô (ra đời sau F-15) mới phá được. Theo Globalsecurity, năm 1986, phi công thử nghiệm Viktor Pugachev điều khiển tiêm kích Su-27 lên độ cao 3.000 m chỉ trong 25 giây, tiếp đến là kỷ lục đạt độ cao 12.000 m trong 58 giây.

Tiêm kích F-15 không chỉ khắc phục được những nhược điểm của tiêm kích F-4 Phantom (Con ma) mà còn sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như được trang bị radar AN/APG-63; đây là loại radar đầu tiên áp dụng các phương pháp xử lý tín hiệu kỹ thuật số, cũng là loại hiện đại nhất thời điểm đó; radar AN/APG-63 có thể phát hiện các mục tiêu trên không lên tới 322km.

Lúc mới ra lò, để diệt các mục tiêu ở tầm trung xa, F-15 sử dụng tên lửa AIM-7 Sparrow dẫn đường bằng radar bán chủ động và tên lửa tầm gần AIM-9 Sidewinder, có đầu tự dẫn hồng ngoại tác chiến trong tầm nhìn. Sau này, "Đại bàng" thực sự trở nên mạnh mẽ hơn nhờ tên lửa AIM-120 tầm trung thế hệ mới.

Trong hàng chục năm liền, kể từ thời chiến tranh Lạnh tới nay, F-15 luôn đóng vai trò là tiêm kích xương sống của khối NATO, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống phát sinh ở châu Âu.

Nhờ lượng nhiên liệu mang bên trong lớn cùng tới 3 thùng dầu phụ, F-15 (phiên bản F-15C) có tầm bay rất xa, cự ly bay chuyển sân đạt tới 5.600km, và nếu được tiếp dầu trên không, nó có thể bay thẳng một mạch từ Mỹ sang châu Âu.

Chính thức đưa vào sản xuất loạt từ năm 1973, và được đưa vào biên chế Không quân Mỹ năm 1976, sau đó F-15 được xuất khẩu cho các quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ bao gồm Israel, Nhật Bản và Arabia Saudi và Hàn Quốc. Ngoài ra, Singapore cũng sở hữu tới 12 chiếc F-15SG theo hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD.

Trang thông tin chuyên ngành Airforce - Technology cho biết, F-15 liên tục được cập nhật những công nghệ mới nhất nhằm duy trì sức mạnh chiến đấu của dòng tiêm kích đa năng hàng đầu thế giới. Lần lượt F-15A/B được thay thế và nâng cấp bằng những phiên bản F-15C/D với radar AN/APG-70 và động cơ F100-PW-220 tiên tiến hơn.

Tiếp đó, F-15E Strike Eagle được Không quân Mỹ đưa vào trang bị thay thế cho những máy bay cường kích F-111.

Không quân Mỹ đã mua những chiếc F-15 cuối cùng vào năm 2001, nhưng nhờ những đơn đặt hàng từ nước ngoài, nên đã giữ dây chuyền sản xuất tại tập đoàn Boeing, hoạt động tốt cho đến ngày nay.

Tính tới năm 2019, các lực lượng vũ trang Mỹ (Không quân và Vệ binh Quốc gia) đang vận hành 212 chiếc F-15C và 23 chiếc F-15D cùng khoảng 224 chiếc F-15E.

Hiện phiên bản đời chót F-15SE Silent Eage (Đại bàng thầm lặng) đang được Tập đoàn Boeing chào bán cho các khách hàng. Theo các chuyên gia, F-15SE là một trong những tiêm kích thế hệ 4 tốt nhất thế giới hiện nay.

Thực hư tin đồn tiêm kích F-15 bị bắn hạ: Đại bàng rụng trong không chiến? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-15E.

Thực hư tin đồn "Đại bàng" rụng trong không chiến?

Tạp chí hàng không nổi tiếng The Aviationgeekclub cho biết theo thông tin công khai thì qua hơn 40 năm kể từ khi đi vào hoạt động, tiêm kích F-15 nổi danh đã lập kỷ lục về thành tích không chiến tuyệt vời hơn bất cứ chiến đấu cơ nào khác trong lịch sử hàng không.

Thống kê cho thấy, F-15 đã bắn hạ tổng cộng 104 máy bay đối phương mà không hề bị bắn rơi. Vì thế, nó được mệnh danh là "Vua đại bàng" trên không trung.

Tuy nhiên, vẫn có tin đồn là "Đại bàng" đã bị bắn rụng trong không chiến? Theo cuốn sách về tiêm kích F-15 của tác giả Bertie Simmonds, sự thật đã được hé lộ.

Hầu hết giả thuyết về các vụ F-15 bị bắn hạ đều không đứng vững và dường như chỉ là những động thái khích lệ tinh thần, bởi lẽ, bằng chứng đâu?

Ngày 27/03/1999, Lữ đoàn tên lửa phòng không số 250 của Nam Tư đã bắn hạ 1 máy bay của liên quân, ban đầu họ nghĩ đó là chiến đấu cơ (F-15) bởi bắn hạ được máy bay tàng hình rất khó, gần như là không thể, nhưng chỉ đến khi xác được tìm thấy thì đó không phải là mảnh vỡ của F-15 mà đích thị là một chiếc máy bay ném bom tàng hình F-117A Nighthawk được điều khiển bởi Trung tá Dale Zelko.

Tuyên bố đầu tiên về việc F-15 bị bắn hạ chính là vào năm 1978 ở Trung Đông, cũng là năm mà F-15 lần đầu tiên xung trận và lập công. Phía Iraq cho rằng một chiếc tiêm kích MiG-23 thuộc phi đội 39 của họ đã bắn rụng "Đại bàng" trong không phận Iraq nhưng không hề trưng ra được bằng chứng về xác của chiếc máy bay này.

Thực hư tin đồn tiêm kích F-15 bị bắn hạ: Đại bàng rụng trong không chiến? - Ảnh 4.

Tiêm kích F-15.

Năm 1981, lại có thêm một tuyên bố F-15 bị bắn hạ. Vào tháng 2 năm đó, 1 cặp F-15 của Israel phục kích 2 chiếc MiG-25 của Không quân Syria và bắn hạ 1 chiếc.

Vài tháng sau, Syria "đòi nợ" khi các nguồn tin của chính họ và Liên Xô tuyên bố MiG-25P đã phục kích và bắn hạ 1 chiếc "Đại bàng" của Không quân Israel trong tầm nhìn bằng tên lửa không đối không tầm trung có đầu dò radar bán chủ động.

Tuy nhiên, lại thêm một lần nữa chẳng có bằng chứng nào được công bố.

Một năm sau, vào tháng 7 năm 1982, 8 MiG-21 của Không quân Syria đã đối đầu với đội hình hỗn hợp tiêm kích F-15 và Kfir của Không quân Israel trên vùng trời Beirut. Mặc dù Syria thừa nhận mất 4 máy bay nhưng họ cũng tuyên bố hạ được 1 F-15. Vẫn như mọi khi, chẳng có mảnh vỡ nào được tìm thấy để thuyết phục.

9 năm sau, trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, lần đầu tiên F-15 Không quân Mỹ đối đầu với MiG-29 Không quân Iraq. Phía Iraq tuyên bố vào ngày 04/01/1991, một số máy bay Iraq đã đánh chặn đội hình F-15 Israel và bắn hạ 1 chiếc ở gần căn cứ sân bay H3 của họ ở phía Tây Iraq.

Một cựu sĩ quan cao cấp Iraq tuyên bố F-15 bị bắn hạ là có thật, tại khu vực máy bay rơi họ đã thu giữ được một số mảnh xác và chúng được gửi về Baghdad để nghiên cứu nhưng dường như những "bằng chứng" này bị Mỹ thu giữ trong chiến dịch Tự do cho Iraq vào năm 2003.

Thực hư tin đồn tiêm kích F-15 bị bắn hạ: Đại bàng rụng trong không chiến? - Ảnh 6.

Tiêm kích F-25 do Liên Xô chế tạo.

Một vụ khác, vào ngày 30/01/1991, 2 MiG-25 Iraq, dưới sự chỉ huy của dẫn đường mặt đất đã được điều động đánh chặn cặp F-15 của Không quân Mỹ, 1 chiếc MiG-25 phóng tên lửa R-40, tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy nó đã trúng mục tiêu.

Cũng cặp MiG-25 này bám đuổi, đánh chặn một cặp F-15 khác của Không quân Mỹ và phóng 1 tên lửa R-40RD ở cự ly 10 đến 15 dặm. Cùng lúc đó, 1 trong 2 chiếc F-15C đã phóng 2 đạn tầm trung AIM-7M Sparrow nhưng trượt, các MiG vòng trái và tăng tốc chạy về hướng Bắc.

Phía Iraq tuyên bố họ thấy 1 chiếc F-15C bị rơi và cho rằng quả tên lửa R-40 đã làm tốt nhiệm vụ, vì thế họ xác nhận "đã diệt". Tín hiệu radar của "Đại Bàng" biến mất đâu đó trong không phận Saudi Arabia. Thậm chí có tin đồn rằng những mảnh vỡ của chiếc máy bay này đã được nhìn thấy bởi 1 tên buôn lậu tại miền Bắc Saudi Arabia.

Trong khi đó, theo các nguồn tin Mỹ, không hề có chiếc F-15C nào bị bắn hạ trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Không quân Mỹ chỉ thừa nhận họ mất 2 chiếc F-15E Strike Eagles: 1 chiếc đêm 17/01/1991 và chiếc còn lại bị hạ 2 ngày sau đó, tuy nhiên đều là bị trúng đạn tên lửa phòng không Iraq.

Vậy đâu là tin đồn sát thực nhất về việc F-15 bị bắn hạ trong không chiến? Trên thực tế, tên lửa R-40 phóng đi từ MiG-25 đã phá hủy chiếc McDonnell Douglas F/A-18C sáng sớm ngày 17./01/1991 lái bởi phi công Michael Scott ‘Spike’ Speicher.

Trong cuộc không chiến ở thung lũng Bekaa, khoảng 100 chiến đấu cơ Israel đã đấu với chừng ấy máy bay của Syria, để trở thành cuộc không chiến lớn nhất trong lịch sử tính tới nay.

Trong trận đánh ngày 06/09/1982, một tiêm kích MiG-21 Syria đã bắn trúng F-15D Baz bằng tên lửa AA-8 Aphid (R-60) tầm gần. "Đại bàng" đã bị thương nặng nhưng vẫn cố lết về được căn cứ và sau đó nó đã được chửa chữa.

(Theo theaviationgeekclub, globalsecurity, airforce-technology) 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại