Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan

Thanh Long |

Tuần trước, người ta vẫn bắt gặp hai thủ phạm nhởn nhơ ở đó.

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 11 năm 2015 tại Castle Rock, một khu bảo tồn sinh vật biển ở Vịnh False, gần Mũi Hảo Vọng Nam Phi. Trong một chuyến lặn biển, các thợ lặn đã nhìn thấy một vài con cá mập mũi rộng thuộc giống Notorynchus cepedianus, có điều chúng đều đã chết.

Những con cá mập mũi rộng còn gọi là cá mập bảy mang, dựa trên 7 khe mang chúng sở hữu dưới chiếc đầu rộng và một chiếc mũi cùn. Với cơ thể lớn tối đa 3 mét, cá mập mũi rộng có thể săn và ăn thịt cả các loài cá mập khác như cá mập bò và cá mập đuôi nhám. Chúng thực sự là một trong những loài săn mồi đầu bảng ngự trị chuỗi thức ăn ở Vịnh False.

Nhưng ở đây, dưới đáy biển Castle Rock, một loạt xác cá mập mũi rộng lại được tìm thấy nằm rải rác, ngửa bụng lên phía mặt nước và có cùng một nguyên nhân tử vong. Chúng bị rạch một đường dọc phía dưới vây ngực, một vết chém rất lẹm ở bụng.

"Mọi thứ giống như cảnh mở đầu của một bộ phim kinh dị", Leigh de Necker, nhà nghiên cứu tại Thủy cung Two Ocean, Cape Town cho biết. "Tất cả những xác đều nguyên vẹn chỉ có lá gan bị móc mất".

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 1.
Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 2.

Xác những con cá mập mũi rộng với lá gan biến mất cùng vết rạch dưới vây ngực.

Những vết rạch như phẫu thuật ở cùng một vị trí và tất cả những lá gan biến mất đã khiến các nhà nghiên cứu như Necker tự hỏi liệu đó có phải tác phẩm của những ngư dân địa phương hay không? Họ có thể lấy gan của những con cá mập để làm mồi câu các loài cá khác.

Nhưng khả năng đó đã bị loại trừ sau khi các nhà nghiên cứu tự mình lặn xuống đáy biển để khám nghiệm những cái xác. Những con cá mập mũi rộng này rõ ràng đã bị một loài nào đó giết chết. Bằng chứng là dấu rằng chúng để lại gần vây các nạn nhân, chúng cùng thuộc về một loài.

Đến cá mập trắng khổng lồ cũng bị thảm sát

Sau những vụ sát hại kinh hoàng năm 2015, không mất thời gian quá lâu để các nhà hải dương học Nam Phi nhận thấy điều kỳ lạ tiếp theo. Gần như toàn bộ quần thể cá mập mũi rộng đã biến mất khỏi vịnh False.

Không biết lũ cá mập mũi rộng này đã đi đâu, nhưng chắc chắn phải vì một lý do khủng khiếp nào đó, chúng bỏ lại khu vực sinh sống quen thuộc với cả nguồn thức ăn dồi dào. Khi cá mập mũi rộng biến mất cũng là lúc các nạn nhân mới được tìm thấy, lần này tới lượt những con cá mập trắng khổng lồ.

Dài tới hơn 6 mét và nặng 3 tấn, cá mập trắng khổng lồ vốn được coi là vị vua biển cả ở vịnh False. Chúng không ngán bất kể một sinh vật đại dương nào. Cá mập trắng khổng lồ ăn thịt từ các loài cá nhỏ cho tới khổng lồ như cá mặt trăng. Cả các loài động vật có vú như sư tử biển, hải tượng, và cá voi mũi khoằm cũng trở thành con mồi cho cá mập trắng.

Nhưng liên tiếp chỉ trong 4 ngày tháng 5 năm 2017, xác 3 con cá mập trắng khổng lồ đã trôi dạt vào bờ biển Gansbaai, nằm không xa phía nam vịnh False.

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 3.
Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 4.
Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 5.

Gan của những con cá mập đã bị móc mất từ một vết rạch gần vây ngực.

Một lần nữa, những con cá mập này đã bị rạch một đường dưới vây ngực và bị móc mất lá gan. Hai con đã bị mất cả tim. Xác con cá mập thứ tư được tìm thấy trong chưa đầy một tháng, dài tới 4,9 mét và là con cá mập trắng khổng lồ lớn nhất từng được mổ khám nghiệm ở Nam Phi.

Đến tháng 7 năm 2017, số lượng cá mập trắng khổng lồ chết đã tăng lên tới 7 con. Những nạn nhân mới bây giờ không chỉ mất tim và gan. Alison Towner, một nhà sinh vật biển tại tổ chức bảo tồn cá mập trắng White Shark ở Nam Phi cho biết xác những con cá mập dạt vào bờ trong tình trạng mới phân hủy và còn khá tươi.

Chúng thiếu gan, dạ dày và tinh hoàn - những con cá mập này đã chảy rất nhiều máu trước khi chết.

Những vụ sát hại cá mập trắng khổng lồ ở ngoài khơi Nam Phi tiếp tục tạo ra một không khí u ám đầy đáng sợ. Giống như quần thể cá mập mũi rộng trước đó, cá mập trắng khổng lồ cũng nhanh chóng cúp đuôi rời khỏi vịnh False.

Khu vực biển này của Nam Phi từng nổi tiếng là nơi mà khách du lịch đến để chiêm ngưỡng cá mập trắng khổng lồ. Từ năm 2005 đến năm 2015, trung bình mỗi năm du khách tới thăm vịnh False có thế bắt gặp cá mập trắng hơn 200 lần.

Nhưng sau các vụ thảm sát năm 2017, con số này đã giảm xuống chỉ còn 50 lần vào năm 2018.

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 6.

Xác một con cá mập trắng trôi dạt vào bờ biển Nam Phi.

Đến năm 2019, thêm 5 xác con cá mập trắng khổng lồ được phát hiện. Cá mập trắng khổng lồ gần như biến mất ở vịnh False vào năm 2020.

Không hề có một du khách nào bắt gặp chúng ở trạng thái còn sống trong suốt một quãng thời gian dài. Thay vào đó, vào tháng 6 năm 2021, thêm một xác cá mập trắng khổng lồ được phát hiện trôi dạt vào bờ biển gần Gansbaai.

Port và Starboard: Bóng ma song sát lộ diện

Đến lúc này, các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được chắc chắn thủ phạm gây ra những vụ sát hại cá mập suốt 7 năm qua. Chúng là một cặp đôi song sát duy nhất với bóng hình đen và trắng: Cá voi sát thủ.

Năm 2015, sau vụ án mạng với cá mập mũi rộng, các nhà hải dương học ở Nam Phi đã triển khai những buổi lặn trong lồng ở vịnh False gần khu vực những con cá mập bị giết và xác định được sự hiện diện của hai con cá voi sát thủ.

Chúng lập tức được liệt vào danh sách các kẻ tình nghi hàng đầu, khi liên tục nổi lên thăm dò tàu khảo sát và lảng vảng ở khu vực xác chết cá mập được phát hiện.

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 7.

Hai con cá voi sát thủ có vây gập sang trái (Port) và sang phải (Starboard) là thủ phạm gây ra những vụ thảm sát cá mập ở vịnh False từ năm 2015 tới nay.

Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, thật khó để tưởng tượng ra được cá voi sát thủ lại là một loài săn mồi máu lạnh. Đó là bởi những con cá này trông khá hiền, chúng giống với cá heo, có một cái mũi chai và thân hình bầu bầu dễ mến.

Nhưng sự thật thì cá voi sát thủ không chỉ là một loài săn mồi đỉnh cao như cá mập, chúng chính là loài ăn thịt đầu bảng trong đại dương. Nghĩa là cá voi sát thủ ăn thịt cả cá mập trắng khổng lồ và không con vật nào dám tấn công nó khi nó còn sống.

Với chiều dài từ 6-8 mét, nặng từ 4-6 tấn, cá voi sát thủ còn lớn hơn cả cá mập trắng khổng lồ. Cộng thêm khả năng tổ chức săn mồi theo đàn giống như chó sói, cá voi sát thủ có thể hạ gục bất cứ con mồi nào trong đại dương, từ loài cá mập nhanh nhất là cá mako cho đến loài cá mập to nhất là cá mập voi.

Trước những vụ sát hại cá mập vào năm 2015, cá voi sát thủ từng được quan sát thấy trong khu vực vịnh False nhưng chúng được cho là chỉ săn sư tử biển. Nhưng rồi đột nhiên, hai con cá voi sát thủ tên là Port và Starboard – các nhà khoa học đã đặt tên cho chúng – bỗng khám phá ra cách săn cá mập cực kỳ hiệu quả và chuyển thực đơn của chúng từ sư tử biển sang cá mập.

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 8.

Starboard, con cá voi sát thủ có vây lật sang phải.

Những vết răng của hai con cá voi sát thủ này đã được tìm thấy trên tất cả xác chết cá mập ở vịnh False từ năm 2015 đến 2021 cho thấy chúng giết những con cá mập rất nhẹ nhàng. Những con cá voi sát thủ có thể đã lợi dụng bản năng giả chết của các mập để móc gan loài sinh vật to lớn này mà không cần tốn chút hơi sức nào cả.

Nhưng Port và Starboard đã giết chết cá mập trắng khổng lồ như thế nào và tại sao chỉ ăn bộ gan của chúng?

Dựng lại hiện trường những vụ án

Chúng ta biết nhiều loài động vật chẳng hạn như rắn, chồn opossum và ếch thường có bản năng giả chết khi gặp phải kẻ địch. Chúng thường đưa mình vào trạng thái bất động cơ học, một hành vi tê liệt tạm thời và không phải ứng với bất kỳ kích thích nào bên ngoài.

Mục tiêu giả chết là để làm bối rối kẻ săn mồi. Bởi bản năng của động vật săn mồi là chúng phải khuất phục con mồi trước khi ăn thịt chúng. Nếu một con mồi tự nhiên lăn đùng ra chết mà không mất chút hơi sức nào để chế phục, con thú săn sẽ đâm sợ sệt. Chúng tự hỏi tại sao con vật này lại tự nhiên chết và lo lắng về chất lượng thịt con mồi, liệu nó có độc hay không?

Cá mập cũng có bản năng giả chết này. Thông thường, chúng sẽ làm vậy bằng cách lộn ngược cơ thể, giảm hô hấp qua mang và gần như không làm gì cả. Thật không may, cá voi sát thủ là một loài rất thông minh và chúng đã nhận ra màn kịch.

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 9.

Những con cá voi sát thủ đẩy cá mập lên mặt nước và khiến chúng rơi vào trạng thái bất động.

Theo các tài liệu ghi chép lại những vụ đụng độ giữa cá voi sát thủ và cá mập trên toàn thế giới, chúng thường săn cá mập trắng khổng lồ bằng cách dồn con mồi lên mặt nước, sau đó húc vào cổ hoặc dùng đuôi chẻ vào giữa đầu con cá mập bằng động tác như chặt sống dao.

Cú đánh này khiến con cá mập bị choáng và kích hoạt trạng thái bất động tự vệ. Port và Starboard chỉ chờ có thế, hai con cá voi sát thủ sẽ dùng cái mũi của mình, lách nhẹ vào dưới vây bụng và cắn vào vị trí hiểm nhất của con cá mập.

Giết chết một con cá mập trắng khổng lồ theo cách này, cá voi sát thủ không những sẽ tiết kiệm sức mà nó còn giảm nguy cơ chúng gặp chấn thương vì cá mập trắng có thể phản công nếu chúng tỉnh táo.

Việc chọn chỉ ăn lá gan của cá mập là do cá voi sát thủ không có hàm răng đủ sắc để xé thịt và nhai con mồi. Bù lại, chúng lại có sự khéo léo giống như họ hàng của mình là cá heo.

Bằng động tác lách miệng vào gần vây ngực của cá mập, cá voi sát thủ sẽ cắn rách một mảng thịt nhỏ. Sau đó, chúng sẽ dùng hàm ép trên thân con mồi cho tới khi lá gan của nó lòi ra như một tuýp kem đánh răng.

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 10.

Không có gì phải nghi ngờ, gan của cá mập trắng khổng lồ chính là phần giàu dinh dưỡng nhất trên cơ thể chúng. Không có phao bơi, cá mập trắng dùng chính gan mình để nổi. Bộ phận này vì vậy có thể chiếm tới 28% trọng lượng cơ thể cá mập trắng và có thành phần chứa chủ yếu là chất béo đậm đặc, lên tới 90%.

Với 400 lít dầu và 2 triệu kcal năng lượng, lá gan của cá mập trắng khổng lồ chính là nguồn calo đậm đặc nhất mà bạn có thể tìm thấy trong đại dương. Nó hẳn là bữa ăn thịnh soạn với một con cá voi sát thủ.

Hai con cá voi sát thủ đã lật ngược cả hệ sinh thái ngoài khơi Nam Phi

Với sự xuất hiện của Port và Starboard ở vịnh False, những con cá mập trắng đã phải sợ chúng một phép. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy chỉ cần ngửi thấy mùi long diên hương của cá voi sát thủ, cá mập trắng sẽ sẵn sàng bỏ lại ngôi nhà thân quen của chúng để dạt sang một vùng biển khác, dù nó có cằn cỗi nhưng sẽ an toàn hơn.

Ví dụ vào năm 2009, khi những con cá voi sát thủ đi ngang qua vùng Đông Nam quần đảo Farallon, chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ, những con cá mập trắng đã dọn nhà khỏi đó và không quay lại cho tới tận sang năm.

Điều tương tự đang lặp lại ở vịnh False của Nam Phi. Khu vực này từng là nhà của những con cá mập trắng khổng lồ, nhưng bây giờ chúng đã phải tránh đi nơi khác. Đúng là tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 12.

Một báo cáo do Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản nước này đã nêu chi tiết về số lượng cá mập trắng khổng lồ đang suy giảm vì sự có mặt của chỉ hai con cá voi sát thủ trong vịnh False.

"Sự sụt giảm đột ngột về số lượng cá mập trắng đã được ghi nhận là một mối lo ngại lớn", họ cho biết. Đó là bởi một hệ sinh thái mất đi loài ăn thịt đầu bảng sẽ tạo ra một chuỗi lật domino liên hoàn với các loài động vật phía dưới nó.

Không có cá mập trắng khổng lồ, số lượng hải cẩu trong khu vực sẽ đột nhiên gia tăng bởi cá mập trắng khổng lồ là loài rất tích cực ăn thịt hải cẩu.

Sự bùng nổ dân số hải cẩu lại tiếp tục làm giảm một quần thể là con mồi của chúng, những con chim cánh cụt Châu Phi. Khi có nhiều hải cẩu, chúng sẽ ăn nhiều chim cánh cụt hơn và do đó làm loài này có nguy cơ suy giảm, mà bản thân chim cách cụt Châu Phi đang ở trong nguy cơ tuyệt chủng.

Cứ như vậy cho tới cuối chuỗi thức ăn, những dãy domino liên tục được lật ngược sẽ gây ra xáo trộn hệ sinh thái. Hậu quả nhãn tiền với con người là ngành du lịch ngắm cá mập ở Cape Town bây giờ đã bị ảnh hưởng mạnh.

Để thích ứng với tình hình mới, họ đã phải tổ chức các tour ngắm cá voi sát thủ thay cho cá mập trắng khổng lồ. Nhưng so với hơn 200 lần xuất hiện mỗi năm, cá voi sát thủ ở vịnh False chỉ xuất hiện khoảng hơn 30 lần kể từ năm 2017 tới nay.

Kỳ án đại dương ở Nam Phi: Xác cá mập chết liên tục dạt vào bờ biển, tất cả đều bị móc mất lá gan - Ảnh 13.

Lần gần nhất Port và Starboard bị bắt gặp là vào ngày 16 tháng 1 vừa rồi khi chúng vẫn nhởn nhơ quanh đó. Hai con cá voi sát thủ này xứng đáng nhận biệt danh là bóng ma song sát ở vịnh False, nỗi khiếp đảm kinh hoàng của các loài cá mập.

Nhưng thú vị là sau khi cá mập trắng khổng lồ và cá mập mũi rộng bị Port và Starboard đuổi khỏi vịnh False, loài cá mập bò từng bị cá mập mũi rộng ăn thịt lại ngô nghê quay trở lại.

Chúng vui vẻ xâm chiếm vùng vịnh False mà không biết rằng ở đó đang tồn tại những kẻ săn mồi còn nguy hiểm hơn. Vậy là chuỗi domino trong hệ sinh thái ở vịnh False lại lật thêm một bước nữa.

Lần này, chúng ta đã có thể đoán được nạn nhân tiếp theo sẽ là ai. Có lẽ trong thời gian tới, các nhà hải dương học Nam Phi sẽ tìm thấy nhiều xác chết của cá mập bò với lá gan bị móc mất. Chúng sẽ tự thêm tên mình vào danh sách hàng dài những nạn nhân của Port và Starboard, hai con cá voi sát thủ đã trở thành huyền thoại ở vịnh False.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại