Kỳ nhân đưa đào Nhật Tân thượng sơn

Quốc Hưng |

Hơn 10 năm trước, người dân xã Liên Sơn, Tân Yên, Bắc Giang lấy làm lạ khi thấy người đàn ông nhỏ thó bỏ ra gần tỷ bạc mua lại khu đồi cằn cỗi của một người trong xã để trồng đào. Họ càng ngạc nhiên hơn khi biết anh quê chính gốc Nhật Tân, Hà Nội.

Anh Hồ Việt Hoa bên những gốc đào Nhật Tân trên núi

Anh Hồ Việt Hoa bên những gốc đào Nhật Tân trên núi

Thung lũng hoa đào

Nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi dễ dàng tìm đến được trang trại của anh Hồ Việt Hoa - nhân vật lạ lùng mà không ít người làm nông nghiệp khắp cả nước biết đến. Từ ngoài trang trại, một con đường dài hàng trăm mét được đổ bê tông thẳng tắp dẫn lên ngôi nhà hai tầng khang trang. 

Bên phải con đường là bạt ngàn đào Nhật Tân, trong đó, những cây đào cổ thụ đã chớm nở. Bên trái là ao cá rộng đến nghìn mét vuông, bờ ao được xây kè chắc chắn, giữa có mô hình đôi rồng chụm đầu, thi nhau phun nước. Dọc con đường còn xếp hàng trăm chậu hồng đang ủ nụ chờ xuân.

Chủ nhân đang ngồi rít thuốc lào, tiếng kêu rất đanh trong căn phòng khách ngăn nắp, treo rất nhiều bức thư pháp chữ Hán, đồ gỗ chạm khảm và tượng Phật. Anh cho chúng tôi xem các tư liệu, kỷ vật mà các đoàn chuyên gia, người làm đến thăm trang trại. 

Trong đó có những lời đánh giá của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong một lần về thăm trang trại: "Trong bài thơ Bài ca vỡ đất, Hoàng Trung Thông đã có hai câu rất hay: "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" để ca ngợi vẻ đẹp công sức lao động của con người. Vừa qua, tôi được tận mắt chứng kiến một thành quả lao động đáng khâm phục tại một vùng đồi núi tỉnh Bắc Giang. Có thể coi đây như một "kỷ lục" ít ai hình dung nổi".

Sốt ruột vì tò mò, chúng tôi đề nghị anh dẫn đi thực địa. Trước mắt chúng tôi là trang trại rộng gần 4 ha. Phía trước và ở giữa là đất bằng, ba mặt còn lại là dãy núi đất hình cánh cung tạo nên ranh giới tự nhiên của trang trại. Xung quanh nhà, anh Hoa phân lô trồng những luống hoa đào đủ loại từ đào bích, đào phai, đào bạch, đào Mông Tự, đào Lòng Chai, đào Thất Thốn... Tổng số, ước chừng 3.000 gốc, trong đó nhiều cây lớn, tán xum xuê.

Trang trại hoa đào của anh có nhiều loại đào quý mà không phải nơi nào cũng có được. Cây đào có dáng vẻ phong trần sương gió tựa tùng bách trong tranh thủy mặc xưa này có tên Thất Thốn - một loại đào quý mà chỉ những nghệ nhân lão luyện trong nghề trồng đào Nhật Tân mới có thể trồng ra hoa. Rồi ngay cả loại Bạch đào, loại hoa nổi tiếng tinh khôi, tao nhã của đất Kinh kỳ xưa cũng hiện diện trên đất này.

Xưa nay, giống hoa cánh trắng như tuyết, thần thái tinh khôi xuất hiện đâu đó trong những câu chuyện kể của những người Hà Nội mà thôi chứ mấy ai tận mắt nhìn thấy nó. Biết bao năm miệt mài cấy ghép, ươm hoa sao cho nở đúng dịp Tết, giờ đây anh Hồ Việt Hoa hoàn toàn có quyền tự hào về thành quả của mình.

Anh Hoa không giấu sự phấn khích: “Dù là đất sỏi nhưng nếu cải tạo tốt thì đất này trồng hoa rất thích hợp, trồng đào ở đây 1 năm bằng 2- 3 năm so với ở Nhật Tân. Những người trồng đào Nhật Tân khi lên đây cũng phải thốt lên: “Đây mới là đất của đào”.

Anh Hoa sinh năm 1962, đến năm nay là chẵn 60 tuổi nhưng không lập gia đình, hiện chỉ sống một mình ở trang trại, không anh em họ hàng.

Có lẽ, đoán trước tuổi già đang sầm sập đến nên khi chia tay chúng tôi, anh nói giọng buồn buồn: "Tôi đang tính rao bán trang trại, chỉ mong bán được cho người biết yêu thích cây cối, đặc biệt là cây đào.

Tôi muốn đi bộ dọc đất nước để thỏa chí tang bồng, không xin ai, ai nghèo thì cho..." – người con lang bạt của đất Nhật Tân nói lúc chia tay.

Người con lang bạt của làng Nhật Tân

Sinh ra và lớn lên ở làng đào Nhật Tân, từ thuở thơ ấu, anh Hoa luôn thích được mẹ dẫn đi ngắm nhìn những vườn đào bạt ngàn hoa khoe sắc thắm cứ mỗi dịp Tết đến xuân về. Lớn lên, tình yêu thiên nhiên, hoa cỏ trong anh dường như đã ngấm vào máu thịt. Năm 1985, sau khi xuất ngũ, anh làm công tác phát hành báo chí.

Cùng thời gian đó, anh trồng đào, làm thêm trang trí hoa cưới và cây cảnh. Anh trang trí hoa cưới đẹp có tiếng thời đó nên rất đông khách.

Mùa cưới, có những ngày cao điểm anh phải “chạy sô” tới 20 đám.

Bởi cần cù lại có duyên nghề nên trong lúc mọi người vẫn phải tất bật mưu sinh, anh đã có một cơ ngơi đàng hoàng giữa Thủ đô.

Kỳ nhân đưa đào Nhật Tân thượng sơn - Ảnh 3.

Ao cá trong trang trại của anh Hoa


Cơ duyên anh đưa đào Nhật Tân lên trồng vùng đồi núi Bắc Giang bắt nguồn từ quá trình đô thị hóa.

Đào Nhật Tân nổi tiếng là thế nhưng quá trình đô thị hóa và kinh tế thị trường đã biến làng này thành một khu toàn biệt thự sang trọng gần Hồ Tây, người trồng đào phải phiêu dạt ra tận ngoài đê sông Hồng. Cây đào Nhật Tân cũng vì thế mà dần phai hương sắc.

Không đành lòng nhìn thấy những “đứa con” của Nhật Tân “chết dần, chết mòn”, anh quyết định đi tìm vùng đất mới cho cây đào. Sau ngày mẹ mất, anh rong ruổi, xuôi ngược khắp nơi, từ Tam Đảo lên Ba Vì, rồi ngược Hoà Bình, xuôi Hưng Yên, Hải Dương... mà vẫn chưa ưng ý.

Khi đến vùng đất Liên Sơn, nắm từng nắm đất sỏi nơi đây, anh vô cùng sung sướng, lòng tự nhủ “Vùng đất sống của đào Nhật Tân đây rồi”. Năm 2010, anh bỏ gần tỷ đồng mua lại khu đồi rừng Hố Cấm rộng gần 4 ha ở thôn Đỉnh để làm trang trại, gã “khùng” Hồ Việt Hoa chính thức mang đào lên núi.

Ngày anh bán đi căn biệt thự giữa phố Âu Cơ dứt áo rời Thủ đô bị gia đình, bạn bè chỉ trích. Có người bảo anh bị thần kinh, lập dị mới bỏ cả cơ ngơi đàng hoàng ở Hà Nội để lao đầu lên sống thui thủi một mình giữa chốn rừng thiêng nước độc.

Lên vùng đất mới, người dân địa phương và ngay cả người đã bán khu rừng cho anh cũng lắc đầu ái ngại khi thấy anh đầu tư số tiền lớn như vậy vào nơi toàn đá sỏi, đến vải thiều còn chẳng sống nổi huống chi là các loài hoa vốn kén đất lại mong manh cần được nâng niu chăm bẵm công phu.

Để có cơ ngơi như hiện nay, ròng rã suốt hàng năm trời, anh phải vỡ từng thớ đất, chặt từng cành cây, đầu tư thuê thêm lao động, máy ủi, máy xúc múc đất đào ao, phát quang cỏ dại, san phẳng phiu rồi xây nhà, trồng hoa. Nhớ lại khoảng thời gian này, anh kể:

“Tôi gầy đi gần 10kg chỉ trong vòng nửa năm. Phần vì lo nghĩ nhiều, phần vì hoảng với rắn rết.

Có hôm đang ngủ, nghe thấy tiếng sột soạt dưới gậm giường, ngó xuống xem thấy một con rắn to bằng cổ tay.

Có lần leo đồi, tôi trượt chân ngã, bị thương cả tháng mới đi lại bình thường”. Đất không phụ công người, sau bao tháng ngày cật lực lao động, anh đã có thế giới hoa đào của riêng mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại