Công ty điều hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2 tuyên bố phá sản

Linh Anh |

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến Nord Stream 2 AG, công ty điều hành đường ống dẫn khí vượt biển nối Nga với Đức, chính thức tuyên bố phá sản.

Bà Sylvia Talman-Gut, quan chức phụ trách kinh tế bang Zug của Thụy Sĩ, cho biết Nord Stream 2 AG đã bị vỡ nợ và không đảm bảo kế hoạch xã hội do mất khả năng thanh toán vì nằm trong diện bị Mỹ trừng phạt. Chính vì thế, công ty không thể tiếp tục hoạt động và phải "nộp đơn xin phá sản" với toàn bộ hơn 100 nhân viên bị cho thôi việc.

Trước đó, Reuters cho biết công ty có trụ sở ở Thụy Sĩ này đang xem xét nộp đơn xin phá sản. Mỹ trừng phạt Nord Stream 2 AG hồi tuần trước sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine vài ngày sau khi công nhận 2 nước cộng hòa vùng Donbass. Các biện pháp trừng phạt khiến Nord Stream 2 AG không thể tiếp tục hoạt động.

Đăng ký hoạt động tại Thụy Sĩ, Nord Stream 2 AG là công ty thuộc sở hữu tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga. Năm ngoái, nó đã hoàn thành dự án 11 tỷ USD nối Nga với Đức, được thiết kế để tăng gấp đôi công suất bơm khí tự nhiên cho quốc gia châu Âu này.

Nord Stream 2, hay còn gọi là Dòng chảy Phương Bắc 2, dài 1.230 km, nối liền Nga với Đức thông qua biển Baltic. Nó đang chờ sự chấp thuận của giới chức Đức để có thể đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khủng hoảng ở Ukraine đã khiến Đức đình chỉ việc phê duyệt dự án này.

Gazprom trả một nửa chi phí xây dựng Nord Stream 2. Phần còn lại được tài trợ bởi Shell của Anh, OMV của Áo, Engie của Pháp cùng Uniper và Wintershall DEA của Đức. Shell, Engie và Wintershall DEA không trả lời yêu cầu bình luận còn OMV từ chối nói về điều này.

Trong khi đó, Guy Parmelin, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thụy Sĩ, cho biết tất cả 140 nhân viên làm việc cho công ty này ở Thụy Sĩ đều đã bị sa thải.

Đức, quốc gia nhận một nửa khí đốt từ Nga, đã ủng hộ Nord Stream 2 nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Tuy nhiên, dự án này gặp phải sự phản đối trong Liên minh châu Âu và Mỹ vì làm tăng sự phụ thuộc của khu vực vào khí đốt Nga đồng thời giúp Nga giảm lượng khí quá cảnh qua Ukraine.

Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên lãnh thổ Ukraine, nhiều công ty lớn, bao gồm cả các công ty dầu mỏ, cho biết họ sẽ rời hoạt động của mình vào Nga. Shall và nhiều công ty khác nói rằng họ sẽ không còn tham gia các khoản đầu tư khác liên quan tới Nord Stream 2.

Nga hiện đang là trọng tâm trong các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Mỹ và đồng minh không ngần ngại tuyên bố các biện pháp trừng phạt được thiết kế để gây tổn hại lớn nhất đến nền kinh tế Nga. Thậm chí, các vũ khí cứng rắn nhất, bao gồm hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng đã được kích hoạt để chống Nga.

Đáp lại, Nga cũng đang tiến hành các biện pháp đối phó về mặt tài chính và cả quân sự. Gần đây, Nga cảnh báo chiến tranh kinh tế có thể trở thành chiến tranh thực sự. Moscow cũng đã kích hoạt lực lượng răn đe hạt nhân, đưa hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức độ cao nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại